Chính phủ Mỹ tạm ngừng hoạt động: Nguy cơ sụp đổ chính phủ

Thứ Năm, 03/10/2013, 09:00
Ngày 2/10, tức 24 tiếng đồng hồ sau khi chính phủ Mỹ tạm ngừng hoạt động, những tranh cãi ở đồi Capitol vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Điều này khiến các cơ quan chính phủ, công viên quốc gia, các trang web thông tin và các hoạt động xã hội do nhà nước chi trả bị đóng cửa hoặc hủy bỏ Theo các nhà phân tích, tình trạng chính phủ Mỹ ngừng hoạt động có thể kéo dài vài tuần.
>> Không còn ngân sách, chính phủ ngừng hoạt động

Thiệt hại 300 triệu USD/ngày

Tin từ hãng AFP cho hay, thủ đô Washington D.C đang chứng kiến một sự hỗn loạn mới gây ra từ việc chính phủ ngừng hoạt động. Nguyên do là vì các đoàn du khách nước ngoài đã có phản ứng khá mạnh khi các địa điểm thăm quan mà họ tới trong hành trình du lịch nước Mỹ như công viên, bảo tàng, sở thú… đã bị đóng cửa theo lệnh của Nhà Trắng.

Tổng cộng có 401 công viên quốc gia nổi tiếng như công viên Yellowstone, Alcatraz Island và 19 bảo tàng nghệ thuật bị đóng cửa. Website chính phủ và trang web các bộ, ngành của Mỹ cũng trong tình trạng không hoạt động. Hàng trăm công nhân được lệnh làm việc nửa ngày và nửa ngày nghỉ ngồi chơi chả biết làm gì ngoài việc cầm điện thoại nhắn tin, gọi điện hoặc chơi điện tử…

Hình ảnh hàng ngày về một nước Mỹ năng động, hối hả với công việc đang dần mất đi và thay vào đó là cảnh hàng đoàn người ngồi thất thểu trên vỉa hè, những khuôn mặt lo âu, cau có hoặc từng hàng người đứng xếp hàng trước cổng một cơ quan chính phủ đang đóng im ỉm… Theo các nhà phân tích kinh tế, những thiệt hại về dịch vụ du lịch mà nước Mỹ phải hứng chịu trong thời gian chờ đợi chính phủ hoạt động trở lại ước tính vào khoảng 30 triệu USD/ngày.

Dù các nghị sĩ Mỹ có biện minh thế nào thì cũng không thể khiến người dân thông cảm cho họ vì quyết định dẫn đến sự ngừng hoạt động của chính phủ.

Đó là chưa kể khoản tiền 270 triệu USD mà nước Mỹ không nhận được mỗi ngày do hiệu suất kinh tế bị giảm vì chính phủ liên bang đóng cửa. Nhưng điều mà chính giới Mỹ nói riêng và cả nước Mỹ nói chung lo ngại chính là những hệ lụy sau đó. Hiện tại, các cơ quan thiết yếu của Mỹ như an ninh, cảnh sát, tòa án, y tế, vệ sinh thực phẩm… vẫn đang làm việc cầm chừng và có thể đóng cửa bất cứ lúc nào mà khoản ngân sách họ đang giữ và dành dụm bị hết.

Trong trường hợp đó, xã hội Mỹ sẽ nhốn nháo bởi tất cả dịch vụ cần thiết của người dân đã bị ngưng trệ. Đó là chưa kể đến hệ thống pháp luật cũng tạm dừng tạo nên những mối nguy hiểm hiện hữu cho an ninh của nước Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel hôm 1/10 đã phải cảnh báo rằng, mặc dù các binh sĩ trong quân đội không nằm trong phạm vi ngừng hoạt động và sẽ tiếp tục được trả lương, nhưng việc chính phủ liên bang đóng cửa cũng sẽ tạo ra sự "bất ổn" đối với các nhiệm vụ quân sự ở nước ngoài và làm dấy lên sự lo ngại cho các đồng minh của Mỹ.

