Che Guevara "đứa con yêu thương của vũ trụ"

Chủ Nhật, 29/11/2009, 19:42
Giờ đây sau 42 năm kể từ ngày Che Guevara hy sinh, lãnh tụ Fidel Castro biểu lộ cảm xúc của mình: "Bản thân tôi vô cùng cảm phục Che và yêu quý anh ấy như bất kỳ ai khác. Lúc nào trong tôi cũng tràn ngập niềm cảm phục và tình yêu đối với anh ấy”.

Chúng tôi đến Cuba đúng vào lúc nhân dân ở hòn đảo Tự do ở Tây bán cầu này tưởng niệm 42 năm Ngày Che - Guevara, người anh hùng Cuba hy sinh (7/10/1967). Thực ra không phải bây giờ mà ngay từ những ngày ngồi trên ghế nhà trường ở Việt Nam, chúng tôi đã ngưỡng mộ, được nghe, được đọc và được xem những thước phim tư liệu về ông. 42 năm kể từ ngày ông hy sinh, giờ đây ở Cuba và các nước Mỹ Latinh, người dân vẫn gọi Emesto Che Guevara là "Hiệp sĩ của cách mạng châu Mỹ Latinh". Điều đó là hoàn toàn chính xác, bởi lẽ, cuộc đời, sự nghiệp và sự hy sinh của Che Guevara không chỉ được nhân dân kính trọng mà cả kẻ thù cũng phải thán phục. Ông còn là người bạn chiến đấu và thân thiết của lãnh tụ Cuba Fidel Castro.

Ngày nay để tưởng nhớ đến Che Guevara, người anh hùng của Cuba, từ nhiều năm nay tại một cao ốc ở trung tâm thành phố La Habana, thủ đô Cuba đối diện với tượng đài José Marti, người ta đã gắn lên đó bức ký họa Che Guevara. Tôi ngắm nhìn bức ký họa ấy và nhẩm tính: Diện tích của nó khoảng chừng hơn 100 mét vuông.

Bức ký họa của Che Guevara tại Quảng trường Cách mạng Cuba.

Còn trong cuốn "Cuộc đời tôi", Fidel Castro, lãnh tụ của nhân dân Cuba đã dành hẳn một chương viết về Che Guevara. Fidel Castro viết: "Anh ấy có một tình yêu đặc biệt dành cho nhân dân. Anh ấy là một trong số ít những con người mà quần chúng nhân dân tin tưởng và ngưỡng mộ ngay tức khắc. Đó chính là nhờ sự tự nhiên, giản dị, tinh thần đồng chí và những phẩm chất đạo đức của anh ấy".

Ở một đoạn khác lãnh tụ Fidel lại viết: "Anh ấy là người đi đầu trong bất kỳ nhiệm vụ khó khăn nào, nổi bật trong tính cách của anh ấy là lòng can đảm phi thường và một trong những phẩm chất xuất sắc của anh ấy chính là khả năng dự báo tình hình. Dường như Che là một nhà tiên tri có thể nhìn thấu tương lai khi anh ấy yêu cầu tôi không được ngăn cản anh ấy quay về Argentina và tiến hành một cuộc cách mạng trên chính quê hương mình".

Khi đề cập đến góc độ con người và các hoạt động chính trị và quân sự của Che - Guevara, Fidel nhận xét: "Với tư cách là con người, một con người phi thường thực sự. Anh ấy còn là một con người có chiều sâu văn hóa và trí tuệ sáng ngời. Cùng với rất nhiều phẩm chất sáng chói khác, Che là một bác sĩ cầm súng; nhưng không một phút nào quên nhiệm vụ bác sĩ của mình. Chúng tôi đã chiến đấu cùng nhau trong nhiều trận. Thỉnh thoảng tôi lại gộp các chiến sĩ ở 2 đơn vị lại với nhau và chúng tôi cùng thực hiện những hoạt động tác chiến rất phức tạp, chủ yếu là phục kích những đoàn quân đối phương đi qua một vị trí nào đó".

