Chưa có bước đột phá trong giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu
Mặc dù lãnh đạo nhiều quốc gia cũng như giới doanh nhân trên thế giới đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế đang diễn ra ngày một trầm trọng trên thế giới, nhưng họ vẫn chưa tạo được bước đột phá nào trong vấn đề này. Dự kiến vấn đề này sẽ tiếp tục được giải quyết tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 chuẩn bị diễn ra tại Anh trong thời gian tới.
Những cam kết mới
Sau 5 ngày nhóm họp (từ 28/1 đến 1/2), Diễn đàn Kinh tế Davos 2009 đã kết thúc với nhiều kiến nghị, giải pháp được đưa ra. Các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế Davos 2009 đều tập trung thảo luận, tìm biện pháp khắc phục cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay. Phần lớn đại biểu (là các doanh nghiệp hàng đầu thế giới) đều lạc quan cho rằng, nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi vào năm 2010. Tuy nhiên, giới kinh tế vẫn cảnh báo về làn sóng sa thải nhân công rộng khắp và gây ra những tác động tiêu cực khôn lường đối với nền kinh tế thế giới trong năm 2009. Dư luận cũng chú ý tới cảnh báo của nhà sáng lập Diễn đàn Kinh tế Davos Klaus Schwab, theo đó cuộc khủng hoảng tài chính vẫn chưa đến hồi kết.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo và người đồng cấp Đức và Anh. |
Thủ tướng Anh Gordon Brown đã nhấn mạnh tới việc cải tổ các thể chế tài chính quốc tế để có thể theo kịp với những đổi thay của thế giới, cũng như tránh các ẩn hoạ có thể xảy ra trong thời gian tới. Ông Gordon Brown cho rằng, Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế đã lỗi thời, không xứng tầm để có thể giải quyết tốt những vấn đề toàn cầu đang diễn ra hiện nay, do đó cần cải tổ để tạo dựng một xã hội toàn cầu.
Ngoài ra, ông Gordon Brown cũng tin tưởng Anh sẽ giải quyết được cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay cho dù nước này đang ở "tâm bão tài chính" nhưng sẽ là quốc gia duy nhất có thể đưa nền kinh tế thế giới ra khỏi cơn suy thoái hiện nay. Đồng thời ông hy vọng, Hội nghị thượng đỉnh G-20 sẽ đẩy mạnh cải cách các định chế tài chính toàn cầu và cải thiện hợp tác quốc tế.
Dư luận cũng quan tâm tới kiến nghị của Thủ tướng Đức Angela Merkel về việc thành lập Hội đồng Kinh tế Liên hợp quốc theo mô hình của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso đã kêu gọi các quốc gia khác nhanh chóng thực thi các biện pháp kích cầu nội nhu giống như Nhật Bản (chi 75.000 tỷ yên). Đồng thời cam kết sẽ dành gói viện trợ phát triển trị giá 1.500 tỷ yên (17 tỷ USD) cho các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các quốc gia châu Á để giúp các nước khu vực thúc đẩy phát triển. Nhật Bản cũng đang xem xét một kế hoạch mới về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Được biết, Chính phủ Mỹ sẽ công bố kế hoạch mới về phục hồi kinh tế vào trung tuần tháng 2. Theo thống kê mới nhất, GDP của Mỹ trong quý 4-2008 đã giảm với nhịp độ nhanh nhất trong vòng 27 năm qua - giảm 3,8%, mức giảm lớn nhất kể từ quý 1-1982. Có tin nói rằng, Chính phủ Mỹ đang thảo luận việc chi thêm khoảng 2.000 tỷ USD để các ngân hàng hoạt động trở lại bình thường và Tổng thống Barack Obama có thể thông báo kế hoạch này trong vòng một vài ngày tới.
Cảnh báo về sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ
Giới truyền thông cho biết, Bộ trưởng Thương mại của gần 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới đã cam kết đặt ưu tiên cao nhất cho các nỗ lực đạt được một thỏa thuận thương mại tự do toàn cầu trong năm nay. Đồng thời khẳng định quyết tâm giải quyết các bất đồng tại Vòng đàm phán
Với tư cách nước chủ nhà, Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sỹ Doris Leuthard nhấn mạnh tới khả năng nhóm họp để bàn việc nối lại Vòng đàm phán Doha trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra tại Anh trong tháng 4. Bộ trưởng Kinh tế Doris Leuthard cho rằng, một thỏa thuận thương mại tự do toàn cầu sẽ là biện pháp hữu hiệu giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay trở nên trầm trọng hơn do ảnh hưởng của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.
Về phần mình, sau khi rời Thụy Sỹ, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã có chuyến công du tới Anh và chủ đề tài chính, kinh tế tiếp tục được lãnh đạo 2 nước thương đàm. Cả Trung Quốc và Anh đều muốn tăng cường quan hệ thương mại, kinh tế trong thời gian tới. Phát biểu tại trường Đại học Cambridge, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã vận động các nhà đầu tư Anh tới Trung Quốc làm ăn, cũng như đưa ra một viễn cảnh lạc quan về nền kinh tế của quốc gia hơn 1,3 tỷ dân.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng đã tới Bỉ thăm chính thức Liên minh châu Âu (EU) và ký 9 hiệp định tăng cường hợp tác với khu vực sử dụng đồng Euro trong lĩnh vực giáo dục, y tế, thuế quan, hàng không, năng lượng tái sinh...
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Manuel Barroso đã đề nghị Bắc Kinh cùng EU tham gia giải quyết hai thách thức lớn mang tính toàn cầu trong năm 2009, đó là khắc phục các ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính và đạt được một thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu tại hội nghị quốc tế sẽ diễn ra vào cuối năm ở Copenhagen, Đan Mạch.
Cộng đồng quốc tế quan tâm nhiều tới Việt
Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi đối thoại trực tiếp với khoảng 30 chủ tịch và giám đốc điều hành doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tái khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh trong nước, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhanh chóng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, trong đó có thị trường vốn để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, thiết lập môi trường pháp lý công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh cho mọi thành phần kinh tế, cả trong nước và nước ngoài, duy trì đối thoại thường xuyên với cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời điều chỉnh chính sách phù hợp với lợi ích phát triển của đất nước và lợi ích chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp…
Lãnh đạo doanh nghiệp quốc tế hoan nghênh những thành tựu to lớn của Việt Nam và đánh giá cao thành công của Việt Nam trong việc kiềm chế lạm phát, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cũng như thành công trong nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài trong năm 2008. Các hoạt động của đoàn Việt