Chỉ phương Tây mới giải quyết được cuộc khủng hoảng Ukraine

Chủ Nhật, 21/06/2015, 10:03

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St.Peterbourg (SPIEF) hôm 20/6 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Nga không phải là người “châm ngòi” tạo nên cuộc khủng hoảng tại Ukraine, mà là phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

Theo Tổng thống Putin, chỉ có phương Tây mới giải quyết được cuộc khủng hoảng này, bằng cách đàm phán hòa bình thật sự, và khi có “một quyết định chính trị đúng đắn được đưa ra, sẽ không có vũ khí nào còn tồn tại ở miền Đông Ukraine”. Bên cạnh đó, ông chủ Điện Kremlin cho rằng Nga đã tìm thấy “nội lực” để phục hồi nền kinh tế, đồng thời yêu cầu phương Tây ngừng đưa ra “những luận điệu theo kiểu tối hậu thư”.

Mở đầu bài phát biểu tại SPIEF, Tổng thống Putin khẳng định, bất chấp những lệnh trừng phạt, bao vây của phương Tây cũng như việc bị hạn chế tiếp cận thị trường vốn quốc tế và nội nhu giảm, nền kinh tế Nga vẫn không bị chìm sâu vào khủng hoảng. Có được thành quả như vậy là do nền kinh tế Nga có “sức mạnh nội tại”. 

Tổng thống Putin chia sẻ: “Chúng tôi muốn chỉ ra rằng, cuối năm ngoái chúng tôi đã được cảnh báo, như bạn biết đấy, rằng sẽ vấp phải một cuộc khủng hoảng sâu sắc. Nhưng nó đã không xảy ra. Chúng tôi đã kiểm soát và ổn định tình hình... chủ yếu nhờ nền kinh tế Nga có sức mạnh nội tại”.

Theo ông Putin, sự trợ giúp từ nguồn lực nội tại là điểm có thể tin rằng Nga tiếp tục đà phục hồi và thành công trong tương lai. Ông nói: “Sát cánh với chúng tôi là doanh nhân, người dân và các nhà lãnh đạo mới chuẩn bị giúp ích cho Nga và sự phát triển của Nga. Vì vậy, chúng tôi hoàn toàn chắc chắn về sự thành công…”. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St.Peterbourg (SPIEF). Ảnh: Sputnik.

Tờ The Moscow Times ngày 19/6 dẫn kết quả nghiên cứu từ Cơ quan nghiên cứu kinh tế tại Austria cho biết, việc cấm vận Nga có thể khiến EU tổn thất 100 tỉ USD và khoảng 2 triệu việc làm. Theo đó, “nội lực” của Nga từ việc cấm xuất khẩu ngược lại các mặt hàng sang Liên minh châu Âu (EU) đã và đang gây khó khăn cho châu Âu. Ông chủ Điện Kremlin còn khẳng định Nga sẽ tiếp tục hợp tác với phương Tây, bất chấp những lệnh trừng phạt của EU. 

Đồng tình với quan điểm này, cũng tại SPIEF, Phó Thủ tướng Nga Igor Shuvalov tuyên bố, Nga sẵn sàng cùng với EU thành lập một “châu Âu lớn” bất chấp các bên đều có lỗi do các lệnh trừng phạt gây nên và trách nhiệm của EU về cuộc khủng hoảng ở Ukraine. 

Phó Thủ tướng Shuvalov nói: “Chúng tôi luôn luôn ủng hộ ý tưởng thành lập “châu Âu lớn”, hình thành một không gian kinh tế chung. Và chúng tôi hiểu rằng cuộc tranh luận về một thỏa thuận cơ bản mới (giữa Nga và EU) kéo dài - là một sai lầm lớn”. Ngoài ra, Phó Thủ tướng Shuvalov cũng bày tỏ hy vọng rằng sau khi giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga và Brussels sẽ có thể xây dựng quan hệ đối tác bền vững.

Liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Vì chính Mỹ và phương Tây, chứ không phải Nga, đã khơi nguồn cho sự bất ổn đó”, và rằng: “Chính phủ Mỹ chỉ biết áp đặt suy nghĩ và những giá trị của họ mà không nghĩ đến việc Nga cũng phải xét đến lợi ích quốc gia của chính chúng tôi”. Ông nhận định, nếu phương Tây có thể tìm ra cách thuyết phục các bên liên quan đi đến một quyết định chính trị thống nhất, thì khi đó “sẽ không còn vũ khí tại Ukraine”. 

Bên cạnh đó, Tổng thống Putin cũng đáp trả cáo buộc của cựu Thủ tướng Pháp Francois Fillon khi cho rằng Nga đang hành xử ngày càng hung hăng. Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố, trong suốt một thời gian dài Nga đã lặng lẽ đưa ra mọi hình thức hợp tác, nhưng ngày càng bị Mỹ và phương Tây chèn ép: “Chúng tôi không hề hành động hung hăng. Chúng tôi chỉ nhất quán và kiên trì hơn trong việc bảo vệ lợi ích của mình. Trong suốt một thời gian dài, có thể nói là trong suốt một thập kỷ, chúng tôi đã đề xuất các loại hình hợp tác, nhưng chúng tôi ngày càng bị chèn ép, ép sát tới chân tường”. 

Tổng thống Putin tái khẳng định rằng, Nga không tìm kiếm sự thống trị hay vị thế siêu cường, song muốn Mỹ và các đồng minh phương Tây của Mỹ phải tôn trọng lợi ích của nước Nga, không can thiệp vào công việc nội bộ của Moskva: “Nga không kỳ vọng giành quyền bá chủ, không cố giành lấy địa vị siêu cường phù du”.

Về quan hệ Nga – Trung Quốc, Tổng thống Putin khẳng định Moskva và Bắc Kinh “không thiết lập bất kỳ một khối hay liên minh quân sự nào nhằm vào bất kỳ ai”, mà chỉ “đang xúc tiến xây dựng một liên minh để bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình”. 

Tổng thống Nga cho rằng, việc Nga hợp tác với các nước láng giềng như Trung Quốc là một điều “tự nhiên” khi cho rằng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7%/năm - mức cao nhất trên thế giới, và cả thế giới đang cân nhắc khả năng phát triển quan hệ với các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. 

Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh Nga và Trung Quốc kết nối với nhau không chỉ bởi các nguồn năng lượng của Nga mà thông qua cả khả năng tài chính của Trung Quốc. Hai nước chia sẻ và cùng nhau bảo vệ hiệu quả “những giá trị nhất định” trên trường quốc tế trong khi tôn trọng sự bình đẳng với nhau khi giải quyết các vấn đề quốc tế quan trọng.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.