Châu Âu “đối chọi” làn sóng COVID-19 lần hai

Thứ Sáu, 30/10/2020, 07:30
Mùa đông đang đến gần. Với châu Âu, mùa đông đang trở thành thách thức nguy hiểm, khi nhiều chuyên gia cảnh báo rằng làn sóng COVID-19 lần hai sẽ “chết chóc” hơn lần đầu tiên. Pháp ngày 29/10 quyết định tái phong tỏa toàn quốc. Đức, Anh và một loạt quốc gia châu Âu khác cũng đang rục rịch “nối gót” Pháp thực hiện biện pháp này.


Phát biểu trực tiếp trên truyền hình tối 28-10 (giờ địa phương), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chính thức tuyên bố tái phong tỏa toàn quốc từ 30/10 đến 1/12 nhằm đối phó với làn sóng COVID-19 lần hai. “COVID-19 đang lây lan với tốc độ mà ngay cả những dự báo bi quan nhất cũng không lường trước được”, ông Macron đánh giá, thừa nhận rằng làn sóng lây nhiễm lần hai “sẽ khó hơn, nguy hiểm hơn lần thứ nhất”.

Lệnh tái phong tỏa của chính phủ Pháp cho phép người dân thực hiện một số hoạt động thường nhật nếu có giấy chứng nhận tự khai. Ngược lại, các trường đại học duy trì các khóa học trực tuyến, các công ty khuyến khích làm việc từ xa; nhà hàng và quán bar phải đóng cửa.

Các quốc gia châu Âu rục rịch tái phong tỏa một lần nữa trước cảnh báo làn sóng COVID-19 lần hai sẽ “chết chóc hơn”.  Ảnh: Getty

Cùng ngày, tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel và các nhà lãnh đạo 16 bang ở Đức đã tiến hành phiên họp khẩn cấp, nhất trí tái áp đặt các biện pháp phong tỏa có giới hạn nhằm kiểm soát và hạn chế sự gia tăng ở mức đáng lo ngại của dịch bệnh COVID-19.

Các biện pháp mới bao gồm quy định chỉ cho phép gặp gỡ ở nơi công cộng tối đa 10 người từ một hoặc hai hộ gia đình; các nhà hàng phục vụ ăn uống, các quán bar và các khu trung tâm vui chơi giải trí, thể thao trong nhà và ngoài trời sẽ tạm thời đóng cửa. Những biện pháp này xuất phát từ thực tế số ca COVID-19 mới tại Đức đã tăng tới gần 15.000 ca/ngày, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại đây hồi tháng 3 vừa qua. Còn tại Pháp, trong vòng 24 giờ qua, số ca nhiễm COVID-19 mới dừng ở mức “không tưởng” hơn 36.400 ca.

Những động thái mới được hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu liên tiếp đưa ra ngay sau khi người phát ngôn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Margaret Harris cho biết, số ca tử vong hằng ngày ở châu Âu tăng gần 40% trong tuần này so với tuần trước. Trong đó các nước Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Hà Lan và Nga có số tử vong cao nhất. Số ca nhiễm mới hằng ngày cũng tăng 1/3 so với tuần trước đó.

Mặc dù năng lực quản lý của bệnh viện đã tốt hơn, nhưng số bệnh nhân mới vẫn đang nhanh chóng lấp đầy các bệnh viện ở nhiều nước. Telegraph cùng ngày cũng dẫn nguồn tin các nhóm nghiên cứu của chính phủ Anh cho rằng, số người tử vong trong làn sóng COVID-19 thứ hai tại Anh sẽ “chết chóc” hơn rất nhiều so với làn sóng thứ nhất xảy ra mùa xuân vừa qua.

“Mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ hơn với nhiều ca tử vong hơn. Vấn đề này đã được đặt ra với Thủ tướng Boris Johnson và ông ấy giờ đang đối diện với rất nhiều áp lực về việc ra lệnh phong tỏa một lần nữa”, một nguồn tin chia sẻ. Reuters dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Tatiana Golikova hôm 29/10 cho biết, số giường bệnh đã ở mức 90% công suất ở 16 khu vực của Nga, trong khi các quan chức lo ngại, ngay cả những hệ thống y tế được trang bị tốt như ở Pháp và Thụy Sĩ cũng có thể đạt tới mức quá tải trong vòng vài ngày tới.

Các chính phủ châu Âu đang hứng chịu chỉ trích nặng nề vì thiếu phối hợp và lơ là trong giai đoạn dịch tạm lắng vừa qua khiến các bệnh viện có nguy cơ bị quá tải một lần nữa. Một số nhà dịch tễ học thậm chí cảnh báo rằng trong những tuần tới, các chính phủ châu Âu có khả năng không thể kiểm soát được nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục gia tăng như hiện nay và việc tái áp đặt các lệnh phong tỏa gần như là tất yếu.

Trong một nỗ lực kêu gọi sự chung tay của toàn khối, ngày 28/10 (giờ địa phương), Ủy ban châu Âu (EC) đã lên tiếng kêu gọi chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu cần phối hợp trong việc triển khai các chiến lược xét nghiệm, cũng như tận dụng các xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên, cho dù nguồn cung toàn cầu cho các bộ kit xét nghiệm đang được siết chặt.

Nhằm tránh nguy cơ tái diễn tình trạng thiếu hụt trang thiết bị y tế, vốn đã xảy ra trong EU ngay khi đại dịch ập đến vào mùa Xuân, EC cho biết đã phát động chương trình mua sắm chung các thiết bị cần thiết cho tiêm chủng, như ống tiêm và chất sát trùng. EC đồng thời kêu gọi các nước thành viên nhanh chóng triển khai các chiến lược tiêm chủng nhằm đảm bảo những đối tượng dễ bị tổn thương nhất có thể nhanh chóng tiếp cận vaccine phòng COVID-19 nếu có trong tương lai.

Trước đó cùng ngày, trong cuộc trả lời phỏng vấn nhật báo La Stampa, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhận định EU phải ứng phó với dịch COVID-19 một cách hiệu quả hơn thông qua các chính sách về xét nghiệm, truy vết tiếp xúc, bào chế vaccine và cách ly.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu cũng nhấn mạnh rằng sự phối hợp giữa các nước EU cũng rất cần thiết nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của đại dịch đối với kinh tế, xã hội. Ngoài ra khu vực này, sẽ cần được chuẩn bị sẵn sàng để tiêm chủng khi có vaccine phòng ngừa COVID-19.

An Nhiên
.
.
.