Chính phủ Ukraine phải tạo mối liên kết với phe đối lập

Chủ Nhật, 30/11/2014, 10:57
Đó là phát biểu của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc gặp Tổng thư ký Hội đồng của châu Âu (Council of Europe) Thorbjorn Jagland diễn ra hôm 28/11 ở Moskva. Ngoại trưởng Nga nêu rõ, chính quyền ở Kiev cần phải tạo ra mối liên hệ với lãnh đạo các nước cộng hòa tự xưng ở miền Đông Ukraine để thúc đẩy tiến trình hòa bình chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay, đồng thời nhấn mạnh Nga ủng hộ thỏa thuận ngừng bắn đạt được ở Minsk (Belarus) hôm 5/9.

Ngoại trưởng Lavrov cho rằng, cần phải triển khai một cuộc đối thoại tổng thể ở Ukraine để tìm cách đạt được sự hòa hợp dân tộc và để người dân đất nước này thảo luận về tương lai và trật tự hiến pháp của chính họ. Ông nói: “Chúng tôi muốn thấy sự gắn kết giữa Donetsk, Lugansk và Kiev sớm được khôi phục. Hơn nữa, sau cuộc bầu cử ở khu vực Đông Nam Ukraine, những nhà lãnh đạo mới của vùng đất này đã lên tiếng ủng hộ và tham gia vào những nỗ lực khôi phục kinh tế, văn hóa và chính trị chung”.

Tuyên bố này của Ngoại trưởng Nga được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, hôm 27/11, lên tiếng khẳng định 100% người dân nước này ủng hộ một nhà nước thống nhất, không áp dụng chế độ liên bang. Trong bài phát biểu quan trọng tại phiên họp đầu tiên của quốc hội mới, ông Poroshenko nhấn mạnh: “Đó là thông điệp mà chúng tôi muốn gửi tới những người chủ trương liên bang hóa ở miền Đông hay miền Tây”.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: RIA Novosti.

Trong khi đó, cũng trong ngày 27/11, Phó Chủ tịch Hội đồng tối cao Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DNR) tự xưng, ông Dennis Pushilin cho biết Donetsk không thể đối thoại trực tiếp với Chính phủ Ukraine vì đang ở trong “tình trạng chiến tranh”. Theo ông Pushilin, ban lãnh đạo DNR đã thành lập một nhóm công tác có nhiệm vụ thảo luận các vấn đề tranh cãi kỹ thuật với phía chính quyền Ukraine trong khuôn khổ chuẩn bị cho vòng tham vấn tiếp theo của nhóm liên lạc tại Minsk, Belarus.

Liên quan đến các biện pháp trừng phạt của phương Tây và Mỹ nhắm vào Nga, phát biểu tại cuộc họp Hội đồng những người đứng đầu các chủ thể (CHS) của Nga diễn ra ngày 28/11, Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố các biện pháp trừng phạt Nga sẽ phá vỡ sự ổn định của kinh tế thế giới và không liên quan đến việc giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine. Ông cho biết: “Thực tế cho thấy các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm vào chúng tôi là không chính đáng, phá vỡ sự ổn định của kinh tế toàn cầu và không liên quan đến mục tiêu xoa dịu cuộc khủng hoảng Ukraine”.

Theo ông Lavrov, những ý kiến phản đối trừng phạt đang xuất hiện ngày càng nhiều ở châu Âu giữa lúc “những biện pháp hạn chế này đang tác động tiêu cực đến các nền kinh tế quốc dân và những lợi ích của giới kinh doanh có quan hệ với thị trường Nga”. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Nga ngày 27/11 khẳng định, mọi nỗ lực cô lập Nga của Mỹ sẽ thất bại, tuy nhiên Moskva vẫn muốn tiếp tục hợp tác với Washington. Trong một tuyên bố, Vụ phó phụ trách thông tin và báo chí Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh: “Rõ ràng là có những nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập Nga và những nỗ lực này sẽ thất bại. Bất chấp những áp lực ghê gớm mà Mỹ đang gây ra đối với Nga, việc hợp tác Nga - Mỹ vẫn sẽ tiếp diễn”. Theo bà Maria Zakharova, những tuyên bố của Mỹ về việc cô lập Nga chỉ là “trên lý thuyết” bởi hai nước vẫn phải tiếp tục hợp tác với nhau trong các vấn đề quan trọng như chương trình hạt nhân của Iran hay việc tiêu hủy vũ khí hóa học tại Syria.

