Cố Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto: Hổ phụ sinh hổ tử

Thứ Năm, 05/01/2012, 14:21
Tuy không hoàn toàn giống bố đẻ, nhưng cuộc đời của bà Benazir Bhutto cũng có nhiều nét tương đồng với cố Tổng thống và Thủ tướng Zulfikar Ali Bhutto.
>> 4 năm vụ ám sát cựu Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto

Mặc dù tuyên bố độc lập từ ngày 14/8/1947, nhưng mãi tới ngày 23/3/1956, nhà nước Pakistan mới chính thức được thành lập bởi những biến cố trên chính trường trước đó. Dòng họ Bhutto không những có người làm Tổng thống và Thủ tướng (Tổng thống và Thủ tướng Zulfikar Ali Bhutto và Thủ tướng Benazir Bhutto), mà còn tạo dựng được đương kim Tổng thống Asif Ali Zadari (con rể).

Có người nói rằng, Bhutto không chỉ là một trong những dòng họ danh giá, nổi tiếng và quyền lực nhất ở Pakistan, mà cả khu vực Nam Á, sánh ngang với gia tộc Nehru và Gandhi ở Ấn Độ. Ông Zulfikar Ali Bhutto là người duy nhất trong lịch sử Pakistan vừa làm Tổng thống, vừa làm Thủ tướng. Thủ tướng Zulfikar Ali Bhutto không thể ngờ ái tướng Muhammad Zia-ul-Haq được mình nâng đỡ bấy lâu lại là người tiến hành đảo chính và buộc ông phải chết trong uất hận. Tuy không hoàn toàn giống bố đẻ, nhưng cuộc đời của bà Benazir Bhutto cũng có nhiều nét tương đồng với cố Tổng thống và Thủ tướng Zulfikar Ali Bhutto.

Tuy sinh ra và sống trong nhung lụa cùng những đặc quyền, đặc lợi, nhưng con đường chính trị của bà Benazir Bhutto, trưởng nữ trong một gia đình có bố là vị Thủ tướng thứ 10 của Pakistan khá gập ghềnh, trắc trở. Bà Benazir Bhutto từng phải ngồi tù gần 5 năm sau khi bố đẻ bị treo cổ (4/4/1979). Mặc dù chịu nhiều mất mát và đau đớn như vậy nhưng bà Benazir Bhutto vẫn là Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Pakistan, là nữ Thủ tướng đầu tiên tại một quốc gia Hồi giáo, là nguyên thủ quốc gia duy nhất trên thế giới sinh con khi đang tại nhiệm (năm 1988), là một trong 50 phụ nữ đẹp nhất thế giới và là một trong 100 chính khách được hâm mộ nhất thế giới. Bà Benazir Bhutto được coi là người phát huy xuất sắc truyền thống chính trị của gia tộc Bhutto.

Sự nghiệp chính trị của bà Benazir Bhutto bắt đầu khởi sắc sau cái chết của Tướng Muhammad Zia-ul-Haq (tháng 8/1988), người đã treo cổ Thủ tướng Zulfikar Ali Bhutto. Sau khi PPP đắc cử trong cuộc bầu cử Quốc hội (16/11/1988), bà Benazir Bhutto đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng (2/12/1988) và trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Pakistan lãnh đạo chính phủ tại một quốc gia với đa số dân theo đạo Hồi khi mới 35 tuổi.

Vợ chồng bà Benazir Bhutto (trái) và Thủ tướng Zulfikar Ali Bhutto.

Cũng trong năm 1988, tạp chí People đã bình chọn bà Benazir Bhutto là một trong 50 người phụ nữ đẹp nhất thế giới. Một trong những nguyên nhân giúp bà Benazir Bhutto đắc cử ngay từ cuộc bầu cử đầu tiên diễn ra trong tháng 11/1988 là biết quan tâm tới các vấn đề xã hội và y tế liên quan đến phụ nữ, cũng như thái độ kỳ thị đối với phụ nữ tại quốc gia Hồi giáo này. Nhưng chỉ sau 20 tháng cầm quyền, bà Benazir Bhutto đã bị phế truất với cáo buộc tham nhũng.

