Cố Tổng thống Palestine Yasser Arafat bị đầu độc bằng chất phóng xạ polonium 210

Thứ Ba, 15/10/2013, 12:56
Cố Tổng thống Palestine Yasser Arafat bị đầu độc bằng chất phóng xạ polonium 210 là điều đang được dư luận Palestine nói riêng và khu vực nói chung bàn tán sau khi báo cáo "Cải thiện điều tra pháp y đối với ngộ độc polonium" được đăng trên tạp chí Anh Lancet (tạp chí y khoa hàng đầu thế giới) hôm 12/10.
>> Khai quật thi thể Yasser Arafat

Bởi tạp chí này xác nhận về khả năng cố Tổng thống Palestine Yasser Arafat bị đầu độc bằng chất đồng vị phóng xạ polonium 210. Theo Al-Jazeera, trong bản báo cáo kể trên, 8 nhà nghiên cứu đến từ 2 viện của Thụy Sĩ ủng hộ phát hiện cho rằng, có một lượng lớn nguyên tố phóng xạ trong mẫu máu, nước tiểu và nước bọt trên quần áo và bàn chải đánh răng của cố Tổng thống Palestine. Theo đó, ông Yasser Arafat đã bị đầu độc bằng polonium 210.

Còn theo kết quả điều tra kéo dài 9 tháng trước đó của Al-Jazeera cũng cho rằng, một lượng bất thường chất phóng xạ polonium được tìm thấy trong chất dịch cơ thể của ông Yasser Arafat. Hơn 1 năm trước (3/7/2012), kênh truyền hình Al-Jazeera từng phát sóng phóng sự điều tra về nguyên nhân dẫn tới cái chết của người từng đoạt giải thưởng Nobel Hòa bình, nhưng luôn bị Israel, Mỹ và nhiều thế lực thù địch khác mưu sát. Khi đó, kênh truyền hình Al-Jazeera còn đưa tin, phòng thí nghiệm của Viện Nghiên cứu vật lý phóng xạ thuộc Trường Đại học Lausanne ở Thụy Sĩ đã phát hiện ra chất phóng xạ nồng độ cao trong một số vật dụng cá nhân của ông Yasser Arafat và điều này chứng tỏ, cố Tổng thống Palestine đã bị đầu độc bằng chất phóng xạ polonium.

Giám đốc Viện Vật lý bức xạ tại Trường Đại học Lausanne ở Thụy Sĩ Francois Bochud (nơi đã tiến hành các thí nghiệm kể trên) từng cho biết, một lượng polonium đáng kể đã được tìm thấy trên tư trang của ông Yasser Arafat và cần phải kiểm tra thi hài của cố Tổng thống Palestine để xác nhận giả thiết bị đầu độc.

Giới truyền thông đưa tin khi khai quật mộ ông Yasser Arafat hôm 27/11/2012.


Trong khi đó, tờ Al-Quds Al-Arabi (một báo độc lập tiếng Arab ở London, Anh) hồi đầu tháng 10 từng dẫn nguồn tin am hiểu sự việc cho biết, một số người Palestine lo ngại đây là kết quả của một "quyết định chính thức" bị trì hoãn. Theo tờ Al-Quds Al-Arabi, giới chức Palestine quan ngại cuộc điều tra nguyên nhân cái chết của ông Yasser Arafat bước vào "phép tính khác biệt" giữa các cơ quan tình báo phương Tây, và việc trì hoãn có thể nhằm ngăn chặn bất cứ vấn đề nào có thể tác động xấu tới đàm phán hòa bình giữa Palestine và Israel đang diễn ra.

Thông tin kể trên xuất hiện sau khi thi hài cố Tổng thống Palestine được khai quật khỏi lăng mộ tại thành phố Bờ Tây Ramallah và được đưa tới nhà thờ Hồi giáo gần đó sáng 27/11/2012, bất chấp những kiêng kỵ về việc quấy rầy lăng mộ, nhằm xác minh ông Yasser Arafat có bị đầu độc hay không. Bởi theo đạo Hồi, chỉ có người Hồi giáo được xử lý thi thể của người theo đạo này. Tại đây, các bác sĩ Palestine đã lấy mẫu từ thi thể ông Yasser Arafat và trao cho những chuyên gia Thụy Sĩ, Pháp và Nga.

Trước đó (24/11/2012), ông Tawfiq Tirawi, người đứng đầu Ủy ban điều tra Palestine thông báo, mộ sẽ được mở trong ngày 27/11/2012 và các chuyên gia sẽ lấy mẫu chỉ vài giờ sau đó. Một lễ cải táng được tổ chức cùng ngày tại lăng của ông Yasser Arafat, nằm ở trung tâm trụ sở Muqataa của Tổng thống. Trước khi việc khai quật diễn ra, chính quyền Palestine đã phủ nhiều phần của lăng mộ bằng bạt xanh để tránh bị quay trộm. Bởi ông Yasser Arafat được nhiều người kính trọng, nên đã từng xuất hiện lo ngại về việc quấy rầy mộ của cố Tổng thống Palestine sẽ dấy lên những cuộc biểu tình.

