Chuyến thăm châu Á nhiều mục tiêu của ông Obama

Thứ Sáu, 25/04/2014, 09:08
Ngày 24/4, Tổng thống Mỹ đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại Hoàng cung Nhật Bản ở thủ đô Tokyo, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Á kéo dài từ ngày 23 - 29/4 của ông chủ Nhà Trắng.

Chuyến thăm được thực hiện trong khi Washington đang bị chi phối bởi các cuộc khủng hoảng ở nhiều nơi khác, trong đó có cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Theo giới phân tích, chuyến đi của ông Obama nhằm phục vụ cho “chiến lược xoay trục châu Á”, vốn đã được đề ra từ cuối năm 2011 và được miêu tả là sự chuyển đổi của trọng tâm chính sách đối ngoại sang châu Á trong lúc Mỹ kết thúc các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan.

Tại cuộc hội đàm, ông Obama tái cam kết tăng cường hơn nữa mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật Bản, không chỉ trong lĩnh vực quân sự, và với sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước, các vấn đề an ninh khu vực sẽ được giải quyết. Ngoài ra, sự hợp tác trong lĩnh vực kinh tế của hai nước sẽ tạo cơ hội xây dựng một thể chế kinh tế đột phá tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Theo Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, Ben Rhodes, Mỹ coi quan hệ đồng minh với Nhật Bản là hòn đá tảng trong “chiến lược xoay trục châu Á” của Washington. Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản bày tỏ mong muốn phát huy vai trò chủ đạo của mối quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ trong việc duy trì hòa bình và thịnh vượng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ông Shinzo Abe cũng cho biết, chuyến công du châu Á lần này của Tổng thống Obama là minh chứng cho chính sách xoay trục hướng về châu Á của Mỹ.

Trong khi “lò lửa” Ukraine đang “nóng” lên từng giờ và Mỹ, theo lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu trong buổi họp báo với trang Nước Nga ngày nay hôm 23/4, “chính là tác giả của show diễn này”, thì ông Obama chỉ cử người phó của mình, Phó Tổng thống Joe Biden, tới Kiev còn ông lại bay tới châu Á. Thực ra, đáng lẽ chuyến thăm này được thực hiện từ mùa thu năm ngoái nhưng bị hoãn lại do tranh cãi căng thẳng kéo dài giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ về mức trần nợ công đã dẫn tới việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa 16 ngày và đó là lần thứ 3 ông chủ Nhà Trắng buộc phải hoãn các chuyến công du châu Á vì những vấn đề tranh cãi quyền lực nội bộ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại buổi hội đàm.

Trước đó, hồi tháng 3/2010, ông Obama từng phải hoãn chuyến thăm Indonesia và Australia vì phải dốc lực vận động cho việc cải cách chương trình chăm sóc y tế và sức khỏe với sự ra đời của chương trình ObamaCare. Rồi đến tháng 6 cùng năm, ông Obama lại tiếp tục phải hoãn chuyến thăm do vụ nổ gây tràn dầu của Công ty BP ở vịnh Mexico.

Theo nhận định Cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice, trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực châu Á đang leo thang, chuyến thăm này sẽ mở ra cơ hội để Mỹ tái khẳng định những cam kết trong khu vực và cũng để khẳng định một điều rằng, Washington đang “ngày càng coi trọng mối ưu tiên hàng đầu nhằm tăng cường quan hệ với các nước châu Á, trong việc mở rộng thị trường mới, thúc đẩy xuất khẩu và bảo vệ các lợi ích an ninh, cũng như tăng cường các giá trị cốt lõi mà Mỹ đang theo đuổi”.

Theo nhận định của giới chuyên gia, đây chỉ là một chuyến thăm mang tính tượng trưng và sẽ không có hy vọng gì về một sự thay đổi rõ rệt trong bất kỳ lĩnh vực quan trọng nào trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Theo ông Ernie Bower, cố vấn cấp cao và là Chủ tịch nhóm nghiên cứu Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, các nhà lãnh đạo châu Á đang muốn xem ông Obama làm cách nào để chứng minh với người dân Mỹ rằng, châu Á rất quan trọng với tương lai kinh tế, sự thịnh vượng và an ninh của họ hay nói cách khác, các nhà châu Á đang muốn chứng kiến một sự thay đổi mô hình chính trị tại Mỹ, trong đó các nhà lãnh đạo của Mỹ phải can dự vào châu Á và không đối xử với châu Á như một quân bài chính trị thứ ba.

Còn theo tờ Strait Times của Singapore, nếu không giành được sự ủng hộ của người Mỹ, cái gọi là “chiến lược xoay trục châu Á” của ông Obama không bao giờ có nền tảng chính trị vững chắc và sẽ dẫn đến việc các cam kết của Washington sẽ bị nghi ngờ khi có vấn đề nảy sinh. Theo ông Kenneth Lieberthal, chuyên gia về chính sách châu Á thời chính quyền của cựu Tổng thống Bill Clinton và hiện làm cho Viện Brookings, giới chức Mỹ hiện thích cụm từ “tái cân bằng” hơn là cụm từ “xoay trục” của ông Obama nhưng đáng tiếc là Nhà Trắng chưa thể làm khái niệm “tái cân bằng” đứng vững và cho nó một sự kết nối hoạt động.

Lãnh đạo các nước mà ông Obama tới thăm lần này sẽ tìm kiếm bằng chứng về những cam kết an ninh và kỹ năng chiến thuật liên quan của ông, cũng như khả năng đánh giá và giải quyết các vấn đề theo cách tạo lập nên các mục tiêu có thể đạt được và một chiến lược tốt để đạt được chúng. Ngoài ra, theo hãng tin Reuters, một trong những thách thức lớn trong chuyến thăm này của ông Obama là phải trấn an các nhà lãnh đạo trong khu vực hiện đang nghi ngờ rằng Mỹ sẽ không hành động gì nhiều hơn một nhà quan sát cũng như Mỹ có thể vì những lợi ích kinh tế với Trung Quốc mà phản ứng chậm chạp đối với các nghĩa vụ hiệp ước giúp đỡ họ. Rõ ràng, chuyến công du lần này của ông Obama có thể “thành công” hay không phụ thuộc rất nhiều vào khả năng của nhà lãnh đạo này trong việc tái khẳng định cam kết của Mỹ nhằm duy trì trật tự an ninh, kinh tế và chính trị khu vực cũng như cách ông Obama truyền đạt thông điệp: “khu vực năng động nhưng phức tạp này vẫn là ưu tiên hàng đầu của Mỹ”.

Theo lịch trình, điểm dừng chân tiếp theo của ông chủ Nhà Trắng là Hàn Quốc, tiếp đó là Malaysia và sẽ kết thúc chuyến đi tại Philippines

Hà Khổng
.
.
.