Chưa có lời giải cho bài toán "Đóng cửa Bangkok"

Thứ Năm, 16/01/2014, 09:40
Bất chấp những lời đe dọa và kế hoạch bao vây tư dinh Thủ tướng của người biểu tình, Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Yingluck Shinawatra ngày 15/1 tái khẳng định sẽ tiếp tục nắm quyền để có thể bảo vệ nền dân chủ Thái Lan. Cùng ngày, tại diễn đàn bàn về bầu cử tổ chức tại trụ sở Không quân Hoàng gia Thái Lan, hầu hết các đại diện tham gia đều nhất trí ủng hộ việc tổ chức tổng tuyển cử đúng thời hạn vào ngày 2/2, thay vì hoãn lại tới ngày 4/5 như đề xuất của Ủy ban Bầu cử quốc gia Thái Lan (EC).
>> Thủ tướng Thái Lan làm việc tại trụ sở Bộ Quốc phòng

70 đại biểu của tất cả các ngành nghề đã tham gia diễn đàn lần này, nhưng không xuất hiện bất cứ đại diện nào của Đảng Dân chủ đối lập và Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC). Trước đó, hôm 14/1, Thủ lĩnh biểu tình, Tổng thư ký PDRC Suthep Thaugsuban tuyên bố không tham gia diễn đàn này. Ông Suthep nhấn mạnh không quan tâm đến diễn đàn này cũng như cuộc bầu cử và mục đích cuối cùng của chiến dịch lần này là thay thế chính phủ lâm thời bằng một hội đồng nhân dân với mục đích thay đổi toàn bộ cơ cấu bầu cử.

Cùng ngày, người phát ngôn của PDRC Akanut Prompan cũng khẳng định không quan tâm tới việc trì hoãn bầu cử của Chính phủ. Tại diễn đàn, trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra bày tỏ, Chính phủ cần thu thập ý kiến của tất cả các bên, lấy đó làm cơ sở để có thể đưa ra những quyết định tiếp theo. Các bên cũng công khai bày tỏ quan điểm của mình và phần lớn đều ủng hộ tổ chức bầu cử đúng hạn.

Người biểu tình trong chiến dịch "Đóng cửa Bangkok".

Trong khi đó, đại diện duy nhất của EC là Tổng thư ký Puchong Nutrawong vẫn tiếp tục với quan điểm dời ngày bầu cử tới ngày 4/5 và đề xuất với Tổng thư ký của Thủ tướng tạm quyền Yingluck Suranand Vejjajiva tổ chức một cuộc họp riêng với bà Yingluck vào ngày 16/1 và khi đó tất cả các thành viên của EC sẽ tham dự với mục tiêu đạt được nhiều quyết định liên quan đến việc hoãn ngày tổ chức bầu cử.

Trước đó, EC cho biết, không ai trong số 5 thành viên của họ sẽ tham gia diễn đàn vì tin rằng, diễn đàn này không tạo ra được bất cứ bước đột phá nào và căng thẳng trong nước vẫn sẽ tiếp tục leo thang. Động thái liên tục hối thúc Thủ tướng tạm quyền xin một sắc lệnh Hoàng gia để hoãn bầu cử của EC đã làm dấy lên nghi ngờ về mục tiêu của ủy ban này. Thêm vào đó, nhiều đại biểu đã nhấn mạnh, Thủ tướng tạm quyền không có quyền hoãn hoặc thay đổi thời điểm tổ chức bầu cử đã được ấn định vì Hiến pháp không cho phép làm điều này.

Trong khi đó, chiến dịch "Đóng cửa Bangkok" đã bước sang ngày thứ ba. Người biểu tình tiếp tục phong tỏa các đường phố ở thủ đô Bangkok trong ngày 15/1. Ngoài ra, họ còn tổ chức bao vây nhiều cơ quan nhà nước khác như Bộ An ninh nhân lực và Phát triển xã hội, trụ sở cơ quan Cảnh sát quốc gia và tuần hành qua trụ sở hãng Hàng không quốc gia. Trước đó, ngày 14/1, người biểu tình đã làm việc tương tự đối với Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Công nghiệp, Bộ Lao động, Bộ Thương mại, Cục Hải quan... kèm theo lời đe dọa sẽ cắt nguồn cung cấp điện, nước cho các cơ quan này. Ngoài ra, nhiều ngã ba, ngã tư ở thủ đô Bangkok vẫn tiếp tục bị chặn, gây ra tình trạng gián đoạn tại những trung tâm bán lẻ và nhiều khách sạn ở khu vực trung tâm.

Cũng trong ngày 14/1, Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban nhấn mạnh, sẽ đẩy mạnh chiến dịch "Đóng cửa Bangkok" trong những ngày tới qua việc kêu gọi người biểu tình tiếp tục mở rộng phạm vi phong tỏa tới tất cả các văn phòng Chính phủ cho đến khi bà Yingluck từ chức, và tuyên bố sẽ bắt giữ cả Thủ tướng tạm quyền Yingluck cùng các vị Bộ trưởng. Vị thủ lĩnh biểu tình giải thích, người biểu tình không có ý định gây trở ngại cho cuộc sống của người dân thủ đô mà mục tiêu chính của họ là ngăn cản công nhân viên chức chính phủ làm việc để tiến tới đóng cửa các cơ quan nhà nước.

Ông Suthep cũng ra lời kêu gọi lực lượng cảnh sát và quân đội bảo vệ người tham gia biểu tình vì "sợ" các "phe cánh của chính phủ" sẽ sử dụng những hành động bạo lực. Tình hình trở nên căng thẳng hơn khi bên ngoài một trong những "trại biểu tình" chính đã xảy ra một vụ xả súng và ném lựu đạn tự chế làm 2 người bị thương nhẹ. Thêm vào đó, vào rạng sáng 15/1, một thiết bị nổ đã được ném vào tư dinh của cựu Thủ tướng Thái Lan - lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập Abhisit Vejjajiva làm hư hại mái nhà, tuy nhiên, không có ai bị thương

Hà Khổng
.
.
.