Châu Á-Thái Bình dương sẽ trở thành tâm điểm trong năm 2013?

Thứ Ba, 12/02/2013, 13:54
Nhiều chuyên gia cho rằng, 2013 sẽ là năm của sự đối đầu ở châu Á-Thái Bình dương bởi kể từ 1/1/2013, Trung Quốc bắt đầu thực hiện chính sách khám xét tàu thuyền qua lại trên biển Đông.

2012 là một năm đầy biến động, với những thay đổi vượt tầm khu vực, đồng thời là năm có nhiều thay đổi lãnh đạo trên thế giới - 29 cuộc bầu cử, hơn gấp đôi so với năm 2011. Do đó, 2012 là năm của bầu cử bởi có tới 4/5 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Nga, Mỹ, Pháp, Trung Quốc) có lãnh đạo mới. Nhưng hầu hết các cuộc khủng hoảng trên thế giới vẫn rơi vào bế tắc trong năm 2012.

Nếu 2011 là năm của Trung Đông - Bắc Phi với làn sóng “Mùa xuân Arab”, thì 2012 được coi là năm của châu Á - Thái Bình dương bởi Mỹ đã chính thức (5/1/2012) công bố chiến lược trở lại khu vực này.

Sự thay đổi chiến lược của Nga-Mỹ-Trung

Sau khi trở lại Điện Kremlin (tháng 5/2012), ông Putin đã quyết định thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, cũng như cải thiện quan hệ với Gruzia, đồng thời bày tỏ quan điểm đối với tình hình tại Syria - phủ nhận cáo buộc Moskva là chỗ dựa của Tổng thống Bashar al-Assad, muốn thấy có sự thay đổi ở Syria.

Nhiều chuyên gia quân sự cảnh báo, cuộc khủng hoảng Syria đang khơi mào chiến tranh giáo phái tại Trung Đông bởi làm sâu sắc hơn tình trạng chia rẽ và đối đầu tôn giáo giữa hai dòng Hồi giáo Shiite và Sunni. Cuộc khủng hoảng Syria leo thang trong suốt năm 2012 khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad tiếp tục mạnh tay trấn áp quân nổi dậy và người biểu tình trong nước.

Căng thẳng và mâu thuẫn Nga-Mỹ tiếp tục gia tăng trong năm 2012 sau khi Tổng thống Barack Obama tái đắc cử và thông qua đạo luật Magnitsky. Tổng thống Nga Putin coi đây là động thái sẽ hủy hoại mối quan hệ Moskva-Washington. Trong năm 2012, Nga liên tiếp chỉ trích Mỹ trong việc muốn triển khai NMD tại châu Âu.

Trung Quốc coi Nga là đối tác chiến lược quan trọng và 2 nước có quan điểm tương đồng trong nhiều vấn đề quốc tế, từ cuộc nội chiến ở Syria đến vấn đề hạt nhân Iran hay chương trình tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Việc CHDCND Triều Tiên phóng thành công tên lửa Unha-3 đưa vệ tinh Kwangmyongsong-3 lên quỹ đạo hôm 12/12/2012 chứng tỏ khả năng phóng tên lửa đạn đạo tầm xa cho dù trước đó (tháng 4-2012) Bình Nhưỡng từng thất bại trong lĩnh vực này.

Nhiều người cảnh báo, cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên sẽ tiếp tục tạo ra một số biến đổi tại Đông Bắc Á trong năm 2013.

Mối quan hệ Mỹ - Nhật - Hàn đang có những thay đổi nhất định sau khi cả 3 nước này đều có lãnh đạo mới, nhất là trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ đang leo thang nghiêm trọng ở khu vực Đông Bắc Á.

Mối quan hệ kể trên cũng đang tác động nhất định tới quan hệ Nhật - Trung, Nhật - Hàn bởi Tổng Bí thư Tập Cận Bình yêu cầu quân đội Trung Quốc nâng cao sức chiến đấu, phát triển tên lửa; tân Thủ tướng Shinzo Abe muốn tái bố trí tàu khu trục, tàu tuần tra của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư; còn nữ Tổng thống đầu tiên Hàn Quốc Park Geun-hye khẳng định, sẽ tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ, nâng cấp quan hệ với Trung Quốc và xử lý khéo léo quan hệ với Nhật Bản.

