Chương mới trong quan hệ Mỹ - Cuba
Phát biểu trước báo giới tại Vườn Hồng của Nhà Trắng, Tổng thống Obama nhấn mạnh: “Đó là một bước tiến lịch sử trong các nỗ lực của chúng tôi nhằm bình thường hóa quan hệ với chính phủ Cuba và bắt đầu một chương mới với người láng giềng của châu Mỹ”.
Cũng trong bài phát biểu, ông chủ Nhà Trắng nêu rõ, Mỹ đã mắc kẹt trong một chính sách phản tác dụng trong nhiều thập kỷ qua, và thay đổi chính là sự chọn lựa giữa hiện tại và quá khứ: “Chúng ta đã bám víu vào một chính sách không hiệu quả. Thay vì ủng hộ dân chủ và tạo cơ hội cho người dân Cuba, những nỗ lực cô lập Cuba của chúng ta đã gây ra tác động trái ngược, cô lập Mỹ với những người láng giềng tại bán cầu này. Những tiến bộ đạt được hôm nay một lần nữa cho thấy chúng ta không nên để quá khứ giam hãm mình. Nếu thấy việc nào đó không hiệu quả, chúng ta có thể và sẽ thay đổi nó”.
Tổng thống Obama khẳng định việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao sẽ mở đường cho các hoạt động đầu tư, du lịch, giáo dục, văn hóa và đoàn tụ gia đình giữa Mỹ và Cuba cũng như cho quá trình hợp tác song phương trong các vấn đề như phát triển, chống khủng bố và dịch bệnh.
Nhấn mạnh chính sách cấm vận chỉ ngăn chặn Washington tiếp cận với tương lai của La Habana và khiến cuộc sống của người dân Cuba khó khăn hơn, Tổng thống Obama cũng hối thúc Quốc hội Mỹ dỡ bỏ chính sách này.
Cờ Mỹ tung bay tại thủ đô La Habana. Ảnh: elnuevoherald. |
Tuyên bố của ông Obama đã nhận được sự ủng hộ từ phe Dân chủ. Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện, bà Nancy Pelosi cho rằng sự gián đoạn trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước suốt nửa thế kỷ qua không đóng góp gì cho các lợi ích chiến lược của Mỹ cũng như tiến trình dân chủ tại Cuba.
Theo bà Pelosi, việc hai nước mở cửa lại đại sứ quán sẽ tạo nền tảng cho một mối quan hệ song phương hiệu quả hơn, qua đó có thể hỗ trợ và thúc đẩy những ưu tiên của Mỹ như quyền con người, hợp tác phòng chống ma túy và cơ hội kinh doanh của các công ty Mỹ.
Thượng nghị sỹ Dân chủ Bill Nelson cũng nhấn mạnh việc bình thường hóa quan hệ là bước đi cần thiết để thực hiện các mục tiêu dân chủ và nâng cao điều kiện sống của người dân Cuba. Bên cạnh sự ủng hộ của phe Dân chủ, như thường lệ, phe Cộng hòa lại lên tiếng phản đối.
Theo giới chuyên gia, quyết định này của Washington sẽ là một tiền lệ đối ngoại quan trọng, tạo ra một hình ảnh “mềm mỏng” và biết chấp nhận sự khác biệt hơn của quốc gia siêu cường này đối với thế giới, đặc biệt là tại Mỹ Latinh và Caribe - khu vực mà ảnh hưởng của Mỹ có phần sụt giảm trong thời gian qua, và cũng là nơi mà cuộc đấu tranh kiên cường để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, cũng như tinh thần quốc tế vô tư trong sáng của Cuba nhận được cảm tình của rất nhiều tầng lớp nhân dân.
Thêm vào đó, động thái này của Mỹ chính là một bước đi không thể đảo ngược trong quan hệ song phương, bất chấp kết quả của cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 tại Mỹ.
Thực tế cho thấy một số ứng cử viên tổng thống tiềm năng của đảng Cộng hòa từng tuyên bố sẽ đảo ngược chính sách hiện tại của Washington đối với La Habana, nhưng điều này trên thực tế là khó xảy ra một khi quan hệ hai nước đã đi vào chính thức. Bất cứ sự thay đổi nào sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới giới doanh nghiệp và cộng đồng người Mỹ gốc Cuba, đi ngược lại ý kiến của đa số cử tri Mỹ và phá hoại nghiêm trọng uy tín ngoại giao của Washington trên trường quốc tế.
Về phía Cuba, thỏa thuận tái thiết lập quan hệ ngoại giao đồng nghĩa với sự công nhận chính thức của Mỹ đối với Chính phủ Cách mạng và điều này sẽ có tác động quan trọng tới tiến trình đàm phán tương lai. Quan trọng hơn, bước đi này sẽ tạo thuận lợi cho sự hội nhập của Cuba vào nền kinh tế thế giới, cho dù vẫn tiếp tục bị cản trở bởi chính sách cấm vận.
Trên thực tế, ngay sau tuyên bố ngày 17/12 và khi hai nước bắt đầu tiến hành đàm phán chính thức nhưng chưa có kết quả, đã có nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế thực hiện các bước đi cải thiện quan hệ với Cuba. Xu hướng này hẳn sẽ còn rõ nét hơn sau ngày 20/7 và là yếu tố rất tích cực đối với công cuộc cập nhật mô hình kinh tế - xã hội tại “hòn đảo tự do”.
Quyết định tái thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ - Cuba được Liên minh châu Âu (EU) miêu tả là một cột mốc lịch sử, đồng thời hối thúc Mỹ cần phải có thêm bước tiến, mà quan trọng nhất là bãi bỏ lệnh cấm vận áp đặt từ năm 1962 vốn được EU cho là đã lỗi thời. Ngoài EU, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) đã hoan nghênh tuyên bố về việc Mỹ và Cuba sẽ mở lại đại sứ quán tại thủ đô của mỗi nước vào ngày 20/7 tới.
Người phát ngôn của ông Ban Ki-moon nêu rõ: “Việc khôi phục mối quan hệ ngoại giao (giữa Mỹ và Cuba) là bước đi quan trọng trong lộ trình hướng tới bình thường hóa quan hệ… LHQ ủng hộ nỗ lực thúc đẩy các mối quan hệ láng giềng hòa thuận và hữu hảo giữa các nước”.
Bộ Ngoại giao Mexico cũng đã gửi điện chúc mừng sự kiện được chờ đợi bấy lâu giữa Cuba và Mỹ, cho rằng tin vui này sẽ đóng góp đáng kể vào quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai đất nước đều là bạn bè và láng giềng thân thiện của Mexico. Trong khi đó, từ châu Á, ngày 2/7, Hàn Quốc cũng đã hoan nghênh thỏa thuận giữa Mỹ và Cuba, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng thỏa thuận này sẽ mang lại hòa bình và thịnh vượng cho người dân Cuba.