Cảnh báo việc IS phá hủy nhiều công trình lịch sử

Thứ Ba, 01/09/2015, 08:29
Chỉ trong vòng một tuần, nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã phá hủy hai di sản kiến trúc, văn hóa mang tính lịch sử ở thành phố cổ Palmyra, miền Trung Syria.

Cụ thể, ngày 30/8, IS đã phá hủy ngôi đền La Mã Bel nổi tiếng. Trước đó, hôm 23/8, nhóm cực đoan này cũng cho nổ tung đền Baal Shamin, một ngôi đền cổ được xây dựng từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) cho rằng hành động phá hoại này của IS là một tội ác chiến tranh.

Tội ác chiến tranh        

Đền Bel được xây dựng vào năm 32 sau Công nguyên, 600 năm trước khi Hồi giáo thâm nhập vào Syria. Đây là nơi người dân Palmyra thờ vị thần Semitic Bel cùng với thần mặt trăng Aglibol và thần mặt trời Yarhibol, tạo nên trung tâm của cuộc sống tôn giáo ở Palmyra. 

Trong khi đó, đền Baal Shamin 2.000 năm tuổi, một trong những địa điểm du lịch quan trọng ở Trung Đông, được UNESCO coi là biểu tượng cho sự đa dạng văn hóa lịch sử của Syria. Bên cạnh đó, IS đã công khai chặt đầu cựu Giám đốc cổ vật của Palmyra, ông Khaled Asaad - người dành 50 năm cuộc đời để bảo tồn lịch sử mong manh của địa điểm được UNESCO công nhận là di sản thế giới này (Palmyra).

Kể từ khi kiểm soát Palmyra hôm 20/5, IS đã chiếm các ngôi đền cổ và khu vực xung quanh, sử dụng các địa điểm này làm căn cứ quân sự. Thủ lĩnh nhóm phiến quân IS ở Palmyra, Abu Leith từng nói trên đài phát thanh địa phương rằng sẽ không phá hoại các công trình lịch sử, nhưng lực lượng này đã làm ngược lại. Các phần tử chủ chiến của IS nói rằng, những hiện vật và tượng cổ là báng bổ. Giám đốc UNESCO Irina Bokova nhấn mạnh “hành động trên được coi là tội ác chiến tranh và IS phải chịu trách nhiệm cho hành động của họ”.

Nhằm đối phó với hành động phá hoại của IS, các nhà khảo cổ thuộc trường Đại học Oxford và Havard hiện đang xúc tiến dự án, nằm trong kế hoạch của Viện Khảo cổ Kỹ thuật số, trao 5.000 camera cho người dân ở các vùng xung đột khắp thế giới và đặt mục tiêu đến cuối năm 2016 có thể chụp được 1 triệu hình ảnh các di sản đang gặp rủi ro. 

Đền La Mã Bel trước khi bị phá hủy.

Với kế hoạch đó, hàng ngàn cư dân cũng được đề nghị tham gia chụp ảnh. Sau đó, các chuyên gia sẽ sử dụng máy in 3D để tạo các bản sao của những tòa nhà và di sản bị hư hại. Giám đốc điều hành Viện Khảo cổ Kỹ thuật số Roger Michel cho biết, đây là một cuộc đua với thời gian, đồng thời kêu gọi “thay đổi kế hoạch làm việc để nhận biết được những nơi đang bị phá hủy”. 

Ông Michel nói thêm: “Khảo cổ kỹ thuật số, theo quan điểm của tôi, là hy vọng lớn nhất để giúp chúng ta có thể bảo tồn được kiến trúc, lịch sử nghệ thuật của những di chỉ này”. Được biết, nhiều quan chức sẽ làm việc với UNESCO nhằm trao camera cho nhiều người dân địa phương, những người nhiệt tình tham gia dự án. “Khắp Trung Đông, người dân đều thể hiện tinh thần bảo vệ lịch sử của mình một cách mạnh mẽ, vì vậy họ sẵn sàng hỗ trợ dự án” - Michel cho biết.