Một con người vĩ đại và nổi tiếng là thế, vậy mà cho đến nay vẫn còn bao câu chuyện huyền thoại về cuộc sống, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của ông.

Qua tìm hiểu được biết: Emesto Che Guevara sinh ngày 14/4/1928, ở thành phố Roserio của Argentina. Ngày từ hồi còn bé, ông đã nhận thức rằng, mỗi người đàn ông sinh ra, trong cuộc đời đều có cuộc chiến tranh của mình. Chính Che Guevara đã phát hiện kẻ thù rất sớm, không phải kẻ thù bên ngoài mà kẻ thù bên trong người mình. Đó là căn bệnh hen suyễn đeo đuổi ông suốt đời. Che đã tuyên chiến với căn bệnh này bằng việc tập luyện các môn thể thao mà thường thì người ta cấm những người mắc bệnh hen suyễn tập như bóng đá, chạy, quần vợt, chơi gôn, bơi lội, đấu kiếm, leo núi, vũ thuật, bóng chuyền, bóng rổ, bơi thuyền…

Sự can đảm, coi khinh cái chết đã xuất hiện ở ông khi còn là cậu bé. Có một câu chuyện kể rằng, ngày ấy có lần Che đã chống hai tay dựng đứng người đi trên thành cầu cao 20m và giang tay giữ thăng bằng chạy qua đường ống bắc qua con suối chảy xiết ở độ cao 40m.

Nhiều bạn bè của Che mỗi lần gặp nhau đều nói: Lòng thương yêu người nghèo khổ của Che Guevara thật bao la, khi Che còn là sinh viên y khoa và sau đó là một bác sĩ trẻ. Một thời gian dài, ông đã đến trại phong hủi để cùng sống với những bệnh nhân. Ở đó, Che không chỉ chữa bệnh, giải phẫu cho họ mà còn tập cho họ chơi bóng đá và nhảy vũ hội. Nhiều người cho đến nay vẫn còn nhắc lại những câu chuyện của cậu bé Emesto ngày ấy. Vì thương người nghèo, cậu yêu cầu gia đình sau khi ăn cơm tối, để lại những phần ăn, nhà không đóng cửa để đón nhận những người vô gia cư để nuôi ăn, dạy dỗ và chữa bệnh cho họ hàng tuần. Dù ở đâu, cậu cũng tìm những đứa trẻ mất bố mẹ sau trận động đất kinh khủng đưa về nhà mình, chăm sóc. Thế nên không ai trong gia đình phải ngạc nhiên khi Emesto trở thành sinh viên trường y.

Cũng với tình thương yêu người nghèo khổ mà khi đi du lịch ở các nước của lục địa châu Mỹ Latinh trên các chuyến xe buýt liên tỉnh bốc bụi mù mịt và nóng bức, anh từ chối không chịu ngồi ở ghế bên cạnh lái xe thuận tiện và thoáng mát dành cho những người "lịch sự" mà chen chúc cùng với những người da đỏ nghèo khó đi trên xe và nói với người bán vé: "Đã đi xe thì mọi người như nhau".

Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Che Guevara đã làm hầu như tất cả những công việc mà người đàn ông có thể làm. Là người con trai trong gia đình, người chiến sĩ, người chỉ huy, người lãnh đạo đất nước, nhà thể thao, nhà báo, nhiếp ảnh, nhà văn, nhà thơ, nhân viên quét dọn vệ sinh, người rửa bát, thủy thủ, lái xe, lái máy liên hợp thu hoạch mía, nhân viên trạm bán xăng dầu, giáo viên, nhà nghiên cứu, cán bộ khoa học, nhà phát minh, người bán hàng, người cộng sản, nhà ngoại giao, chủ ngân hàng, nhà tu hành khổ hạnh, một người lang thang, một quản gia, công nhân nông nghiệp, một hành khất, một phú gia, người chồng, bác sĩ, bệnh nhân, bộ trưởng, nhà khảo cổ, nhà dân tộc học, người hoạt động bí mật, báo cáo viên trước Liên hiệp quốc, nên mọi người ở Cuba và nhiều nước châu Mỹ La tinh thường gọi Emesto Che Guevara là "đứa con yêu thương của vũ trụ".

