Vòng đàm phán hạt nhân mới giữa Iran và Nhóm P5+1:

Chưa có tín hiệu cho hồi kết

Thứ Ba, 24/02/2015, 12:53
Tối 22/2, các đại diện của Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng Đức) đã khởi động vòng đàm phán hạt nhân mới tại Geneva (Thụy Sĩ).

Đây được xem là một bước đi nối tiếp các nỗ lực ngoại giao hướng tới một thỏa thuận toàn diện và lâu dài nhằm chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài về chương trình hạt nhân của Tehran.

Theo nhận định của giới quan sát, việc lần đầu tiên Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Ernest Moniz và Giám đốc Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi tham gia đàm phán là dấu hiệu cho thấy mong muốn của các bên sớm đạt được một thỏa thuận toàn diện.

Phát biểu sau cuộc đàm phán, Trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc, ông Vương Quân cho biết, cuộc đàm phán đã diễn ra một cách thực tế và chuyên sâu trong bầu không khí tốt lành. Tất cả các bên đã tích cực thảo luận về các vấn đề chính mang nhiều nguy cơ.

Theo ông Vương Quân, các bên cũng đã nhất trí tổ chức vòng đàm phán tiếp theo vào cuối tháng 2 này. Thời gian và địa điểm sẽ được ấn định sau. Tuy nhiên, Mỹ lại tỏ ra không mấy lạc quan về vòng đàm phán này.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thừa nhận vẫn còn những cách biệt lớn trong lập trường của các nước tham gia đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran, đồng thời cảnh báo ông chủ Nhà Trắng Barak Obama không sẵn sàng kéo dài thời gian thương lượng quá thời gian đã định, hàm ý tới thời hạn chót ngày 31/3 tới phải đạt đồng thuận về khuôn khổ chính trị cho thỏa thuận hạt nhân cuối cùng với Iran. Ông Kerry cho biết thêm rằng, Tổng thống Obama sẵn sàng chấm dứt các cuộc đàm phán nếu cần thiết.

Các đại diện của Iran và Nhóm P5+1 tại vòng đàm phán hạt nhân mới ở Geneva. Ảnh: SYNE.

Trước đó, Ngoại trưởng Kerry khẳng định Nhóm P5+1 hoàn toàn nhất trí với cách thức họ cho là cần thiết để Iran chứng minh chương trình hạt nhân của nước này hoàn toàn vì mục đích hòa bình. Ông Kerry nói: “Hoàn toàn không có bất kỳ sự chia rẽ nào trong điều mà chúng tôi tin là cần thiết để Iran phải chứng minh là chương trình hạt nhân của họ chỉ phục vụ mục tiêu hòa bình trong tương lai”.

Tuy nhiên, hãng tin PressTV dẫn lời cựu chuyên viên phân tích chính sách đối ngoại James Jatras cho biết, rất khó có khả năng Mỹ từ bỏ đàm phán hạt nhân với Iran vì đây là ưu tiên mạnh mẽ với Tổng thống Obama dù rằng ông ít thể hiện nó trong chính sách ngoại giao của mình.

Về phía Iran, phát biểu trên Đài truyền hình quốc gia IRIB trước khi diễn ra đàm phán, Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif nêu rõ Tehran sẽ không đặt bút ký vào các thỏa thuận “mơ hồ và còn dang dở trước khi đạt được một thỏa thuận toàn diện”. Ông Zarif cũng nhấn mạnh chương trình hạt nhân của Tehran là hoàn toàn minh bạch và chỉ mang tính hòa bình.

Sau khi để lỡ hai thời hạn chót để đạt thỏa thuận hạt nhân toàn diện, Iran và Nhóm P5+1 đã nhất trí kéo dài thời gian đàm phán thêm 7 tháng đến hết ngày 30/6. Theo kế hoạch, Iran và Nhóm P5+1 sẽ nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận khung trước tháng 3/2015 và sau đó tiến hành thương thảo các điều khoản chi tiết của thỏa thuận trong vòng ba tháng còn lại trước hạn chót nói trên.

Từ đầu năm mới 2015, Iran và P5+1 đã xúc tiến hàng loạt vòng thảo luận song phương và đa phương trong nỗ lực nước rút để đạt được thỏa thuận hạt nhân. Tiến triển trong các vòng đàm phán cho thấy, quyết tâm đạt được thỏa thuận của các bên tham gia là có thừa nhưng thế bế tắc vẫn chưa được khai thông do khác biệt về quan điểm giữa các bên vẫn chưa được thu hẹp.

Trong khi Washington muốn tìm kiếm một thỏa thuận khung nhằm đảm bảo Tehran không theo đuổi tham vọng chế tạo bom hạt nhân với điều kiện trao đổi là nới lỏng lệnh cấm vận quốc tế với nước này thì giới chức Iran vẫn không hài lòng về khối lượng uranium được phép làm giàu và số lượng máy ly tâm có thể duy trì.

Phía Iran đã đưa ra cam kết sẽ ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và là một thành viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Iran cho rằng họ có quyền phát triển hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Trong một diễn biến khác, theo hãng tin Reuters, Ngoại trưởng Kerry và người đồng cấp Iran Javad Zarif ngày 22/2 đã gặp nhau 2 giờ đồng hồ ở Geneva (Thụy Sĩ) trong một vòng đàm phán hạt nhân khác để cố gắng thu hẹp khoảng cách trong bối cảnh thời hạn chót để đạt được một thỏa thuận chính trị là ngày 31/3 đang tới gần.

Cuộc gặp trên còn có sự tham dự của Bộ trưởng Ernest Moniz và Giám đốc Ali Akbar Salehi, người dành hầu hết thời gian trong ngày để thảo luận riêng về các chi tiết kỹ thuật liên quan tới việc kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran.

Truyền thông Iran dẫn lời Ngoại trưởng Zarif cho biết, các cuộc đàm phán song phương cấp trung đã có những tín hiệu tích cực, song “không có thỏa thuận nào” và vẫn còn tồn tại một số bất đồng: “Khoảng cách căn bản nhất, theo tôi, đó là tâm lý. Một số quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ, coi các lệnh trừng phạt như một tài sản, một “đòn bẩy” để tạo áp lực cho Iran. Khi quan niệm này còn tồn tại thì sẽ rất khó để đạt được một thỏa thuận”.

Hà Khổng (tổng hợp)
.
.
.