Châu Âu chia rẽ vì vấn nạn người nhập cư

Thứ Bảy, 05/09/2015, 08:14
Sự gia tăng đến mức chóng mặt của số người nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu không chỉ tạo nên một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn mà còn gây ra nhiều bất ổn về an ninh và chính trị ở lục địa già này. Chưa hết, các thành viên trong Liên minh Châu Âu (EU) còn đang đứng trước nguy cơ chia rẽ, mâu thuẫn vì không thống nhất được phương án giải quyết.

Phải nói rằng, thông tin về những chuyến tàu chở người nhập cư bị đắm ở ngoài Địa Trung Hải cùng với sự kiện trấn áp người di cư tại vùng biên giới với Serbia của Hungary một lần nữa đã làm “nóng” cuộc họp không chính thức của Ngoại trưởng các nước EU tại Luxembourg. Trong khi Chủ tịch EU Donald Tusk liên tục kêu gọi các quốc gia thành viên chia sẻ công tác tái định cư cho ít nhất 100.000 người tị nạn, tức là cao hơn nhiều so với thỏa thuận 32.000 người hiện nay thì nhiều quốc gia khác đã bày tỏ sự phản đối.

Lý do mà họ đưa ra là khi tiếp nhận những người nhập cư trái phép này đến từ các quốc gia Bắc Phi – Trung Đông, nơi thường xuyên xảy ra bất ổn thì mức độ mất an ninh, an toàn cũng như khả năng thiếu hụt về phúc lợi xã hội là rất lớn. Đó là chưa kể đến nguy cơ các thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có thể trà trộn vào đám người nhập cư này để xâm nhập và các nước thành viên EU, từ đó lập mạng lưới, chi nhánh khủng bố và tiến hành các cuộc tấn công khủng bố mới…

Cảnh sát Hungary đang chặn một cặp vợ chồng di cư khi họ cố gắng xông vào ga đường sắt quốc tế Keleti ở thủ đô Budapest. Ảnh: Reuters.

Hãng tin AP cho biết, đến chiều 4/9, mới chỉ có Đức, Pháp là nhất trí về nguyên tắc “hạn ngạch bắt buộc” trong việc tiếp nhận người xin tị nạn tại các nước thành viên. Những người đứng đầu chính phủ 2 quốc gia này còn tuyên bố sẽ sớm chuyển cho Ủy ban Châu Âu những đề xuất chung nhằm tổ chức việc tiếp nhận người tị nạn và phân bổ một cách công bằng tại châu Âu cũng như cân nhắc những quy chuẩn tại mỗi nước để tăng cường hệ thống tị nạn châu Âu.

Còn tại Anh, Thủ tướng David Cameron lại có động thái nhượng bộ với tuyên bố sẽ tiếp nhận số người tị nạn Syria nhiều hơn so với 216 người trong năm ngoái. Nhưng đối tượng mà Anh tiếp nhận vẫn chỉ là những người đang tá túc trong các trại tị nạn của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) ở vùng biên giới với Syria chứ không phải là những người đang trú tạm tại thị trấn cảng Calais của Pháp hay tại các địa điểm khác ở Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary…

Các số liệu thống kê mới nhất của tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cho hay, trong năm 2015 này, đã có hơn 350.000 người di cư liều lĩnh vượt Địa Trung Hải để tới “miền đất hứa” châu Âu và khoảng 2.600 người đã thiệt mạng. Đó là chưa kể đến con số hơn 1.000 người chết khi đi qua sa mạc Sahara và vịnh Bengal ở Nam Á. Italia, quốc gia được coi là “cửa ngõ lớn nhất ở châu Âu đối với người nhập cư đi qua Địa Trung Hải” đã nhiều lần lên tiếng hối thúc các nước EU nhanh chóng tìm ra giải pháp thống nhất nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư.

Theo Thủ tướng Italia Matteo Renzi, cuộc khủng hoảng này không mang tính ngắn hạn mà sẽ kéo dài và cần được cộng đồng quốc tế chung tay giải quyết, bằng việc đem lại hòa bình và ổn định ở các nước đang bất ổn hoặc có chiến tranh.

Ông Matteo Renzi cũng cho biết thêm rằng, hôm 2/9, lực lượng bảo vệ bờ biển Italia cùng các tàu của tổ chức Bác sĩ không biên giới, Cơ quan kiểm soát biên giới thuộc EU (FRONTEX) đã giải cứu được gần 3.000 người di cư đang trôi dạt trên biển trên hàng chục con tàu. Vì thế, từ ngày 3/9, Italia đã lập lại các trạm kiểm soát tạm thời ở cửa khẩu Brennero thuộc tỉnh Bolzano, miền Bắc nước này nhằm ngăn chặn dòng người di cư trái phép.

Quốc gia láng giềng với Italia là Áo cũng đã tăng cường kiểm tra nghiêm ngặt các chuyến tàu và xe hơi từ Italia sang nước này… Trong khi đó, tình hình người nhập cư trái phép ở Hungary lại đang có những chuyển biến xấu.

Hôm 3/9, ga đường sắt quốc tế Keleti ở thủ đô Budapest đã rơi vào cảnh hỗn loạn do hàng trăm người di cư chen lấn xô đẩy. Tại khu vực biên giới với phía Nam giáp Serbia, Hungary đã triển khai quân đội để đối phó với làn sóng người di cư ồ ạt và trấn áp những kẻ buôn người. Tình trạng này khiến Thủ tướng Serbia Alexandar Vuciv phải cảnh báo rằng EU nên có hành động khẩn cấp nếu không sẽ có những chuyện không hay khác xảy ra.

Cùng chung quan điểm này, Thổ Nhĩ Kỳ cũng lớn tiếng chỉ trích EU đang biến Địa Trung Hải thành “nghĩa trang của người di cư” và cho rằng, EU đang quay lưng lại với các tiêu chuẩn về nhân quyền.

Sông Thương
.
.
.