Để đi tìm sự thật và đấu tranh cho công lý, Che Guevara đã thực hiện các chuyến đi ở hầu khắp các nước châu Mỹ Latinh. Đâu đâu ông cũng chứng kiến nhiều cảnh bất công. Một phần lớn tài sản do mồ hôi và máu của nhân dân các nước này tạo dựng lên đã bị bọn Yanki chiếm lấy. Công nhân làm lụng cực khổ trong những hầm mỏ và các đồn điền bị bóc lột thậm tệ. Washington dùng bàn tay của CIA và bọn cầm quyền của các chế độ, bù nhìn các nước láng giềng lật đổ các nhà lãnh đạo châu Mỹ Latinh.

Ông đi Mỹ, tìm hiểu tình hình ở đây, thấy bên cạnh cuộc sống xa hoa của những triệu phú Mỹ trong những khách sạn, bãi tắm, hiệu cà phê, nhà hàng là những đám cưới của người da màu cực khổ. Để đảm bảo cho cuộc sống đế vương của hàng trục triệu người Mỹ giàu có, bọn tư bản dùng sức mạnh của các cơ quan mật vụ, đàn áp và cướp bóc hàng trăm triệu người nghèo khó khác ở nước Mỹ và các nước khác thuộc châu Mỹ Latinh.

Ông cho rằng, nhiệm vụ là phải biến họ thành những người với vũ khí thì không làm được gì "Suy nghĩ này của ông được Fidel Castro khẳng định trong cuộc gặp gỡ mong đợi từ lâu của ông với Fidel Castro diễn ra vào lúc 22h ngày 9/7/1955. Từ đây vài chục nhà cách mạng trẻ tuổi tập hợp từ khắp châu Mỹ, trong đó có Emesto Che Guevara với biệt danh Che, người Argentina".

Lịch sử cũng ghi nhận rằng, trong thời gian đấu tranh vũ trang với chế độ Batests, Che Guevara đã trở thành giáo sư về khoa học chiến tranh du kích, được công nhận là tướng soái… Nhưng có điều quan trọng hơn là trong cuộc chiến tranh này, ông nhận thức được giá trị mang tính quyết định là yếu tố con người. Từ đây Che Guevara đi đến kết luận "Mọi việc bắt đầu từ con người và do con người kết thúc".

Che Guevara và Fidel Castro hồi còn trẻ.

Trong những thắng lợi của đội quân du kích Fidel Castro có sự đóng góp rất lớn của Che. Cống hiến chính của Che là thực hiện cải cách ruộng đất ở các vùng du kích chiếm giữ được, đưa nông dân vào đội quân cách mạng. Cống hiến thứ hai của ông là thiết lập pháp chế ở các vùng do ông trong vai trò là người chỉ huy, ngăn chặn cướp bóc và quậy phá. Chính vì vậy sau khi cách mạng thành công, ông được lãnh tụ Fidel Castro ủy nhiệm lãnh đạo các ngành nông nghiệp và ngân hàng, rồi sau đó là ngành công nghiệp…

Trên cương vị công tác của mình, Che đã quên ngủ, quên ăn đi khắp đất nước Cuba tiến hành các hội nghị, hội thảo, bàn về khôi phục kinh tế, phát triển nông nghiệp, điện khí hóa và thậm chí về vật lý hạt nhân. Ngay từ hồi ấy Che đã mơ ước xây dựng nhà máy điện nguyên tử ở Cuba. Tự ông đã thiết kế máy liên hợp chặt mía. Tự ông thí nghiệm và tự mình lái máy để chặt mía sau ngày làm việc ở Bộ, tổ chức liên tục các ngành làm việc thứ bảy, chủ nhật ở các cơ quan và xí nghiệp thuộc quyền mình.

