Hội thảo Biển Đông ở Nhật Bản:

Nếu không ngăn chặn, Bắc Kinh sẽ tiếp tục xây dựng đảo nhân tạo

Thứ Sáu, 24/07/2015, 15:11
Hôm 23/7, hàng trăm học giả hàng đầu thế giới đến từ các trường Đại học lớn của Nhật Bản, Mỹ, Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Trung Quốc… đã tham dự hội thảo về Biển Đông mang tên “Thúc đẩy hợp tác quốc tế vì hòa bình, ổn định ở khu vực biển châu Á” tổ chức tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ một số hình ảnh và hoạt động xây dựng, cải tạo, san lấp, bồi đắp các đảo nhân tạo của Trung Quốc tại khu vực biển Đông.  Các đại biểu chỉ ra rằng hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc sẽ trực tiếp nguy hại cho hệ sinh thái và môi trường tại Biển Đông; khẳng định yêu sách “đường lưỡi bò” chính là nguyên nhân gây ra tình hình bất ổn ở Biển Đông trong suốt thời gian qua; đồng thời nhấn mạnh việc Trung Quốc xây dựng đường băng trên các đảo nhân tạo có thể đặt Mỹ vào tình trạng nguy hiểm trong thời bình.

Bản đồ thể hiện vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, nơi được đánh giá là giàu tiềm năng về dự trữ dầu mỏ. Ảnh: ABC.NET.

Vì vậy, vấn đề xây dựng lòng tin lẫn nhau giữa các nước trong khu vực được các học giả đánh giá có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng mạnh mẽ đối với tiến trình hòa bình và ổn định ở khu vực; đồng thời vấn đề các bên tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) được các đại biểu xem là điều kiện tiên quyết trong giải quyết tranh chấp tại Biển Đông.

Đặc biệt, Cựu Phó Đô đốc, Tư lệnh hạm đội lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản Koda Yoji, diễn giả chính của hội thảo đã phân tích nguyên nhân, ý đồ và quá trình xây dựng đảo quy mô lớn tại Biển Đông của Trung Quốc. heo ông Koda Yoji, không dừng lại ở việc triển khai sức mạnh quân sự ở khu vực Bắc và trung Biển Đông với căn cứ quân sự ở Tam Á và đảo Phú Lâm (thuộc chủ quyền của Việt Nam), Trung Quốc nhiều khả năng sẽ biến đá Chữ Thập thành một cơ sở chủ chốt tại khu vực Nam Biển Đông, có khả năng tiếp nhận các máy bay và tàu biển cỡ lớn. Nếu ý đồ này thành hiện thực, Bắc Kinh sẽ biến khả năng kiểm soát thực tế từ “điểm” sang “tuyến”, kéo dài 900km từ đảo Phú Lâm tới quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), giành ưu thế rõ nét trong cán cân quân sự tại khu vực. 

Về yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc, cựu quan chức hàng đầu của hải quân Nhật Bản cho rằng đây là chủ trương "không đếm xỉa" tới luật pháp quốc tế và sẽ làm đảo lộn trật tự hàng hải quốc tế. Vì thế, nếu cộng đồng quốc tế quan tâm chú ý tới vấn đề Biển Đông và lên tiếng mạnh mẽ những sai phạm có thể sẽ khiến Trung Quốc dừng bước; ngược lại, Bắc Kinh sẽ tiếp tục hành động xây dựng các công trình trên đảo nhân tạo.

S.Thương
.
.
.