Palestine được Liên Hợp Quốc nâng cấp quy chế:

Chiến thắng ngoại giao của Tổng thống Mahmoud Abbas

Thứ Bảy, 01/12/2012, 12:35
Niềm vui vỡ òa trong cộng đồng người Palestine rạng sáng 30/11 (theo giờ Việt Nam) sau khi Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) bỏ phiếu thông qua việc công nhận Palestine là nhà nước quan sát phi thành viên với 138 phiếu ủng hộ, 9 phiếu phản đối và 41 phiếu trắng. Sự kiện này không chỉ là thắng lợi ngoại giao quan trọng của Tổng thống Mahmoud Abbas mà còn góp phần thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình ở Trung Đông.
>> LHQ bỏ phiếu nâng Palestine lên nhà nước quan sát phi thành viên

Phải khẳng định rằng, không một câu từ nào có thể tả nỗi vui mừng khôn xiết của người dân Palestine khi họ đã được được thành quả như ý sau bao nhiêu năm đấu tranh với nhiều thăng trầm. Chiều 29/11, để chuẩn bị đón thông tin tốt đẹp này, hàng ngàn người dân đã đổ xuống đường phố, ca hát, dâng cao biểu ngữ với một niềm tin bất diệt rằng, họ sẽ nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong cuộc bỏ phiếu lần này. Không phụ lòng mong mỏi của người dân Palestine, 138 trên tổng số 193 thành viên Đại hội đồng LHQ đã bỏ phiếu đồng ý nâng cấp quy chế cho Palestine lên mức là nhà nước quan sát phi thành viên.

Hòa lẫn trong niềm vui chung, một thanh niên Palestine tên Mohammed Srour (28 tuổi) ở Ramallah nói: “Thật là tuyệt vời. Đối với người dân Palestine chúng tôi, chưa có hôm nào đẹp như hôm nay”. Có mặt tại quảng trường Arafat ở khu Bờ Tây, cô Shereen, 29 tuổi đã bày tỏ niềm vui sướng về sự kiện xảy ra cách xa hàng ngàn dặm ở New York."Tôi cảm thấy đây là điều rất tuyệt vời và lúc này tôi rất muốn khóc. Chúng tôi đã lần đầu tiên có một quốc gia. Chúng tôi sẽ nói với con trai và con gái của chúng tôi rằng, chúng ta đã có một quốc gia với tên gọi là Palestine. Tôi cảm thấy tương lai sẽ rất tốt đẹp, hai nước Palestine và Israel có thể chung sống bên cạnh nhau một cách hòa bình".

Một số trí thức người Palestine thì bày tỏ hy vọng, động thái của LHQ sẽ giúp Palestine có một vị thế cao hơn trước trong các cuộc đàm phán với Israel. Dẫu vậy, con đường phía trước vẫn còn khá nhiều chông gai mà cụ thể là sự chia rẽ giữa chính quyền do Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas lãnh đạo ở Bờ Tây và một nhánh khác do lực lượng vũ trang Hamas điều hành tại dải Gaza. Cho đến nay, tạm thời, Hamas đã đồng ý sẽ cùng với Tổng thống Mahmoud Abbas chống lại những thế lực phản động, muốn cản trợ sự phát triển của nhà nước Palestine. Nhưng muốn “chiến thắng” trong bất kỳ một cuộc đua nào, Palestine cũng cần phải đoàn kết hơn nữa.

Theo tin từ hãng AP, hôm 29/11, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã chính thức đệ trình bản dự thảo nghị quyết đề nghị nâng cấp quy chế của Palestine tại LHQ. Trong bài diễn văn dài 22 phút được Đại hội đồng hưởng ứng nhiệt liệt, ông Mahmoud Abbas đã yêu cầu LHQ “cấp giấy khai sinh thực sự cho nhà nước Palestine độc lập” bên cạnh nhà nước Israel.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmed Davutoglu chúc mừng Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và phái đoàn Palestine tại LHQ.

Đến rạng sáng 30/11 (theo giờ Việt Nam), tại New York, Mỹ, Đại hội đồng LHQ đã tiến hành bỏ phiếu thông qua việc nâng cấp quy chế của Palestine tại LHQ từ quan sát viên thành nhà nước quan sát phi thành viên. Ngay sau khi kết quả được công bố, đại diện nhiều nước tại Đại hội đồng LHQ đã tới bắt tay chúc mừng Tổng thống Palestine. Lá cờ của Palestine nhanh chóng được đặt trong phòng của Đại hội đồng LHQ, phía sau các đại biểu của Palestine. Tại thành phố Ramallah ở khu Bờ Tây, hàng trăm đám đông đổ ra đường phố hò reo chiến thắng. Những người dân xem tường thuật buổi bỏ phiếu từ màn hình ngoài phố vỡ òa trong mừng rỡ, họ ôm hôn nhau và pháo hoa bắn lên từ các ngả phố trước khi những màn nhảy múa bắt đầu.

Phát biểu trước Đại hội đồng LHQ, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho rằng, việc nâng cấp quy chế cho Palestine tại LHQ sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình Trung Đông.

Trong số các nước phương Tây, Pháp là nước đầu tiên lên tiếng ủng hộ Palestine, tiếp đến là một số nước khác như Áo, Đan Mạch, Thụy Sỹ. Việc Pháp - Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, tuyên bố ủng hộ Palestine đã “tạo ra hiệu ứng tốt” đối với một số nước khác còn phản đối. Trong khi đó, Đức cho rằng, việc Israel và Palestine thúc đẩy các cuộc đàm phán nhằm tìm ra giải pháp hai nhà nước sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông. Chỉ riêng có Mỹ và Israel thì vẫn giữ thái độ cương quyết phản đối với một lập luận vô lý rằng, chỉ có đàm phán trực tiếp về một hiệp ước hòa bình mới có thể tạo ra hiệp định giúp hình thành Nhà nước Palestine.

Với việc nâng vị thế lần này, Palestine giờ đây có thể tiếp cận các cơ quan quốc tế như Tòa án hình sự quốc tế - nơi xét xử những người mang tội danh diệt chủng, tội ác chiến tranh và những vi phạm nhân quyền khác. Palestine cũng có thể tham gia vào các tổ chức khác của LHQ như UNICEF, UNESCO... Và điều quan trọng hơn cả là Palestine đã có địa vị ngang hàng với Israel trong các cuộc đàm phán hòa bình tương lai và một bản nghị quyết hai nhà nước cùng tồn tại song song sẽ có cơ hội tái sinh

Sông Thương
.
.
.