Để góp phần giảm nhẹ khó khăn cho nền kinh tế Cuba trong những năm đầu cách mạng, với nhiệm vụ và chức vụ của mình, Che đã phải đi khắp thế giới để tìm kiếm viện trợ cho hòn đảo tự do. Khi là Bộ trưởng ở Chính phủ Cuba, ngoài số tiền lương hàng tháng, rất khiêm tốn 120 USD, Chính phủ đã trợ cấp thêm một khoản tiền cho ông, nhưng trong một cuộc họp của lãnh đạo, ông đề nghị không cấp thêm tiền cho ông và đã được chấp nhận.

Năm 1965, ông rời chức vụ của Chính phủ Cuba để tiếp tục cuộc đấu tranh vì độc lập của châu Mỹ Latinh. Năm 1966, ông tham gia cuộc chiến tranh ở Bolivia. Trong cuộc chiến đấu ở đây Che Guevara bị bắt, bị tra tấn và sát hại vào ngày 9/10/1967.

Sau 42 năm, kể từ ngày Che hy sinh, gần đây báo chí Mỹ Latinh lại lần lượt đăng các bài viết về ông. Các bài viết để thuật lại những giờ phút oanh liệt cuối cùng của nhà cách mạng Mỹ Latinh huyền thoại, những chi tiết mà cho đến nay nhiều người vẫn chưa được biết.

Trong một bài phóng sự đăng trên một tờ báo lớn ở Argentina đã viết: "Từ dưới nền nhà ẩm ướt của một phòng học của ngôi trường La Huguera nằm giữa vùng rừng rậm Bolivia, Emesto Guevara biết rằng ông sẽ bị sát hại. Ông phóng một ánh mắt lạ lùng tới kẻ mà ông biết sắp sửa nổ súng vào ông. Đó là một trung sĩ của quân đội Bolivia có tên là Mario Tera. Viên trung sĩ sau này hồi tưởng lại: "Trong khoảng khắc đó tôi nhìn thấy Che thật vĩ đại, một người khổng lồ. Đôi mắt của ông rực sáng lạ thường. Tôi có cảm giác như ông sắp đổ sập lên người tôi và khi ông nhìn tôi một cách chăm chú tôi cảm thấy choáng váng".

Còn một cựu nhân viên tình báo CIA kể lại trong hồi ký của mình rằng lúc đó anh ta có tiết lộ với Che là họ sắp sửa sát hại ông: "Ngài tư lệnh - tôi nói với Che - tôi đã làm tất cả những gì trong khả năng của mình nhưng mệnh lệnh lại đến từ Bộ Tư lệnh tối cao Bolivia".

Che hiểu ngay mọi chuyện. Nét mặt của ông cho thấy ông biết rõ mình không còn khả năng sống sót. Ông nhìn tôi, khuôn mặt vẫn trầm tĩnh và nói: "Như vậy thì tốt hơn. Lẽ ra tôi không nên để bị bắt sống".

Thi thể của Che bị giấu kín cho đến khi được phát hiện vào năm 1997 trong một hố chôn bên cạnh đường băng sân bay ở thành phố Vallegrande và sau đó đã được đưa về mai táng tại Cuba.

Giờ đây sau 42 năm kể từ ngày Che Guevara hy sinh, lãnh tụ Fidel Castro biểu lộ cảm xúc của mình: "Bản thân tôi vô cùng cảm phục Che và yêu quý anh ấy như bất kỳ ai khác. Lúc nào trong tôi cũng tràn ngập niềm cảm phục và tình yêu đối với anh ấy. Và tôi cũng đã giải thích câu chuyện tại sao tôi lại gắn bó với Che đến vậy…"

.
.
.