Điểm lại những sự kiện thế giới nổi bật trong năm 2014

Thứ Tư, 31/12/2014, 20:09
Năm 2014 đã trôi qua với nhiều biến động, để lại sau lưng nhiều gam màu xám. Dưới đây xin được điểm lại một số sự kiện thể giới nổi bật trong năm qua do Báo CAND online bình chọn.

Khủng hoảng chính trị

Cuộc khủng hoảng Ukraine, bắt nguồn từ những mâu thuẫn phe phái và sự lựa chọn con đường phát triển đất nước, đã dẫn tới cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovich hồi tháng 2 và chính sách thân phương Tây mới đã gây bất bình cho những người thân Nga ở Ukraine. Người dân ở bán đảo Crimea chính thức tổ chức trưng cầu dân ý vào tháng 3, quyết định tách khỏi Ukraine và sáp nhập vào Liên bang Nga, gây ra một làn sóng đòi ly khai ở các phần lãnh thổ miền Đông Ukraine, kéo theo xung đột kéo dài cướp đi sinh mạng của ít nhất 4.300 người và khiến gần 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Biểu tình bạo lực tại Ukraine.

Ngoài Ukraine, cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài suốt 6 tháng ở Thái Lan chỉ tạm thời chấm dứt bằng cuộc đảo chính quân sự không đổ máu ngày 22/5, lật đổ chính quyền của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Người kết thúc triều đại của gia đình Shinawatra là Tổng tư lệnh Lục quân Quân đội Hoàng gia Thái Lan - tướng Prayuth Chan-ocha. Vị tướng này sau đó trở thành Thủ tướng đất nước Chùa Vàng. Dù tình hình tạm lắng, song những chia rẽ trong lòng xã hội Thái Lan, mâu thuẫn giữa phe áo vàng và áo đỏ có thể bùng phát trở lại.

Biểu tình chính trị tại Thái Lan.

Những thay đổi về địa chính trị

Cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã đẩy mối quan hệ giữa Nga và phương Tây tới mức tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Mỹ và các nước phương Tây cáo buộc Nga can thiệp vào Ukraine, đồng thời áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào các lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt, tài chính và quốc phòng của Nga, cấm thị thực đối với một số quan chức Nga và Ukraine. Nền kinh tế Nga đang phải hứng chịu nhiều tác động nặng nề do các lệnh trừng phạt. Đáp lại, Moscow cũng ra lệnh cấm nhập khẩu nông sản, thịt, các sản phẩm từ sữa từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Động thái đáp trả của Nga tác động xấu tới ngành nông nghiệp của nhiều quốc gia thành viên EU.

Ngoài ra, hồi tháng 9, hơn 4 triệu cử tri Scotland đã tiến hành bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập, tuy nhiên kết quả đã không được như mong đợi do chỉ có 45% người dân ủng hộ độc lập. Sau đó chỉ 2 tháng, xứ Catalonia ở Tây Ban Nha cũng tiến hành một cuộc thăm dò với kết quả ủng hộ độc lập lên tới 80%. Tuy nhiên, cuộc thăm dò này bị phán quyết là vi hiến. 2 cuộc trưng cầu dân ý này đã tạo thành một xu hướng, đe dọa trực tiếp tới an ninh và thịnh vượng chung của châu Âu.

Trưng cầu dân ý đòi độc lập ở Scotland.
Trưng cầu dân ý ở Catalonia.
Cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ diễn ra hồi tháng 11 với chiến thắng áp đảo giành cho đảng Cộng hòa được nhận xét là không chỉ làm thay đổi cán cân quyền lực ở Washington, mà còn tác động mạnh tới chính trường Mỹ trong những năm tới. Ông Obama được dự đoán là sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trên con đường chính trị trong hai năm cuối nhiệm kỳ II của mình khi phải đối mặt với Quốc hội Mỹ thuộc quyền kiểm soát của đảng Cộng hòa và sẽ rất chật vật nếu muốn đưa ra bất cứ quyết sách hay bổ nhiệm nhân sự.
Đảng Cộng hòa dành quyền kiểm soát lưỡng viện.