Chuyên gia Kuni Miyake, từng là cố vấn cho ông Shinzo Abe đánh giá, 2012 là năm đầu tiên người dân Nhật Bản cảm thấy mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc lớn hơn bao giờ hết. Chuyên gia Hitoshi Tanaka, Chủ tịch Viện Chiến lược quốc tế Tokyo cảnh báo, nguy cơ đối đầu quân sự là rất lớn nếu cả hai nước không hành xử đúng đắn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, 2013 sẽ là năm của sự đối đầu ở châu Á-Thái Bình dương bởi kể từ 1/1/2013, Trung Quốc bắt đầu thực hiện chính sách khám xét tàu thuyền qua lại trên biển Đông. Những hành động và thái độ gây hấn của Bắc Kinh tại biển Đông và biển Hoa Đông đang tạo ra một liên minh chống Trung Quốc và Mỹ đang tận dụng triệt để cơ hội này nhằm tạo điều kiện tốt cho việc chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á.

Giới phân tích cho rằng, quan hệ Trung - Mỹ trong năm 2013 sẽ có biến động nếu trong nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Barack Obama quyết định bán vũ khí cho Đài Loan, nếu tân Tổng Bí thư Tập Cận Bình ngăn cản nỗ lực của Mỹ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria, và trong vấn đề hạt nhân Iran.

Tiến sỹ Richard Weitz, Chủ nhiệm Trung tâm Phân tích chính trị và quân sự thuộc Viện Nghiên cứu Hudson (Washington) cho rằng, sự toàn cầu hoá làm cho quan hệ Mỹ - Trung đi vào chiều sâu và 2 nước không tồn tại bất đồng về ý thức hệ. Mâu thuẫn Trung - Mỹ có giới hạn và nếu nổ ra chiến tranh thì kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái, không có lợi cho phát triển của mỗi nước.

Giới kinh tế nhận định, sản lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên tăng đột biến tại Mỹ có thể dẫn tới sự thay đổi trong mối quan hệ Trung Đông - Mỹ và nhiều khả năng Mỹ sẽ vượt Arab Saudi trong việc trở thành nước khai thác dầu mỏ lớn nhất thế giới vào năm 2017 và Washington đang cân nhắc có nên mở rộng danh mục các nước nhập khẩu dầu từ Mỹ hay không. Điều này sẽ khiến cho cán cân quyền lực trong lĩnh vực này thay đổi, buộc các quốc gia hữu quan phải tính lại chiến lược của mình trong thời gian tới.

Bất ổn không ngừng gia tăng

Mặc dù cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak bị kết án chung thân vì tội đồng lõa trong vụ giết hại những người biểu tình không có vũ trang trong cuộc biểu tình hồi đầu năm 2012, nhưng Tổng thống Mohamed Morsi lại đang gây ra những bất ổn mới ở Ai Cập sau khi muốn thay đổi hiến pháp. Tuy người dân Ai Cập đã thông qua dự thảo hiến pháp mới sau 2 cuộc trưng cầu dân ý, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc sẽ chấm dứt những bất ổn đang diễn ra tại nước này vì phe đối lập sẽ tiếp tục các cuộc biểu tình đòi hủy bỏ kết quả trưng cầu ý dân.

Giới quan sát cho rằng, tuy lực lượng Hồi giáo đã giành chiến thắng sau “Mùa xuân Arab” tại Ai Cập, Tunisia, Yemen, Libya... nhưng tình hình chính trị tại những quốc gia này vẫn tiếp tục bất ổn. Cái chết của Đại sứ Christopher Stevens và 3 nhân viên ngoại giao Mỹ tại Benghazi, Libya hôm 11/9/2012 là minh chứng rõ nhất của nhận định này.

Giới quân sự cho rằng, việc Hạ viện Mỹ thông qua Dự luật quốc phòng 2013 trị giá 633 tỷ USD với 315 phiếu thuận, 107 phiếu chống, bất chấp tình trạng "vách đá tài chính" (tối 20-12-2012) cho thấy, Washington quyết tâm thực hiện chiến lược đã đề ra, trong đó có việc triển khai một số tàu chiến cùng các loại vũ khí công nghệ cao tới châu Á-Thái Bình dương như máy bay săn tàu ngầm P-8, tên lửa hành trình, tàu chiến lớp Virginia, tàu tác chiến ven biển và máy bay tiêm kích tàng hình đa năng F-35 tới các cảng và căn cứ tại châu Á trong những năm tới.

