Khai mạc Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Bali, Indonesia:

Chống chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy tự do mậu dịch

Thứ Ba, 08/10/2013, 09:02
Ngày 7/10, Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã khai mạc tại Bali, Indonesia với nghị trình hàng đầu là các thách thức để tăng trưởng. Mục tiêu chính của nguyên thủ đến từ 21 quốc gia thành viên APEC là chống chủ nghĩa bảo hộ và sớm hoàn thành việc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào cuối năm nay.
>> Xây dựng một cộng đồng APEC tự cường, đồng đều, gắn kết, công bằng và bền vững

Dỡ bỏ rào cản thương mại và đầu tư

Với chủ đề “Hướng tới trụ vững và tăng trưởng: Tái khẳng định các ưu tiên cho kinh tế toàn cầu”,  hội nghị là cầu nối giữa lãnh đạo doanh nghiệp và chính phủ các nước, là cơ hội để các doanh nghiệp bày tỏ những khó khăn của mình và đưa ra các sáng kiến nhằm tháo dỡ những rào cản thương mại và đầu tư, đẩy nhanh hơn nữa quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu cũng như giúp các nền kinh tế đang phát triển vượt qua không ít thách thức hiện nay.

Theo cảnh báo của Tổng thống nước chủ nhà Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, khuynh hướng bảo hộ đang gia tăng trong khu vực và trên thế giới, nhất là khi kinh tế thế giới vẫn trên đà suy thoái và chưa hồi phục. Vì thế, để giúp cộng đồng các doanh nghiệp, lãnh đạo 21 nước thành viên APEC cần phải hợp tác để ngăn chặn chủ nghĩa bảo hộ và cải thiện cơ sở hạ tầng để tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư.

Vì thế, dựa trên kết quả hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế lần thứ 25 hôm 5-9, hội nghị cấp cao APEC lần này sẽ chú trọng về việc tăng cường hợp tác giáo dục; tạo thuận lợi cho đi lại trong trường hợp khẩn cấp; thúc đẩy sử dụng bền vững năng lượng sạch, có thể tái tạo; tăng cường mạng lưới APEC về chống tham nhũng và bảo đảm minh bạch hóa; hệ thống y tế bền vững của châu Á – Thái Bình Dương. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo APEC cũng sẽ tiếp tục cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ và rút lại những chính sách như thế trong thời gian tới.

An ninh được thắt chặt tại Bali, Indonesia trong thời gian diễn ra Hội nghị cấp cao APEC.

Sự lên ngôi của Nga

Bên cạnh đó, việc đàm phán TPP cũng cần phải được thúc đẩy hơn nữa. Hiện 12 quốc gia đang tham gia đàm phán TPP gồm Mỹ, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Brunei, Việt Nam, Chile, Canada, Mexico và Peru. Trung Quốc hy vọng sẽ là thành viên của TPP trong vòng 3-4 năm tới. Một khi đi vào hoạt động, hiệp định này sẽ xóa bỏ đến 90% các hàng rào thuế quan giữa các thành viên.

Đây cũng sẽ trở thành một khu vực tự do mậu dịch chiếm 40% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, theo nhận định của Thủ tướng Canada Stephen Harper và Thủ tướng Malaysia Najib Razak, đàm phán về TPP có thể sẽ khó hoàn thành vào cuối năm nay như mong đợi. Sự vắng mặt của Tổng thống Barack Obama tại hội nghị APEC lần này cho thấy, Mỹ chưa thể hiện rõ sự gắn bó chặt chẽ với khu vực mà nước này luôn tuyên bố là “có vai trò cực kỳ quan trọng”.

Hãng tin CNN ngày 7/10 dẫn lời một số học giả nhận định rằng, việc Tổng thống Barack Obama không tham dự Hội nghị APEC là “một bước lùi” của Mỹ, tạo cơ hội cho Nga và Trung Quốc tiến bước hơn nữa trong việc hợp tác với các nước châu Á – Thái Bình Dương. Nhưng, do Trung Quốc đang có mâu thuẫn về tranh chấp lãnh hải với các nước trong khu vực nên vai trò của Nga ngày càng được củng cố.

Tin từ tờ Voice of Russian cho hay, ngày 7/10, đúng vào sinh nhật lần thứ 61 của mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có nhiều cuộc gặp gỡ song phương với nguyên thủ các nước và cũng có bài phát biểu khá ấn tượng tại hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp về cách thức phát triển kinh tế ổn định và bền vững...

Được biết, tại Hội nghị APEC, khi Tổng thống Nga bước vào hội trường của hội nghị, Tổng thống Putin đã được Tổng thống Indonesia Yudhoyono chào đón bằng bài hát “Happy Birthday To You” (Chúc mừng sinh nhật) với phần đệm đàn do chính ông thực hiện. Ngay sau đó, các nhà lãnh đạo khác cùng hát vang bài hát này.

Tổng thống Putin đã có vài giây phút bối rối vì không ngờ mình lại được chào đón theo cách bất ngờ như vậy. Theo thư ký báo chí của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov, đoàn đại biểu Nga không ngờ về hành động này - “Đây là một bất ngờ lớn”

Sông Thương
.
.
.