Ngày 17/12 đã trở thành dấu mốc lịch sử trong quan hệ giữa Mỹ và Cuba  Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro đồng thời công bố quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước sau hơn nửa thế kỷ bị gián đoạn. Những bước đi tiếp theo là Mỹ đang xem xét mở Đại sứ quán ở La Habana, hủy bỏ quy chế “quốc gia bảo trợ khủng bố” mà Mỹ gán cho Cuba, nới lỏng lệnh cấm đi lại, các hạn chế tài chính, mở đường cho doanh nghiệp Mỹ làm ăn tại Cuba.

Trang sử mới trong quan hệ Cuba - Mỹ.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố

Năm 2014, an ninh toàn cầu lại bị đe dọa nghiêm trọng khi xuất hiện một lực lượng khủng bố mới, tàn khốc và man rợ hơn Al Qaeda, đó là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Không chỉ mạnh về tài chính, IS còn không ngừng gia tăng những hành động khủng bố man rợ, như giết người hàng loạt và hành quyết con tin, gia tăng lực lượng, đánh chiếm mở rộng phạm vi hoạt động trải dài từ Iraq sang Syria, đẩy Trung Đông vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng. Trước bối cảnh trên, một liên minh quốc tế, với sự tham gia của khoảng 60 nước do Mỹ đứng đầu, đã được thành lập để chống lại IS. Trong khi đó, các mạng lưới khủng bố như Al Qaeda, Taliban, Boko Haram cũng gia tăng hoạt động mạnh mẽ với hàng loạt vụ tấn công, bắt giữ con tin và thảm sát dã man.

Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Làn sóng phản đối phân biệt chủng tộc

Sự kiện sĩ quan cảnh sát da trắng Darren Wilson bắn chết thanh niên da màu Michael Brown, 18 tuổi, tại thị trấn Ferguson, bang Missouri đã châm ngòi cho làn sóng bạo động bùng phát khiến chính quyền phải can thiệp. Sự phẫn uất của cộng đồng người da màu tại Mỹ lên tới đỉnh điểm khi bồi thầm đoàn hôm 24/1 tuyên miễn tố đối với Wilson 11, cộng hưởng với việc một bồi thẩm đoàn ở thành phố New York ngày 4/12 ra phán quyết tha bổng cảnh sát da trắng Daniel Pantaleo gây ra cái chết của người đàn ông da màu Eric Garner, đã thổi bùng làn sóng biểu tình tại hàng loạt thành phố của Mỹ. Cơn sang chấn phân biệt chủng tộc tiếp tục rúng động nước Mỹ khi hai cảnh sát New York bị một tay súng da đen bắn chết ngay trong xe tuần tra giữa ngày 21/12...

Hàng loạt các cuộc biểu tình đã nổ ra trên khắp nước Mỹ nhằm phản đối các vụ cảnh sát bắn chết người da đen.

Năm đen đủi của ngành hàng không và hàng hải

Năm 2014 được coi là một năm thảm họa đối với ngành hàng không châu Á. Malaysia bắt đầu năm thảm họa này từ ngày 8/3 khi máy bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không quốc gia (Malaysia Airlines - MAS) chở 239 hành khách và phi hành đoàn mất tích bí ẩn ngày 8-3 trên hành trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh. Tiếp đó, ngày 17/7, máy bay mang số hiệu MH17 cũng của MAS bị bắn hạ ở khu vực miền Đông Ukraine, khiến toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Gần đây nhất là ngày 28-12, máy bay mang số hiệu QZ 8501 của hãng hàng không AirAsia chở 162 người bị mất tích khi đang trên hành trình từ Indonesia tới Singapore. Cũng tại khu vực châu Á, ngày 23/7, máy bay mang số hiệu GE222 của hãng hàng không Đài Loan TransAsia Airways bị rơi ở Bành Hồ, Đài Loan (Trung Quốc), làm 48 người thiệt mạng. Một ngày sau, máy bay mang số hiệu AH5017 của hãng hàng không Air Algeria bị rơi ở miền Bắc Mali do tránh bão, làm 118 người thiệt mạng.