Theo giới truyền thông, hơn 1 năm trước (tháng 8/2012), các công tố viên Pháp đã tiến hành điều tra về nguyên nhân cái chết của cố Tổng thống Palestine sau khi một số chuyên gia Thụy Sĩ tuyên bố, phát hiện một lượng polonium cấp độ cao trên quần áo của ông Yasser Arafat. Vì ông Yasser Arafat qua đời (ngày 11/11/2004) tại Quân y viện Percy ở thủ đô nước Pháp, nhưng các bác sĩ Pháp khi đó không thể xác định được nguyên nhân gây tử vong nên Paris phải tham gia điều tra nguyên nhân cái chết của cố Tổng thống Palestine sau khi có những thông tin kể trên. Ngoài Pháp còn có Nga cũng tham gia điều tra cái chết của ông Yasser Arafat. Điều này được Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố hôm 11/11/2012, đúng dịp kỷ nhiệm 8 năm ngày mất của ông Yasser Arafat. Việc này cũng khẳng định cuộc điều tra đã trở nên quan trọng hơn và cấp thiết hơn. Và đây cũng là lần đầu tiên quan chức cấp cao Palestine xác nhận sự tham gia của Nga trong cuộc điều tra về nguyên nhân cái chết của ông Yasser Arafat.

Về phần mình, bà Suha Arafat, quả phụ của ông Yasser Arafat đã kêu gọi tiến hành các cuộc điều tra song song sau khi các nhà điều tra phát hiện có dấu vết polonium 210 trên quần áo của cố Tổng thống Palestine. Sở dĩ yêu cầu điều tra song song vì chính quyền Palestine quyết định mời các nhà điều tra Thụy Sỹ, còn bà Suha Arafat chính thức đề nghị có một cuộc điều tra của Pháp.

Giới truyền thông đưa tin khi khai quật mộ ông Yasser Arafat hôm 27/11/2012

Cách đây hơn 1 năm (12/7/2012), ông Nasser al-Qidwa, cháu trai cố Tổng thống Palestine, đồng thời là Chủ tịch Quỹ Yasser Arafat tuyên bố với hãng tin AFP. Theo đó, chất phóng xạ polonium là tác nhân dẫn tới cái chết của ông Yasser Arafat và Israel là người đứng sau vụ việc này. Khi đó, ông Nasser al-Qidwa nhấn mạnh, Israel đã ám sát ông Yasser Arafat bằng cách dùng chất phóng xạ polonium để đầu độc.

Ngay sau tuyên bố của ông Nasser al-Qidwa, phát ngôn viên của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã lập tức bác bỏ cáo buộc của Chủ tịch Quỹ Yasser Arafat cũng như mọi sự dính líu của Tel Aviv tới cái chết của cố Tổng thống Palestine Yasser Arafat. Được biết, bác sĩ riêng của cố Tổng thống Palestine là ông Ashraf al-Kurdi từng yêu cầu khám nghiệm tử thi ông Yasser Arafat để làm rõ nguyên nhân cái chết, nhưng bất thành. Tại thời điểm đó, bà Suha Arafat đã đưa ra khá nhiều tuyên bố khiến Tổng thống Mahmoud Abbas phẫn nộ tới mức suýt hoãn chuyến đi Pháp để thăm Chủ tịch Phong trào giải phóng Palestine (PLO) đang điều trị tại Quân y viện Percy ở thủ đô Paris.

Được biết, từ trung tuần tháng 10/2004, ông Yasser Arafat đã cảm thấy bị suy kiệt nặng và những bác sĩ giỏi nhất trong thế giới Arab tuy đã khám và hội chẩn nhưng đều không phát hiện ra nguyên nhân căn bệnh mà nhà lãnh đạo Palestine đang mắc phải. Theo một số nguồn tin, trong những ngày cuối cùng của đời mình, ông Yasser Arafat không hề bị hôn mê và trí óc vẫn tỉnh táo cho tới phút cuối cùng cho dù luôn bị nôn mửa. Nhưng khi đó giới chức Pháp lại từ chối cung cấp những thông tin hữu quan về tình hình sức khỏe của ông Yasser Arafat nên đã dấy lên những đồn đoán khác nhau xung quanh cái chết của cố Tổng thống Palestine.

Trước sức ép của dư luận và giới truyền thông, các bác sĩ Pháp, những người trực tiếp chữa trị cho ông Yasser Arafat những ngày cuối đời cũng chỉ đưa ra thông báo chung chung: không thể kết luận được nguyên nhân dẫn tới cái chết bí ẩn này. Sau khi ông Yasser Arafat qua đời, ông Bassam Abu Sharif, cựu cố vấn chính trị cho cố Tổng thống Palestine đã khẳng định: Israel ám sát ông Yasser Arafat bằng chất độc và cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac biết rõ việc này

Quốc Tuấn - Khắc Dũng
.
.
.