Một nhóm nhà hoạt động xã hội kêu gọi Thượng viện và Hạ viện nhanh chóng giải quyết bất đồng bởi theo họ “thủ đô Washington D.C cũng cần có người dọn rác nếu không, trái tim của quốc gia vẫn tự coi là hùng mạnh nhất thế giới này sẽ bị ô nhiễm và rỉ máu”.

Tranh cãi vẫn chỉ là tranh cãi

Nhưng bất chấp những cảnh báo từ trong và ngoài nước, các nghị sĩ Mỹ thuộc hai đảng Cộng hòa và Dân chủ vẫn cương quyết giữ nguyên quan điểm của mình và không bên nào chịu nhường bên nào. Tính đến chiều 2/10 (theo giờ Việt Nam), các Thượng nghị sĩ Mỹ đã lần thứ 4 bác bỏ khả năng “gặp” các nghị sĩ Hạ viện nhằm giải quyết vấn đề liên quan đến cấp ngân sách cho hoạt động của chính phủ Mỹ.

Thủ lĩnh phe đa số Dân chủ tại Thượng viện Harry Reid tuyên bố: “Sẽ không đàm phán với đảng Cộng hòa trừ phi đảng này đưa ra cái mà ông gọi là một dự luật chi tiêu ngân sách, bỏ đi những điều khoản trì hoãn cho chương trình chăm sóc sức khỏe, còn gọi là “Obamacare”. Trong khi đó, đảng Cộng hòa chiếm ưu thế tại Hạ viện khẳng định, sẽ tiếp tục cản trở việc thông qua đạo luật “Obamacare”.

Theo tiết lộ của một nghị sĩ cấp cao trong đảng Cộng hòa, căng thẳng giữa 2 đảng trong Quốc hội Mỹ có thể kéo dài vài tuần. Điều này cũng có nghĩa là lời kêu gọi và sự hối thúc của Tổng thống Mỹ Barack Obama về việc mở cửa lại chính phủ cũng không hiệu quả. Tờ USA Today số ra ngày 2/10 cho hay, ông Barack Obama đã chỉ trích các nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa về cái gọi là "sự đóng cửa của người Cộng hòa", và cho rằng một số thành viên đảng này đang thực hiện "cuộc thập tự chinh ý thức hệ" chống lại bộ luật “Obamacare” của ông.

Đồng thời, ông cũng cảnh báo nguy cơ “sụp đổ chính phủ” nếu các nghị sĩ Cộng hòa vẫn quyết định nâng trần nợ công  lên mức 16,7 nghìn tỷ USD. Nhiều nhà phân tích nhận định, vào thời điểm hiện nay, việc đưa ra những chỉ trích cáo buộc lẫn nhau giữa chính phủ và Quốc hội, giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa là không cần thiết.

Sự lựa chọn khôn ngoan nhất là ngồi lại cùng nhau để đưa ra một thống nhất chung nhằm cứu nền kinh tế và mở lại hoạt động của chính phủ. Một số người thì suy nghĩ cực đoan rằng, sở dĩ các nghị sĩ Mỹ vẫn không quá lo lắng về các quyết định của mình dẫn đến việc tạm ngừng hoạt động của chính phủ là bởi thu nhập của chính họ và Tổng thống không hề bị cắt hay bị giảm cho dù các công viên chức khác phải nghỉ làm vì không có ngân sách.

Tờ Washingtonpost cho biết, việc tiếp tục trả lương cho các chính trị gia là bắt buộc theo luật bởi vị trí của họ được quy định theo Hiến pháp. Lương của họ được chi trả bằng nguồn quỹ bắt buộc của chính phủ chứ không phụ thuộc vào biểu quyết ngân sách hàng năm. Và vì thế, họ không phải là nạn nhân của việc tạm dừng hoạt động chính phủ nên cũng không phải trải qua thời kỳ khó khăn mà có thể cảm thông cho nỗi thống khổ của những con người làm công ăn lương khác trên đất Mỹ

Huyền Chi
.
.
.