Chính phủ Anh ép tờ Guardian tiêu hủy tài liệu về vụ Snowden

Thứ Tư, 21/08/2013, 09:38
Một tuần sau khi cựu nhân viên CIA Edward Snowden tuyên bố trao tất cả tài liệu mật về chương trình do thám PRISM cho “các nhà báo dũng cảm, không sợ Washington” đang làm việc cho tờ Guardian, Chính phủ Anh đã gây sức ép buộc biên tập viên tờ The Guardian Alan Rusbridger giao nộp hoặc tiêu hủy những tài liệu này nhằm ngăn chặn việc chúng bị thông tin cho đông đảo bạn đọc trên thế giới.
>>Cựu nhân viên CIA Edward Snowden sẽ trở về Mỹ, nếu…

Trong một bài báo được đăng tải trên website của tờ The Guardian hôm 19/8, biên tập viên Alan Rusbridger cho biết, từ đầu tháng đến nay, anh liên tục bị giới chức Anh ép phải trao tài liệu mật về vụ việc liên quan đến Edward Snowden.

Thậm chí, một quan chức cấp cao trong Chính phủ Anh, tự nhận là đại diện cho Thủ tướng Anh David Cameron còn yêu cầu Alan Rusbridger tới hai cuộc họp kín và yêu cầu anh trao trả hoặc tiêu hủy toàn bộ các tài liệu về chương trình do thám quy mô lớn PRISM của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) cũng như các tài liệu về chương trình Tempora của Cơ quan thông tin chính phủ Anh (GCHQ) và sự hợp tác giữa NSA với các cơ quan tình báo Anh.

Tại những cuộc họp kín này, Alan Rusbridger đã chạm trán với nhiều quan chức cao cấp của Bộ Quốc phòng và GCHQ. Bất chấp sự tranh cãi của anh, những người này vẫn yêu cầu biên tập viên tờ Guardian không được đăng thêm bất kỳ thông tin nào liên quan đến các tài liệu của Edward Snowden. Chưa hết, nhận thấy sự phản kháng của Alan Rusbridger, họ đã đe dọa sẽ sử dụng tòa án để tìm cách có được những tài liệu bị rò rỉ này.

Alan Rusbridger viết: “Sau nhiều ngày gây sức ép không được, một lần GCHQ đã cho một đội chuyên gia an ninh mạng đến tòa soạn báo và tiến hành tiêu hủy các tài liệu trong ổ cứng tại tầng hầm của trụ sở báo chúng tôi”. Song Alan Rusbridger khẳng định, việc này không ngăn cản được việc xuất hiện thêm những thông tin do Edward Snowden cung cấp bởi vì rất nhiều tổ chức truyền thông bên ngoài lãnh thổ nước Anh cũng sở hữu những thông tin này và tiếp tục cho đăng tải.

Hình ảnh một văn phòng làm việc của tờ The Guardian.

Nhiều tờ báo trên thế giới đã đăng nguyên văn hoặc trích dẫn cùng với những bình luận về việc chính quyền London vi phạm nghiêm trọng quyền tự do báo chí. Và những gì mà Alan Rusbridger viết về việc Anh muốn bưng bít thông tin xung quanh vụ Edward Snowden càng được khẳng định khi báo chí thông tin về việc bạn trai đồng tính của phóng viên Glenn Greenwald bị bắt một cách vô cớ trong vòng 9 tiếng đồng hồ.

Rõ ràng, như các nhà phân tích nhận định, đây là một động thái gây sức ép nhằm buộc Glenn Greenwald phải “ngoan ngoãn” nghe lời theo sự chỉ huy của chính phủ và tình báo Anh. Tin từ hãng Reuters cho hay, David Miranda, cộng tác viên đồng thời là bạn trai đồng tính của phóng viên Glenn Greenwald đã bị bắt giữ tại sân bay Heathrow hôm 18/8 với lý do nghi ngờ khủng bố.