Mặc dù bị Tổng thống Ghulam Ishaq Khan cách chức (6/8/1990), nhưng hơn 3 năm sau (19/10/1993), bà Benazir Bhutto vẫn tái cử và lãnh đạo nội các lần thứ 2. Hơn 3 năm sau (5/11/1996), Tổng thống Farooq Leghari lại cách chức bà Benazir Bhutto với cáo buộc tham những, gia đình trị và ngấm ngầm phá hoại hệ thống tư pháp. Nhiều người cho rằng, phần lớn thời gian nắm quyền của bà Benazir Bhutto chỉ tập trung vào những tranh cãi, giải quyết xung đột với phe đối lập và đối mặt với những scandal tham nhũng.

Có người cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến bà Benazir Bhutto bị cáo buộc liên đới tới những scandal tham nhũng là vì lấy chồng. Được biết, sau khi kết hôn (18/12/1987) với ông Asif Ali Zardari, một thương gia giàu có do mẹ đẻ mai mối, bà Benazir Bhutto vẫn giữ nguyên tên cúng cơm, không đổi sang họ chồng vì chỉ biết mặt hôn phu 5 ngày trước khi lên xe hoa.

Tuy nhiên, trong thời gian sống lưu vong ở nước ngoài, bà Benazir Bhutto luôn tuyên bố, mọi cáo buộc tham nhũng chống lại gia đình mình đều xuất phát từ âm mưu chính trị. Cách đây hơn 8 năm (6/8/2003), bà Benazir Bhutto và ông Asif Ali Zardari đã bị toà án Thụy Sĩ tuyên phạt 6 tháng tù (án treo) cùng khoản tiền 50.000 USD vì tội rửa tiền. Ngoài ra, họ còn phải hoàn trả Chính phủ Pakistan 11 triệu USD.

Điều đáng nói là mặc dù không tòa án nào kết tội ông Asif Ali Zardari, nhưng cựu Đệ nhất phu quân vẫn phải ngồi tù khoảng 8 năm và được phóng thích năm 2004. Nhưng theo thỏa thuận chia sẻ quyền lực đạt được với Tổng thống Pervez Musharraf trước khi trở về nước hôm 18/10/2007, bà Benazir Bhutto đã được phép tiếp cận số tài khoản trị giá hơn 1,5 tỷ USD ở Thụy Sĩ.

Theo giới truyền thông, lực lượng chống đối chủ yếu của bà Benazir Bhutto thường thuộc thế lực của người Punjab và các gia đình chủ đất bởi những người này bị thiệt hại nhiều sau khi nữ Thủ tướng đẩy mạnh các cải cách chống lại họ. Giới quân sự cho rằng, thái độ của bà Benazir Bhutto đối với Taliban đã thay đổi đáng kể bởi khi mới lên điều hành chính phủ ở tuổi 35, nữ Thủ tướng từng coi Taliban là lực lượng có thể ổn định tình hình Afghanistan nên đã hỗ trợ tài chính và quân sự cho chúng. Nhưng quan điểm này đã thay đổi - chuyển từ hỗ trợ sang chống đối và đó là một trong những nguyên nhân khiến bà Benazir Bhutto trở thành mục tiêu ám sát của Taliban.

Với nhiều người, chết là hết, nhưng điều này không đúng đối với cố Thủ tướng Benazir Bhutto bởi không chỉ những người yêu quý bà, mà cả nhiều người khác vẫn đã và đang quan tâm tới những gì người phụ nữ này đề cập trong cuốn “Hoà giải: Hồi giáo, Dân chủ và Phương Tây”.

Theo bà Benazir Bhutto, cuộc chiến giữa Dân chủ và Độc tài, giữa Cực đoan và Ôn hoà là những vấn đề trọng tâm của thế kỷ XXI. Cố Thủ tướng nhấn mạnh, những kẻ độc tài, quân phiệt và cực đoan đã bóp méo đạo Hồi để phục vụ cho những mưu đồ chính trị của họ. Tuy không còn được chọn vào danh sách “100 phụ nữ nhiều quyền lực nhất thế giới” do tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn, nhưng bà Benazir Bhutto vẫn được đánh giá là một trong những nữ chính khách có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới

Quốc Tuấn - Khắc Dũng
.
.
.