Châu Âu tranh cãi về giải pháp người nhập cư trái phép
Pháp đã trở thành quốc gia thứ 3 của EU lên tiếng phản đối hạn ngạch phân chia người nhập cư và tị nạn do Ủy ban châu Âu đề xuất. Phát biểu trước báo giới hôm 16/5, Thủ tướng Pháp Manuel Valls cho biết, hiện có gần 1.000 người nhập cư trái phép đang bị bắt ở vùng biên giới nước này và Italia. Trước đó, kể từ năm 2012 đến nay, Pháp đã buộc phải tiếp nhận 5.000 người tị nạn Syria và 4.500 người Iraq.
Theo quan điểm của ông Manuel Valls, số lượng người được chấp nhận tị nạn không thể được tính thành hạn ngạch vì như thế chỉ càng kích thích người dân ở Trung Đông, Bắc Phi, châu Á bằng mọi cách tìm đến châu Âu để xin nhập cư.
Cũng theo Thủ tướng Pháp, EU cần phải đi xa hơn bằng việc tạo ra một hệ thống kiểm soát biên giới châu Âu bởi nếu không thì giải pháp trả người tị nạn lại quê nhà cũng không hiệu quả vì họ vẫn có thể tiếp tục đưa tiền cho các tổ chức buôn người để được vượt biên lần nữa.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Đức đang cứu những người nhập cư trái phép trên biển Địa Trung Hải. Ảnh: EPA. |
Lập luận này của Thủ tướng Pháp cũng gần với thông tin mà Bộ trưởng Văn phòng chính phủ Hungary Janos Lazar đưa ra trong cuộc họp báo hôm 16/5. Ông Janos Lazar cho rằng, không có lý do gì buộc Hungary phải chấp nhận người nhập cư theo hạn ngạch mà EC đưa ra. Trong 3 năm qua, Hungary đã nhận được 2.700 đơn xin tị nạn vào nước này nhưng chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, con số này đã lên tới 43.000 người. Bộ trưởng Văn phòng chính phủ Hungary nhấn mạnh, việc này ngoài tầm kiểm soát và khả năng thực hiện của nước này.
Trong khi đó, Bộ Nội vụ Anh thông báo, nếu thực hiện theo kế hoạch của EC, số người nhập cư vào Anh mỗi năm có thể tăng gấp đôi, từ mức 30.000 người/năm hiện nay lên hơn 60.000 người/năm và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển cũng như các phúc lợi xã hội của nước này.
Kế hoạch phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người nhập cư của châu Âu được EC công bố hôm 13/5. Đây được coi là giải pháp hiệu quả cho cuộc khủng hoảng nhân đạo về người nhập cư ở châu Âu hiện nay. Đức là quốc gia bảo trợ kế hoạch này song song với một dự luật khác cho phép sử dụng các hoạt động quân sự chống lại các mạng lưới buôn người ở ngoài khơi Libya.
Theo chính sách mới, mỗi năm, châu Âu đồng ý tiếp nhận 20.000 người nhập cư vào các quốc gia thành viên của mình theo các tiêu chí của LHQ để đảm bảo đó thực sự là những người cần một bến đỗ mới để tiếp tục sinh sống. Hạn ngạch của mỗi nước sẽ được tính toán dựa trên các yếu tố kinh tế-xã hội như Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), dân số, tỷ lệ thất nghiệp..., song đảm bảo rằng mỗi nước sẽ phải đóng góp trách nhiệm một cách hợp lý và công bằng trong việc tiếp nhận những trường hợp rõ ràng đang cần đến sự bảo vệ quốc tế.
Thông tin từ Cơ quan giám sát biên giới châu Âu cho hay, trong năm 2014, EU đã tiếp nhận gần 626.000 đơn đề nghị được bảo vệ - con số đơn xin tị nạn chính trị cao nhất ở khu vực này kể từ 12 năm qua. Tuy nhiên, chỉ có 274.000 người được chấp nhận nhập cư, tăng gấp ba lần so với năm 2013.
Trong 4 tháng qua, dòng người nhập cư trái phép từ khu vực Balkan vào các nước EU đã tăng từ vài trăm người lên 21.000 người. Những người này phần lớn là dân trốn chạy xung đột ở Syria. Ngoài ra, người nhập cư vào châu Âu cũng đến từ Eritrea, Sudan hay Iraq. Phần lớn người nhập cư trái phép tập trung tại Libya, nơi mạng lưới buôn người phát triển mạnh và tìm cách cập các bến cảng ở Italia.
Báo cáo của Cơ quan giám sát biên giới châu Âu cũng khẳng định rằng, sẽ còn có khoảng từ 500.000 đến 1 triệu người nhập cư từ Libya vào châu Âu qua cửa ngõ biên giới Italia trong năm 2015. Con số này đã thực sự làm gia tăng quan ngại đối với các nhà lãnh đạo EU.
Riêng đối với Italia, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2015, nước này đã cứu hàng chục tàu thuyền chở gần 10.000 người nhập cư trái phép bị gặp nạn ở Địa Trung Hải, gần bờ biển nước này. Mới đây nhất, vào ngày 16/5, hơn 600 người nhập cư gốc Bắc Phi đã được các tàu hải quân Italia đưa đến cảng Reggio Calabria ở miền Nam nước này…
Cuối tháng 4 vừa qua, EU đã thống nhất tăng gấp 3 lần ngân sách dành cho hoạt động tìm kiếm và cứu hộ trên biển của khối và quyết định sử dụng lực lượng quân sự cho việc giám sát các hoạt động trên biển, nhất là đối với tàu nhập cư.
Anh, Đức, Pháp, Italia đều tuyên bố sẵn sàng cử lực lượng Hải quân và các tàu chiến gia nhập đội quân ngăn chặn và phát hiện các tàu chở người nhập cư trái phép xuất pháp từ Libya tới châu Âu. Bỉ, Anh, Pháp thậm chí còn kêu gọi LHQ thông qua một chiến dịch quân sự do EU đứng đầu chống bọn buôn người nhằm hạn chế số người tị nạn thiệt mạng.
Bên cạnh đó, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Litva cũng đang hợp tác với Italia để soạn thảo một dự thảo nghị quyết dựa theo Chương 7 của Hiến chương LHQ cho phép EU can thiệp cả trong lãnh hải và trên đất liền của Libya, bắt giữ các tàu thuyền của bọn buôn người.