Chính phủ Mỹ tạm ngừng hoạt động:

“Cơ hội để tuyển chọn điệp viên Mỹ”

Thứ Sáu, 04/10/2013, 08:38
Phát biểu tại buổi điều trần hôm 2/10 trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện (theo giờ địa phương), Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper cảnh báo, việc đóng cửa chính phủ có thể mang lại cơ hội cho những nước đang tìm cách tuyển chọn điệp viên tại Mỹ.
>> Chính phủ Mỹ tạm ngừng hoạt động: Nguy cơ sụp đổ chính phủ

Theo ông James Clapper, kẻ thù của nước Mỹ có thể dễ dàng hơn trong việc tuyển chọn điệp viên trong số các nhân viên liên bang đang nghỉ việc do hậu quả của việc cắt giảm ngân sách tự động làm chính phủ phải ngừng hoạt động một phần. Ngoài ra, việc mất nguồn thu nhập cũng có thể là nguyên nhân khiến cho nhiều nhân viên tình báo Mỹ dễ bị dao động trước sự mua chuộc và hối lộ của cơ quan tình báo đối phương.

Trước đó, người phát ngôn của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, ông Shawn Turner còn cho biết, việc đóng cửa chính phủ đã khiến hơn 70% nhân viên dân sự của các cơ quan tình báo Mỹ nghỉ việc. Trong khi đó, gần 30% nhân viên tình báo đang làm việc phải căng mình để đối phó với các nhu cầu an ninh trọng yếu. Theo ông Shawn Turner, nếu tình trạng này kéo dài thì khả năng xác định các mối đe dọa và cung cấp thông tin cho những quyết định về an ninh quốc gia sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Cũng tại phiên điều trần ở Thượng viện hôm 2/10 (theo giờ địa phương), Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) Mỹ, Tướng Keith Alexander khẳng định, cơ quan này không thu thập dữ liệu sử dụng mạng xã hội của người Mỹ, đồng thời cho rằng, thông tin từ giới truyền thông thời gian qua là “sai lệch”.

Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper (trái) và Tướng Keith Alexander tại phiên điều trần hôm 2/10.

Ông Keith Alexander cũng cho rằng, kết luận của tờ New York Times về việc NSA thu thập dữ liệu của người Mỹ từ mạng xã hội là "vội vàng và không chính xác". Bởi theo Giám đốc NSA, hoạt động của cơ quan này là lần theo những đối tượng của các cuộc điều tra khủng bố hoặc tương tự chứ không nhắm vào công dân trong nước. Ngoài ra, Tướng Keith Alexander cũng nhấn mạnh, NSA chỉ sử dụng mạng xã hội với mục đích thu thập thêm thông tin cho các điều tra khủng bố và hoạt động này chỉ nhằm vào những người nước ngoài.

Và trong trường hợp những manh mối dẫn tới công dân Mỹ, hồ sơ vụ việc sẽ được chuyển giao cho FBI. Một trong những nguyên nhân khiến Tướng Keith Alexander phải điều trần xuất phát từ tuyên bố của 2 nhà báo điều tra Mỹ Jeremy Scahill và Glenn Greenwald khi họ cho biết: đang phối hợp viết một bài báo về một chương trình ám sát bí mật của NSA.

Về phần mình, phát biểu sau cuộc gặp kéo dài hơn 60 phút với Chủ tịch Hạ viện John Boehner và một số quan chức khác của Quốc hội chiều 2/10 (theo giờ địa phương), Tổng thống Barack Obama cho biết, ông rất phẫn nộ trước việc một số nghị sĩ có thể đe dọa Nhà Trắng về vấn đề ngân sách.

