Chu Vĩnh Khang bị bắt giữ và khai trừ khỏi Đảng

Chủ Nhật, 07/12/2014, 10:54
Chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc đang đến cao trào bởi sau vụ truy tố nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Từ Tài Hậu, hôm 5/12, cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang cũng đã bị bắt và bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vụ án của ông Chu Vĩnh Khang được cho là động thái mở đường cho việc khởi tố các quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc kể từ sau vụ “bè lũ bốn tên” xét xử năm 1980.
Trc li bng quyn lc

Tin từ Tân Hoa Xã số ra ngày 6/12 cho biết, quyết định bắt giữ cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang được đưa ra sau cuộc họp của Bộ Chính trị và Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 5/12. Bài báo có đoạn viết: “Các cuộc điều tra cho thấy ông Chu vi phạm nghiêm trọng về chính trị, tổ chức kỷ luật và bí mật của đảng. Ông đã lợi dụng quyền hạn để trục lợi cho những người khác, nhận những khoản hối lộ lớn cho bản thân và gia đình”. Theo đó, lần này, ông Chu Vĩnh Khang bị bắt và bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc bởi 2 tội danh tham nhũng và tiết lộ bí mật quốc gia. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc là cơ quan phê chuẩn lệnh bắt và tiến hành lập án điều tra các hành vi phạm pháp của ông Chu Vĩnh Khang.

Năm nay 72 tuổi, ông Chu Vĩnh Khang là một trong những chính trị gia có thế lực ở Trung Quốc. Thời đương chức, thậm chí người ta còn gọi ông Chu Vĩnh Khanh bằng biệt danh “Vua an ninh”. Và đến năm 2012, ông này đã về hưu trên cương vị Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Từ hồi tháng 7, ông Chu Vĩnh Khang đã bị Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc điều tra với tội danh “Vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” – thuật ngữ thường dùng để chỉ tội tham nhũng ở Trung Quốc. Ngoài ra, ông này còn bị dính líu đến nhiều vụ việc có dấu hiệu lạm dụng quyền hành, bị nghi quan hệ tình cảm bất chính với  nhiều cấp dưới và một số bê bối khác.

Theo nguồn tin độc quyền của tờ South China Morning Post, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thống nhất mở một cuộc điều tra về ông Chu Vĩnh Khang với tội danh tham nhũng vào tháng 8/2013. Đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm để điều tra bê bối tham nhũng liên quan đến ông này, trong đó người đứng đầu đơn vị là Thứ trưởng Bộ Công an, kiêm Giám đốc Sở Công an Bắc Kinh Phó Chính Hoa.

Cũng trong tháng 7, con trai ông Chu Vĩnh Khang là Chu Bân đã bị bắt vì liên quan đến các hoạt động kinh doanh phi pháp ở thành phố Nghi Xương thuộc tỉnh Hồ Bắc. Hãng Telegraph của Anh đưa tin rằng, vụ bắt giữ Chu Bân có liên quan đến cuộc điều tra nhằm vào ông Chu Vĩnh Khang, đặc biệt là việc Chu Bân bị tình nghi lợi dụng ảnh hưởng của cha để kiếm lợi thông qua các hợp đồng làm ăn lớn, mua và bán lại đất công, can thiệp vào các dự án dầu khí, hối lộ quan chức, thu tiền bảo kê…

Lệnh bắt giữ cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang được đưa ra hôm 5/12. Ảnh: Reuters.

Hé l thêm nhiu bí mt

Giới phân tích nhận định rằng, với việc bắt giữ ông Chu Vĩnh Khang, chiến dịch chống tham nhũng đang ở cao trào và thực sự đã tạo thêm niềm tin đối với dân chúng. Tờ Le Figaro của Pháp cho rằng, chiến dịch “đả hổ” này cho thấy “một cách tiếp cận không khoan nhượng đối với tham nhũng” của Chính phủ Trung Quốc. Trong khi đó, nhiều tờ báo Trung Quốc tiếp tục cung cấp thêm nhiều thông tin về  Chu Vĩnh Khang, cũng như cái gọi là “hệ thống tham nhũng” mà ông này hình thành khi còn đương chức. Báo cáo điều tra được tờ WantChinaTimes đăng tải cho thấy, ông Chu Vĩnh Khang và thân nhân đã tận dụng quyền lực của mình để trục lợi ích trong 5 ngành, bao gồm dầu khí, bất động sản, tài chính, du lịch văn hóa và cơ sở hạ tầng.

Nhờ vào thanh thế của ông Chu Vĩnh Khang mà gia tộc ông này đang sở hữu hoặc có kết nối với ít nhất 37 công ty, ước tính tài sản trị giá hàng chục tỷ USD. Nguồn tin từ hãng Reuters còn tiết lộ rằng, trong quá trình điều tra, chính quyền Trung Quốc đã tịch thu nhiều căn hộ và biệt thự, đóng băng tài khoản ngân hàng, tịch thu tiền mặt và nhiều tài sản khác có tổng trị giá ít nhất 14,5 tỷ USD từ hơn 300 người thân, quan chức, thuộc cấp thân cận của ông Chu Vĩnh Khang.

Ông Chu Vĩnh Khang sinh năm 1942, là con cả trong một gia đình ở làng Tây Tiền Đầu, thành phố Vô Tích thuộc tỉnh Giang Tô. Sau khi tốt nghiệp Viện Dầu khí Bắc Kinh (nay là Đại học Dầu khí Trung Quốc) năm 1966, ông Chu Vĩnh Khang đã bắt đầu công việc làm kỹ sư hóa dầu tại mỏ dầu Đại Kháng ở Hắc Long Giang. Từ đây, do đạt thành tích cao trong công tác, ông nhanh chóng trở thành lãnh đạo trong chi nhánh dầu mỏ Liêu Hà và có mối quan hệ thân thiết với cựu Phó Chủ tịch Trung Quốc Tăng Khánh Hồng khi đó là thành viên trong Ủy ban Năng lượng quốc gia Trung Quốc.

Năm 1996, ông Chủ Vĩnh Khang trở thành lãnh đạo của Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) rồi 3 năm sau thì giữ chức Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tứ Xuyên. Năm 2002, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Công an và đến năm 2007 thì trở thành một trong 9 ủy viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc khóa 17. Ông nghỉ hưu năm 2012.

Gia Nam
.
.
.