Cuộc gặp thượng đỉnh 4 bên ở Minsk (Belarus):

Cơ hội cuối cùng cho đàm phán hòa bình ở Ukraine

Thứ Năm, 12/02/2015, 08:41
Ngày 11/2, lãnh đạo 4 quốc gia gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức đã có mặt tại thủ đô Minsk của Belarus để bàn thảo hướng giải quyết cho cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.

Dù có nhiều yếu tố tạo nên những nghi ngại như việc Hạ viện Mỹ ủng hộ viện trợ 1 tỷ USD vũ khí sát thương cho Ukraine và 30 người thương vong trong vụ bắn tên lửa vào sở chỉ huy quân đội Ukraine ở thị trấn Kramatorsk, song người ta vẫn hy vọng, việc ngồi cùng nhau để đàm thoại đã là một bước tiến lớn cho vấn đề Ukraine. Chỉ có điều không biết Ukraine và Nga sẽ “nắm cơ hội gặp bộ tứ này đến đâu”.

Kế hoạch gặp mặt bộ tứ theo công thức Normandie gồm Nga, Ukraine, Đức và Pháp được đưa ra vào tuần trước, trong cuộc hội đàm riêng giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Mục tiêu của cuộc gặp lần này là xây dựng một gói giải pháp hồi sinh thỏa thuận hòa bình được ký hồi tháng 9 năm ngoái nhưng bị vi phạm nhiều lần.

Tuyên bố được văn phòng Tổng thống Ukraine đưa ra khẳng định: “Các nhà lãnh đạo kỳ vọng những nỗ lực trong cuộc gặp ở Minsk sẽ dẫn đến một thỏa thuận ngừng bắn nhanh chóng và vô điều kiện cho cả hai bên”.

Tuy nhiên, vụ tấn công tên lửa vào sâu trong khu vực do quân đội Ukraine kiểm soát ở thị trấn Kramatorsk, vụ tấn công của lực lượng chống đối ở gần thị trấn Debaltseve cùng việc Hạ viện Mỹ ủng hộ viện trợ 1 tỷ USD vũ khí sát thương cho Ukraine đang làm u ám bầu không khí nhạy cảm của cuộc gặp. Hãng Ria Novosti cho biết, giới chức châu Âu lo ngại về diễn biến leo thang tại miền Đông.

Vì thế, hôm 10/2, Nhóm tiếp xúc về Ukraine đã có cuộc gặp ở Minsk và lần này, việc được nhấn mạnh nhiều nhất chính là thiết lập một vùng phi quân sự. Trước đó, nhiều tờ báo phương Tây cũng  dẫn nguồn thông tin cho hay, trung tâm điều phối và kiểm soát lệnh ngừng bắn chung (gồm đại diện Ukraine, Nga và hai nước cộng hòa nhân dân tự xưng ở Ukraine) đã đưa ra sáng kiến thành lập một khu vực phi quân sự dài từ 50km đến 70km ngăn cách giữa Donbass và vùng lãnh thổ do Kiev kiểm soát.

Phần còn lại của tên lửa bắn vào khu vực do quân đội Ukraine kiểm soát ở thị trấn Kramatorsk hôm 10/2 làm 30 người thương vong. Ảnh: Reuters.

Nguồn tin này cũng khẳng định, tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), Pháp và Đức muốn Nga chịu trách nhiệm giám sát vùng phi quân sự này. Trong khi đó, Nga lại muốn OSCE đảm đương trách nhiệm.

Trong khi đó, hãng Reuters đưa tin, hai nước Cộng hòa nhân dân tự xưng ở miền Đông Ukraine là Donetsk và Lugansk cũng đã chủ động đưa ra những đề xuất nhằm giảm leo thang xung đột. Ông Denis Pushilin, đại diện Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk cho biết, dự thảo thỏa thuận hòa bình gồm những giải pháp quân sự và chính trị đối với cuộc khủng hoảng Ukraine đã được gửi tới các nhà đàm phán. Hiện các bên đang chờ phản ứng của Ukraine.

Phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Đức Walter Steinmeier nhấn mạnh, kế hoạch trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Minsk là hữu ích và mở ra các vấn đề còn tồn đọng. Tuy không quá kỳ vọng về việc có ngay một thỏa thuận ngừng bắn hay hòa bình, song ông Walter Steinmeier cùng kêu gọi Moskva và Kiev phải nắm lấy mọi cơ hội khi có thể. Cao ủy phụ trách về an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini thì kêu gọi chính khách châu Âu không nên có các hành động gây căng thẳng cho hòa đàm ở Ukraine.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho đây là một trong những cơ hội cuối cùng để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine và Mỹ ủng hộ giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột, bất chấp chính quyền Mỹ đang xem xét khả năng cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Điện đàm với Tổng thống Nga về tình trạng bạo lực leo thang tại miền Đông Ukraine hôm 10/2, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hối thúc ông Putin nhất trí về một thỏa thuận hòa bình. Thông cáo từ Điện Kremli cho biết, hai Tổng thống cũng lưu ý tới sự cần thiết của một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột “nội bộ” tại Ukraine nhằm chấm dứt ngay lập tức tình trạng đổ máu tại quốc gia này.

Được biết, hiện Mỹ và các nước phương Tây đang xem xét cả việc Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đề nghị đưa lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (LHQ) tới khu vực miền Đông Ukraine.

Mỹ, Canada ủng hộ viện trợ vũ khí cho Ukraine

Các nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Ủy ban quân lực Hạ viện Mỹ đang đệ trình một dự luật yêu cầu chính phủ Mỹ cung cấp các loại vũ khí, trang thiết bị sát thương cho lực lượng an ninh Ukraine từ nay đến ngày 30/9/2015. Tuần trước, cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã kêu gọi chính phủ Mỹ cung cấp các loại radar phát hiện đạn cối và pháo, các thiết bị bay không người lái (UVA), hệ thống điện tử chống lại các loại UVA, xe thiết giáp Humvee và các trang thiết bị y tế cho Ukraine.

Trong khi đó, tờ The Star số ra ngày 10/2 cũng đăng thông tin cho biết, Thủ tướng Canada Stephen Harper đã từ chối loại bỏ khả năng cung cấp trợ giúp quân sự sát thương cho Ukraine nếu các nỗ lực ngoại giao (cụ thể là cuộc gặp Minsk) nhằm giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine thất bại.

Huyền Chi
.
.
.