Việc chính thức cho về hưu hàng không mẫu hạm USS Nimitz sử dụng năng lượng hạt nhân là một trong những bước để Mỹ hiện đại hóa lực lượng tàu sân bay, chuẩn bị hạ thuỷ siêu hàng không mẫu hạm lớp USS Gerald R.Ford, đồng thời thay thế tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Ohio bằng hàng chục chiếc lớp Virginia.

Việc cả Tổng thống và Ngoại trưởng đều đến Myanmar cho thấy, Mỹ thực sự quan tâm tới những thay đổi chính trị tại quốc gia Đông Nam Á này nhằm ngăn cản sự bành trướng của Trung Quốc, cũng như nỗ lực thực hiện chính sách chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á. Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta cho biết, châu Á-Thái Bình dương là khu vực quan trọng hàng đầu để quân đội Mỹ triển khai trong tương lai. Theo đó, Hải quân có kế hoạch đến trước năm 2020 hoàn thành việc điều chỉnh 60% binh lực ở Thái Bình dương và 40% binh lực ở Đại Tây dương.

Mỹ, Israel và các nước phương Tây nghi ngờ Iran đang ngầm sản xuất vũ khí hạt nhân dưới vỏ bọc của chương trình hạt nhân dân sự. Israel nhiều lần tuyên bố sẽ tấn công quân sự, phá hủy các cơ sở hạt nhân của Iran nếu nước này không chịu từ bỏ tham vọng hạt nhân.

Căng thẳng Iran-Israel-Mỹ càng gia tăng sau tuyên bố hôm 17/12/2012 của Chuẩn Đô đốc Iran Ali Fadavi: Tehran sẽ tổ chức một cuộc tập trận tại eo biển Hormuz vào cuối năm theo lịch Iran (kết thúc vào ngày 20-3-2013) sau khi thiết lập một căn cứ hải quân mới tại khu vực này.

Ngày 30/11/2012 đã trở thành sự kiện trọng đại đối với dân tộc Palestine sau khi Liên hợp quốc quyết định công nhận Palestine là "nhà nước quan sát phi thành viên" với 138 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 41 phiếu trắng.

Đúng một năm sau ngày trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt, Tổng thống Barack Obama có chuyến thăm Afghanistan đầy bất ngờ và ký một thỏa thuận với Tổng thống Karzai, cam kết Mỹ sẽ cung cấp viện trợ phát triển Afghanistan trong 10 năm sau khi Mỹ rút quân khỏi nước này vào năm 2013.

Tuyên bố hôm 20/12/2012 của người sáng lập WikiLeaks Julian Assange báo hiệu một căng thẳng mới trong năm 2013 sau khi WikiLeaks cho công bố hơn 1 triệu tài liệu mật và điều này sẽ ảnh hưởng tới nhiều quốc gia trên thế giới.

Mặc dù có nhiều cuộc bầu cử diễn ra trong năm 2012, nhưng đều theo dự kiến và vấn đề kinh tế đã tác động khá lớn tới cử tri. Tuy đối ngoại không được coi trọng bằng đối nội, nhưng các nhà lãnh đạo mới đều đưa ra tuyên bố “muốn duy trì hoà bình”, cũng như khéo léo đẩy “vấn đề đối nội” ra ngoài nhằm thu hút của cử tri vào “vấn đề đối ngoại”.

Giới kinh tế khuyến cáo, cuộc khủng hoảng đồng Euro sẽ tiếp tục đứng trước những thách thức mới bởi các biến động chính trị và tài chính tại một số quốc gia thành viên như Italia, Tây Ban Nha, Hy Lạp…

Lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã hạ quyết tâm giải quyết tình trạng căng thẳng trên thị trường tài chính, khôi phục lòng tin, khuyến khích tăng trưởng cũng như việc làm và cố gắng thu hẹp cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay.

Quốc Trung - Trường Giang (Báo CAND Tết 2013)
.
.
.