Hơn 60% người dân Mỹ ủng hộ bà Hillary Clinton
Trong khi đó, theo tờ Christian Science Monitor, trong 10 người Mỹ thì có đến 6 người yêu mến bà Clinton. Còn Viện Gallup thì kết luận, người Mỹ cảm thấy không có vấn đề gì với ý tưởng một người phụ nữ làm Tổng thống. Thậm chí, có đến 60% người Mỹ sẵn sàng chào đón nữ chủ nhân mới của tòa Bạch ốc.
Đây là lần thứ hai bà Hillary Clinton chạy đua vào Nhà Trắng với tham vọng trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Mỹ. Hồi năm 2008, bà H. Clinton từng tham gia chạy đua để trở thành ứng cử viên của đảng Dân chủ nhưng thất bại trước đương kim Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, lần này, bà được xem là ứng viên sáng giá nhất của đảng Dân chủ.
Trong thông báo qua một đoạn video đăng tải trên website vận động tranh cử cá nhân hillaryclinton.com., bà H. Clinton nhấn mạnh vấn đề bất bình đẳng kinh tế ở Mỹ, đồng thời khẳng định, bà muốn là người đấu tranh cho người dân Mỹ.
Bà nói: “Tôi đang chạy đua vào ghế Tổng thống. Mỗi ngày, người Mỹ đều cần một nhà quán quân, và tôi muốn trở thành nhà quán quân đó. Vì vậy, tôi lên đường tìm kiếm lá phiếu bầu của bạn. Tôi hi vọng bạn sẽ cùng tôi tham gia hành trình này”.
Cựu Đệ nhất phu nhân, cựu Ngoại trưởng Mỹ, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Hillary Clinton. (Ảnh: AP) |
Quyết định lần này của bà H. Clinton đã nhận được nhiều sự ủng hộ, không những từ phía người dân Mỹ, mà còn từ các chính khách trong nước và quốc tế. Kết quả thăm dò mới nhất của NBC/WSJ cho thấy, vị cựu Ngoại trưởng Mỹ nhận được sự ủng hộ của 44% cử tri Mỹ, trong khi tỷ lệ phản đối là 36%.
Trong khi đó, là chính khách đầu tiên lên tiếng về thông báo tranh cử của bà H. Clinton, tối 12/4, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã lên tiếng hoan nghênh quyết định chạy đua giành chiếc ghế lãnh đạo Nhà Trắng của bà trong năm bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.
Theo ông Steinmeier, trong thời gian đảm nhiệm vị trí Ngoại trưởng Mỹ, bà H. Clinton đã chứng tỏ mình không chỉ là một đối tác tin cậy của châu Âu, một người bạn của nước Đức, mà còn là một người có năng lực giải quyết các cuộc khủng hoảng trên toàn cầu, từ Afghanistan tới Trung Đông.
Ông Steinmeier ca ngợi bà H. Clinton là người hiểu rõ cách tư duy của người châu Âu và khẳng định, trong những thời điểm khó khăn, điều quan trọng nhất đối với châu Âu là có một đối tác hàng đầu tại Mỹ không chạy theo những lý tưởng viển vông”: “Bà Clinton là một phụ nữ rất am hiểu về chính trị, đặc biệt là về ngoại giao, điều hiếm có người nào làm được”.
Ông Steinmeier cho biết, ông biết bà H. Clinton khi ông là Ngoại trưởng Đức trong nhiệm kỳ đầu của mình và luôn coi bà “như một đối tác đầy trí tuệ để có thể trao đổi nhiều vấn đề và một nhà chính trị gia luôn biết lắng nghe”.
Trước đó, một ngày trước khi bà H. Clinton được cho là sẽ chính thức công khai tranh cử, đang dự hội nghị OAS tại Panama, Tổng thống Obama đã lên tiếng ủng hộ bà: “Bà H. Clinton là một ứng viên đáng gờm trong năm 2008. Bà cũng là người rất ủng hộ tôi trong cuộc tổng tuyển cử”, “Bà Hillary là một Ngoại trưởng kiệt xuất. Bà ý là bạn của tôi. Tôi nghĩ rằng bà sẽ là một tổng thống tuyệt vời. Khi bà ý quyết định công bố, tôi tin rằng bà ý đã có một tầm nhìn rõ ràng để đưa đất nước tiến về phía trước”.
Với quyết định trên, bà Clinton đã trở thành ứng cử viên đầu tiên của đảng Dân chủ tuyên bố tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016. Nếu được chọn làm ứng cử viên của đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ đại diện cho một chính đảng lớn ra tranh cử tổng thống. Tuy nhiên, cuộc chơi của cựu đệ nhất phu nhân Mỹ còn gặp nhiều cản trở và thách thức khi phía Cộng hòa không ngừng nỗ lực ngăn chặn chiến dịch tranh cử 2016 của bà với mục tiêu để “người Mỹ không phải nhìn thấy một Clinton khác ở Nhà Trắng”.