Trong một cuộc phỏng vấn vớihãng CNBC, Tổng thống Barack Obama tuyên bố, sẽ không đàm phán về vấn đề ngân sách cho đến khi các nghị sĩ đảng Cộng hòa thông qua một dự luật tạm thời để cung cấp ngân sách cho chính phủ và nâng trần nợ công đang ở mức 16,7 nghìn tỷ USD, để Washington tránh bị vỡ nợ trong vài tuần tới. Ông Barack Obama cũng cảnh báo, sự cố lần này sẽ tạo ra một tiền lệ xấu khi cho phép các nghị sĩ của bất kỳ đảng nào "tống tiền" Nhà Trắng xung quanh vấn đề nâng trần nợ công.

Trước đó, Tổng thống Barack Obama đã kêu gọi một cuộc họp với 4 nhà lãnh đạo hàng đầu của hai đảng tại Quốc hội gồm Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sỹ Cộng hòa John Boehner, thủ lĩnh phe thiểu số Dân chủ tại Hạ viện, nữ Hạ nghị sỹ Nancy Pelosi, lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại Thượng viện, Thượng nghị sỹ Harry Reid và thủ lĩnh phe thiểu số Cộng hòa tại Thượng viện, Thượng nghị sỹ Mitch McConnell, để thảo luận cách thoát khỏi bế tắc ngân sách khiến chính phủ Mỹ đóng cửa lần đầu tiên trong 17 năm qua.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ có thể đưa ra được giải pháp khả thi để chấm dứt cuộc khủng hoảng chính phủ hiện nay bởi 2 phe tiếp tục đổ lỗi cho nhau về sự bế tắc này. Hãng tin AFP dẫn lời ông John Boehner cho biết, Tổng thống tái khẳng định một lần nữa - sẽ không đàm phán gì hết.

Trong khi đó, ông Harry Reid chỉ trích thái độ của ông John Boehner, theo đó sẽ không cho phép đảng Cộng hòa loại bỏ Đạo luật chăm sóc sức khỏe của Tổng thống Barack Obama (Obamacare) bằng cách lợi dụng cuộc khủng hoảng ngân sách. Giám đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi cảnh báo, việc chính phủ Mỹ đóng cửa "là một mối nguy cơ và nếu kéo dài đó sẽ là nguy cơ không chỉ với nước Mỹ, mà cả nền kinh tế thế giới".

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Barack Obama đã quyết định cắt ngắn chuyến thăm Đông Nam Á - hủy kế hoạch tới Malaysia và Philippines, chỉ tham dự các hội nghị Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Indonesia, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) tại Brunei.

Theo thống kê, trong 21 ngày đóng cửa công sở liên bang cuối năm 1995 đầu năm 1996, dưới thời Tổng thống Bill Clinton, nền kinh tế Mỹ đã bị thiệt hại hơn 1,4 tỷ USD. Lần này, theo các chuyên gia, việc đóng cửa công sở liên bang dự báo sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ mỗi tuần một tỷ USD, nhưng nếu đóng cửa kéo dài từ 3 đến 4 tuần thì tổng thiệt hại sẽ lên tới 55 tỷ USD.

Việc một số cơ quan chính phủ Mỹ ngừng hoạt động, trong đó có Viện Y tế quốc gia Mỹ đã và đang đẩy hàng trăm bệnh nhân, trong đó có khoảng 15% là trẻ em phải tìm nơi khác để tiếp tục điều trị. Được biết, bệnh viện này đóng cửa đồng nghĩa với việc khoảng 200 bệnh nhân mỗi tuần sẽ bị hoãn điều trị hoặc phải tìm nơi khác để tiếp tục chữa bệnh, trong đó có khoảng 10 trẻ em mắc bệnh ung thư. Viện Y tế quốc gia cho biết, khoảng 75% nhân viên (gần 15.000 người) đã phải nghỉ việc không lương ngay trong ngày đầu chính phủ Mỹ ngừng hoạt động và nếu Quốc hội Mỹ không sớm đưa ra quyết định về kế hoạch ngân sách khiến việc đóng cửa kéo dài, hậu quả xảy ra sẽ ngày càng nghiêm trọng.

Lê Trịnh
.
.
.