Khi đó, David Miranda đang trên đường từ Đức quay trở lại thành phố Rio de Janeiro của Brazil sau khi có cuộc gặp với nhà làm phim người Mỹ Laura Poitras, người từng cùng với Glenn Greenwald lần đầu tiên ghi hình Edward Snowden thời điểm anh này ở Hong Kong.

Phóng viên Glenn Greenwald khẳng định, mặc dù lấy lý do là nghi ngờ khủng bố nhưng trong quá trình bắt giữ David Miranda, cảnh sát Anh không hỏi anh này bất cứ câu hỏi nào về các vấn đề khủng bố hay tổ chức khủng bố mà chỉ tập trung hỏi về hoạt động tác nghiệp và cách thức các nhà báo The Guardian thực hiện, liên quan đến chương trình do thám của NSA. Điện thoại di động, laptop, thẻ nhớ, tất cả các vật dụng cá nhân mà David Miranda mang theo đều bị tịch thu và kiểm tra.

Trả lời phỏng vấn báo giới ngày 20/8, phóng viên Glenn Greenwald nhấn mạnh, anh sẽ không chùn bước trước những hành động nói trên của Chính phủ Anh. Nhắc lại việc nhà riêng của mình tại Rio de Janeiro bị đột nhập cách đây hơn một tháng, Glenn Greenwald nói: “Tôi không sợ bất kỳ một sức ép nào. Tôi sẽ công bố nhiều tài liệu tình báo hơn nữa. Tôi có rất nhiều tài liệu về hệ thống gián điệp của nước Anh. Tôi nghĩ rằng họ sẽ phải hối tiếc vì những gì họ đã làm”. Được biết, Glenn Greenwald là nhà báo được độc quyền đưa những thông tin về Edward Snowden cũng như những gì anh cung cấp trong thời gian ẩn náu ở Hong Kong và khu vực quá cảnh tại sân bay ở Moskva (Nga).

Hồi tuần trước, cựu nhân viên CIA xác nhận đã cung cấp cho “những nhà báo can đảm và không sợ Washington” gồm Glenn Greenwald và Laura Poitras gần 20.000 tài liệu “đầy đủ và rất dài” về hoạt động tình báo của Mỹ, trong đó có thông tin về tình báo Anh. Còn Glenn Greenwald, kể từ khi gắn bó với vụ Edward Snowden, nam phóng viên này thường xuyên vấp phải sự theo dõi của CIA, MI-6 và các cơ quan tình báo phương Tây khác.

Cơ quan tình báo Mossad của Israel liên quan đến chương trình PRISM

Trong bài trả lời phỏng vấn hãng Press TV hôm 18/8, nhà báo người Mỹ đồng thời là người đồng sáng lập của Phong trào đoàn kết chữ thập và lưỡi liềm Mark Glenn đã cáo buộc cơ quan tình báo Mossad của Israel “bắt tay” với chương trình theo dõi bí mật PRISM của Mỹ.

Ông Mark Glenn khẳng định, những tài liệu của cựu nhân viên CIA Edward Snowden về chương trình PRISM chắc chắn có nhắc đến Mossad. Cái mà ông Mark Glenn muốn nhấn mạnh rằng, chương trình PRISM của NSA là một chương trình do thám quy mô lớn xuất hiện trên toàn cầu và nhiều khả năng những dữ liệu mà NSA thu thập được ở khu vực Trung Đông, đặc biệt là các quốc gia láng giềng của Israel đã được cung cấp cho Mossad.

Nhắc đến việc Tổng thống Mỹ Barack Obama đã trấn an dư luận rằng, các chương trình giám sát thông tin NSA chỉ nhằm mục đích chống khủng bố, Mark Glenn cho rằng, những hứa hẹn và giải thích đều là những lời nói dối. Ông nói: “Chính quyền Washington không hề có kế hoạch nào để ngăn chương trình theo dõi gián điệp đối với người Mỹ”.

Sông Thương
.
.
.