Cũng trong ngày 27/11, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexei Meshkov  tuyên bố Moskva coi khả năng Ukraine trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là mối đe dọa đối với ổn định toàn cầu. Thứ trưởng Meshkov nhấn mạnh các đối tác của Nga đều nhận thức rõ về lập trường của Moskva rằng việc Kiev gia nhập NATO sẽ hủy hoại an ninh châu Âu. Ông cho rằng những ai hiện nay cố gắng lôi kéo Ukraine gia nhập NATO sẽ phải chịu trách nhiệm to lớn về địa chính trị. Ông Meshkov khẳng định bất kỳ quốc gia nào cũng có quyền lựa chọn của mình, nhưng Nga coi lợi ích của châu Âu và an ninh toàn cầu là ưu tiên hàng đầu.

Trước đó, Tổng thống Poroshenko hôm 24/11 tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về việc Kiev có nên gia nhập NATO hay không. Tuy nhiên, ông Poroshenko cũng cho rằng gia nhập NATO vào thời điểm này sẽ đem lại nhiều thiệt hại hơn là có lợi cho quốc gia Đông Âu này. Về phần mình, trả lời phỏng vấn Đài phát thanh Echo Moscow (Tiếng vọng Moscow) hôm 28/11, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết tổ chức này có thể đồng ý kết nạp Ukraine vào liên minh nếu kết quả trưng cầu dân ý tại quốc gia này cho thấy đa số người dân muốn như vậy.

Theo ông Stoltenberg, nếu đa số người dân (Ukraine) quyết định không thay đổi chính sách và không kết nạp thành viên mới vào NATO thì đó chính là câu trả lời. Nhưng nếu đa số người dân tham gia cuộc trưng cầu do chính phủ tổ chức bỏ phiếu ủng hộ, liên minh sau đó sẽ xem xét vấn đề này. Quyết định cuối cùng phụ thuộc vào Ukraine. Ông Stoltenberg nêu rõ ông tôn trọng quyết định duy trì tình trạng không liên minh của Ukraine dưới thời Tổng thống Viktor Yanukovich. Nhưng nếu quyết định đó được thay đổi, ông cũng sẽ tôn trọng nó.

Trong một diễn biến khác ngày 28/11, Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí áp dụng các biện pháp trừng phạt về kinh tế và đi lại đối với thêm 13 cá nhân và thực thể nữa bị cáo buộc dính líu tới phe li khai ở miền Đông Ukraine. Theo các nhà ngoại giao, những cá nhân và thực thể này sẽ bị áp đặt các lệnh phong tỏa tài sản, cấm đi lại vì vai trò của họ trong các cuộc bầu cử ở khu vực miền Đông Ukraine do lực lượng phiến quân chiếm đóng. Quyết định này đã nâng tổng số người bị cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản ở EU vì tình nghi phá hoại sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine lên 132, trong khi số thực thể bị đóng băng tài sản lên 28.

Trước đó, EU và Ukraine ngày 27/11 đã ký thỏa thuận hỗ trợ cho Kiev 55 triệu euro (68,66 triệu USD) nhằm cải cách chính sách khu vực. Số tiền trên được giải ngân trong 4 năm kể từ năm 2015. Theo thỏa thuận trên, 50 triệu euro sẽ được dành ủng hộ ngân sách các ngành, 5 triệu còn lại chi cho hỗ trợ kỹ thuật.

Thủ tướng Ukraine tiếp tục tại vị
Quốc hội mới của Ukraine ngày 27/11 đã chấp thuận Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk tiếp tục nắm giữ vị trí đứng đầu liên minh mới trong Chính phủ Ukraine. Trong tuyên bố của mình, ông Yatsenyuk, người đã nắm quyền Thủ tướng kể từ khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị phế truất vào tháng 2-2014, đã thừa nhận Chính phủ mới sẽ gặp rất nhiều khó khăn để có thể đưa Ukraine thoát khỏi nguy cơ sụp đổ về kinh tế. Phát biểu trước các nhà lập pháp Ukraine ngay trước khi họ bỏ phiếu bầu, ông Yatsenyuk cho biết: “Trách nhiệm lịch sử đang đè nặng lên vai của chúng ta. Chúng ta cần phải khôi phục đất nước và giành lấy quyền độc lập cho mình”.

Hà Khổng (tổng hợp)
.
.
.