Người dân cầu nguyện cho các nạn nhân trong vụ MH370.
Hiện trường vụ rơi máy bay MH17 tại Ukraine.
Nỗi đau tột cùng của gia đình hành khách máy bay QZ8501 khi thấy thi thể người thân trên biển.
Bên cạnh hàng không, ngành hàng hải cũng phải hứng chịu một năm đầy đen đủ, bắt đầu từ ngày 16-4, khi chiếc phà SEWOL chìm, đã cướp đi sinh mạng của khoảng 300 hành khách và là vụ tai nạn hàng hải nghiêm trọng nhất trong lịch sử Hàn Quốc. Gần đây nhất là ngày 28/12, chiếc phà Norman Atlantic của Italia hở 478 người, gồm 422 hành khách và 56 thủy thủ, đã đột nhiên bốc cháy ở vị trí cách đảo Corfu của Hy Lạp 80 km về phía tây bắc, khi đang trên hành trình từ Patras ở miền Tây nước này tới thành phố Ancora ở miền Đông Italia.
Chiếc phà chở 478 hành khách và thủy thủ đoàn phát hỏa trên biển Adriatic.
Chiếc phà Sewol bị lật ngoại khơi phía Nam vùng biển Hàn Quốc.

Gia tăng căng thẳng tại Biển Đông và Biển Hoa Đông

Trong thông báo hàng hải ngày 3/5/2014, Cục Hải sự Trung Quốc cho biết giàn khoan Hải Dương-981 sẽ khoan và tác nghiệp tại vị trí có tọa độ 15o29’58” vĩ Bắc -111o12’06” kinh Đông từ ngày 2/5 đến 15/8/2014. Vị trí này nằm sâu trong thềm lục địa và Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Liên tiếp những ngày sau đó, truyền thông thế giới dồn về điểm nóng trên Biển Đông. Trong lúc đó, liên tục các quan chức quốc tế lên tiếng phản đối, lên án hành động của Trung Quốc. Thêm vào đó, việc Trung Quốc ngang nhiên ban hành tấm bản đồ dọc nuốt gần trọn biển Đông, tiến hành các hoạt động cải tạo đất, xây đảo nhân tạo, sân bay, căn cứ quân sự ở biển Đông và từ chối tham gia vụ kiện của Philippines khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại.

Giàn khoan Hải Dương 981 được Trung Quốc hạ đặt trái phép sâu trong thềm lục địa và Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trong khi đó, tranh chấp chủ quyền tại vùng biển Hoa Đông giữa Trung Quốc với Nhật Bản có xu thế ngày càng quyết liệt hơn khi Trung Quốc thường xuyên điều tàu và máy bay đến khu vực này. Mặc dù tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở Bắc Kinh, ãnh đạo Trung-Nhật đã nhất trí hạ nhiệt, nhưng tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vẫn luôn căng thẳng. Các nước ASEAN đã ra Tuyên bố riêng về tình hình Biển Đông; Hạ viện Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử thông qua một nghị quyết liên quan tới vấn đề Biển Đông và Hoa Đông.      

Dịch bệnh hoành hành

Khởi phát từ một số nước Tây Phi, virus Ebola hết sức nguy hiểm đã bùng phát chưa từng có trong lịch sử hiện đại và lan nhanh sang nhiều quốc gia khác. Theo số liệu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố, số người nhiễm Ebola hiện vượt quá con số 18.000, trong số đó, và tính tới nay, hơn 7.800 người đã tử vong. Dịch cũng gây thiệt hại lớn về kinh tế, không chỉ ở khu vực Tây Phi mà còn tác động kinh tế toàn cầu, nếu thế giới không có biện pháp khống chế, dập dịch hiệu quả. Ngày 8/8, WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với căn bệnh nguy hiểm này. Bên cạnh việc thử nghiệm vaccine và thuốc chữa, cộng đồng quốc tế đã phải tập trung các nguồn lực để có thể đẩy lùi dịch bệnh.

Dịch bệnh Ebola đã cướp đi sinh mạng của hơn 7.800 người.
Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.