Chính biến ở Maldives, Tổng thống từ chức

Thứ Tư, 08/02/2012, 09:29
Ngày 7/2, Tổng thống Maldives Mohamed Nasheed đã đệ đơn xin từ chức sau khi quốc đảo này trải qua hàng tuần trong biểu tình do lực lượng cảnh sát tiến hành. Xuất hiện trên truyền hình quốc gia, ông Mohamed Nasheed nói, việc ông từ chức có lẽ là điều tốt nhất cho đất nước trong tình hình hiện nay.

Nguồn tin từ hãng BBC cho hay, trước khi Tổng thống Maldives tuyên bố từ chức, một nhóm sĩ quan cảnh sát bất mãn đã tổ chức đảo chính, tấn công và chiếm đài truyền hình quốc gia ở thủ đô Male, phát đi lời kêu gọi người dân xuống đường lật đổ Tổng thống Mohamed Nasheed, ủng hộ cựu Tổng thống Maumoon Abdul Gayoom. Nhiều nhà báo cũng đã bị nhóm sĩ quan cảnh sát này bắt giữ.

Tiếp đó, hàng trăm cảnh sát đã biểu tình trên đường phố thủ đô Male, tập trung trước trụ sở Bộ Quốc phòng và một số căn cứ quân sự  sau khi các quan chức ra lệnh cho họ rút khỏi nhiệm vụ bảo vệ chính quyền và những người ủng hộ phe đối lập.

Tổng thống Mohamed Nasheed đã đến gặp nhóm người này và hối thúc chấm dứt biểu tình song họ đã từ chối và đòi ông từ chức. Lo ngại đến tính mạng của bản thân và gia đình, ông Mohamed Nasheed sau đó đã rút về bên trong đại bản doanh của quân đội. Một số hãng thông tấn phương Tây còn đưa tin rằng, đụng độ đã xảy ra giữa nhóm cảnh sát nói trên và lực lượng quân đội. Quân đội được cho là dùng đạn cao su bắn vào đoàn người biểu tình song văn phòng Tổng thống Maldives đã bác bỏ thông tin này.

Đụng độ giữa lực lượng cảnh sát và quân đội Maldives.

Trên thực tế, căng thẳng chính trị ở quốc đảo này bắt đầu gia tăng cách đây 3 tuần khi quân đội Maldives thực hiện theo lệnh của Tổng thống Mohamed Nasheed bắt giữ Chánh án tòa án hình sự Abdulla Mohamed vì đưa ra phán quyết rằng, việc chính phủ bắt giữ một người chỉ trích là bất hợp pháp và lệnh trả tự do cho ông này.

Sau khi tuyên bố từ chức, ông Mohamed Nasheed đã trao quyền điều hành đất nước cho Phó Tổng thống Muhammad Waheed Hassan. Phó Tổng thống là người từng phản đối kịch liệt lệnh bắt ông Abdulla Mohamed của Tổng thống Mohamed Nasheed. Nguồn tin từ hãng BBC khẳng định, Tòa án tối cao Maldives, Ủy ban nhân quyền và Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) đều kêu gọi trả tự do cho ông Abdulla Mohamed.

Trước những diễn biến bất ngờ ở Maldives, đoàn đại biểu của Ủy ban các vấn đề chính trị LHQ do trợ lý Tổng thư ký LHQ Oscar Fernandez-Taranco dự định sẽ tới quốc đảo này vào ngày 9/2.

Là quốc gia nhỏ nhất châu Á về dân số và cũng là quốc gia Hồi giáo đa số nhỏ nhất thế giới, Maldives là một quốc đảo gồm nhóm các đảo san hô tại Ấn Độ Dương. Hai mươi sáu đảo san hô của Maldives bao quanh một lãnh thổ gồm 1.192 đảo nhỏ, khoảng hai trăm đảo trong số này có các cộng đồng địa phương sinh sống.

Trước đây, từ thời Ashoka, công dân của Maldives là tín đồ Phật giáo. Đạo Hồi được đưa vào năm 1153. Maldives sau đó rơi vào vùng ảnh hưởng của người Bồ Đào Nha (1558) và các đế chế trên biển của Hà Lan (1654). Vào năm 1887, quốc gia này trở thành vùng bảo hộ của Anh. Năm 1965, Maldives giành độc lập từ Anh (ban đầu với tên gọi "Quần đảo Maldive"), và năm 1968 đổi thành Cộng hòa Maldives. Tuy nhiên, trong 38 năm qua, Maldives chỉ có hai Tổng thống

Gia Nam
.
.
.