Bên cạnh việc phá hủy những di tích lịch sử, theo số liệu của tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), IS đã hành quyết 91 người tại các khu vực của Syria do nhóm này kiểm soát trong giai đoạn từ 29/7 đến 29/8, nâng tổng số nạn nhân thiệt mạng ở quốc gia Trung Đông này lên 3.156, trong đó có 1.841 thường dân, kể từ khi nhóm tuyên bố thành lập “vương quốc” hồi tháng 6/2014.

Những nỗ lực của cộng đồng quốc tế

Khẳng định không có nước nào có thể “miễn nhiễm” trước nguy cơ khủng bố, nhất là với sự nổi lên của IS, Ấn Độ đã đề nghị Liên Hợp Quốc (LHQ) phải sớm hoàn tất một công ước toàn diện về chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế (CCTT), do New Delhi đề xuất năm 1996, theo đó cấm hoạt động khủng bố và buộc các nước không được cung cấp tài chính và nơi ẩn náu cho chúng. 

Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj nêu rõ cần phải có nỗ lực phối hợp để chống khủng bố, đồng thời hy vọng thế giới sẽ đạt được bước tiến cụ thể trong việc hoàn tất công ước trong nhiệm kỳ Chủ tịch của ông Lykketoft, bắt đầu từ ngày 15/9. Australia hối thúc thêm nhiều nước châu Âu tham gia chiến dịch không kích chống IS tại Syria và Iraq, coi đây là biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng di cư ngày càng nghiêm trọng đang diễn ra ở châu Âu. 

Phát biểu từ Sydney, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cho biết, hơn 40% số người đang tìm nơi tị nạn ở châu Âu đến từ Syria, do đó cần có một mặt trận thống nhất để đánh bại các tổ chức khủng bố vốn đẩy nhiều người rơi vào cảnh vô gia cư. Ngoại trưởng Australia nhấn mạnh, đến nay đã có khoảng 60 nước ủng hộ cho liên quân do Mỹ đứng đầu, nhưng thêm nhiều nước hỗ trợ cho các cuộc không kích sẽ đem lại hiệu quả trong việc ngăn chặn bước tiến của IS.

Trong khi đó, đêm 29/8, máy bay Thổ Nhĩ Kỳ đã lần đầu tiên tham gia vào liên quân quốc tế không kích các mục tiêu IS tại Syria. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter xác nhận rằng, các chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia hoàn toàn vào chiến dịch của liên quân do Mỹ đứng đầu. 

Các cuộc không kích chung này được thực hiện theo thỏa thuận giữa Ankara và Washington mới đạt được cách đây một tuần sau nhiều tháng đối thoại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dường như cuộc chiến chống IS không phải là mục tiêu duy nhất của liên minh này mà mỗi bên lại có những ý định riêng. Một bên đang có ý muốn hỗ trợ cho phe đối lập Syria chống lại chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, bên kia lại muốn tiêu diệt lực lượng người Kurd ở Syria. 

Về lâu dài, cái giá của thỏa thuận này dường như quá cao đối với sự thành công của cuộc chiến chống IS cũng như đối với sự ổn định của Thổ Nhĩ Kỳ. Sở dĩ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đột ngột thay đổi thái độ là vì những suy tính chính trị nội bộ hơn là việc xem xét lại chiến lược cơ bản đối với Syria. 

Theo đó, nếu Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lợi dụng “danh nghĩa” chống khủng bố để tấn công người Kurd thì sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc đẩy lùi IS. Bên cạnh đó, điều này có thể khai mào một cuộc chiến. Rõ ràng, việc miễn cưỡng tham gia cuộc chiến chống IS cho thấy Tổng thống Erdogan đã tìm cách đặt tham vọng cá nhân lên trên lợi ích của đất nước và của các nước đồng minh.

Khổng Hà
.
.
.