Cho rằng bà H. Clinton là người “có những chính sách “trên trời” và luôn tin rằng mình có thể sống trên pháp luật”, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Rand Paul nhấn mạnh: “Bà Hillary Clinton là đại diện tồi tệ nhất của bộ máy chính quyền Washington. Một bộ máy ngạo mạn, tham nhũng, bao che cho nhau, và không đủ năng lực lãnh đạo đất nước. Bộ máy này đang phá hủy Giấc mơ Mỹ”.
Ông Paul còn chỉ trích bà H. Clinton về cách xử lý vụ tòa nhà ngoại giao Mỹ tại Benghazi, Libya bị tấn công tháng 9/2012, khiến Đại sứ Mỹ cùng một số người khác thiệt mạng: “Đừng để nước Mỹ lặp lại sai lầm này một lần nữa. Chúng ta đã chứng kiến vụ tấn công tại Benghazi và chúng ta biết bà Clinton đã làm như thế nào”.
Trước đó, phát biểu trong cuộc phỏng vấn với Đài NBC, ông Paul đã công kích và Clinton vì nhận số tiền ủng hộ Quỹ Clinton lên tới hơn 10 triệu USD từ rất nhiều quốc gia được cho là vi phạm nhân quyền.
Trong khi đó, ông Jeb Bush, cựu Thống đốc bang Florida và là em trai của cựu Tổng thống George W. Bush, người cũng đang cân nhắc việc chạy đua vào vị trí ứng viên đại diện cho đảng Cộng hòa, lại có cái nhìn “nhẹ nhàng” hơn đối với bà h. Clinton. Ông Bush tuyên bố: “Chúng ta cần phải làm tốt hơn những gì mà chính sách ngoại giao Obama - Clinton đã làm bởi họ đã hủy hoại mối quan hệ tốt đẹp với các đồng minh của Mỹ trong khi lại khiến kẻ thù của chúng ta lại trở nên cứng rắn hơn”.
Thông qua mạng xã hội Twitter ông viết thêm rằng: “Chính sách ngoại giao thất bại của họ làm tăng khoản nợ quốc gia, cản trở sự phát triển kinh tế trong nước. Tôi tin rằng, những ý tưởng bảo thủ của đảng Cộng hòa mới giúp hồi sinh nước Mỹ, thúc đẩy nền kinh tế của chúng ta, giúp nước Mỹ trở lên mạnh mẽ hơn. Chúng ta có thể làm tốt hơn và khi đồng lòng, chúng ta sẽ làm được điều này”.
Đôi nét về vị cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Bà Hillary Clinton, tên thời con gái là Hillary Diane Rodham, sinh ngày 26/10/1947 tại thành phố Chicago, bang Illinois. Bà tốt nghiệp trường Đại học Wellesley và trường Luật Yale, nơi bà gặp ông Bill Clinton. Sau khi kết hôn năm 1975, vợ chồng bà sống ở Arkansas – nơi Hillary Rodham làm luật sư còn Bill Clinton sau trở thành thống đốc. Khi ông Bill Clinton đắc cử Tổng thống năm 1992, Hillary Clinton trở thành đệ nhất phu nhân đầu tiên của Mỹ có một sự nghiệp hoàn toàn độc lập. Bà từng nỗ lực cải tổ hệ thống chăm sóc y tế Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của phu quân nhưng kế hoạch này chưa bao giờ được đưa biểu quyết tại Quốc hội. Tuy nhiên, điều này đã giúp bà tạo dựng được một mạng lưới những người trung thành về mặt chính trị. Trong khoảng thời gian 1997 – 1998, khi mối quan hệ tình cảm giữa ông Clinton với một thực tập sinh ở Nhà Trắng, bà Monica Lewinsky bị phơi bày công khai, bà H. Cliton đã công khai ủng hộ chồng. Năm 2000, năm cuối nhiệm kỳ tổng thống của chồng bà, Hillary tham gia cuộc tranh cử vào thượng viện tại New York. Một năm sau, bà đã bỏ phiếu ủng hộ cuộc chiến Iraq nhưng sau đó giữ thái độ tránh xa cuộc chiến. Năm 2008, bà quyết định chạy đua vào chức ứng viên đại diện cho Đảng Dân chủ tranh cử tổng thống nhưng thất bại trước gương mặt mới Barack Obama. Sau khi đắc cử Tổng thống, ông Obama đã quyết định chọn bà làm Ngoại trưởng Mỹ, nhiệm kỳ 2009 – 2013. Bà từng bị kéo vào vòng tranh cãi quanh vụ Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Benghazi, Libya bị tấn công hồi 2012 và cũng từng bị Bộ Ngoại giao Mỹ điều tra về việc sử dụng email cá nhân cho việc công. |