Cảnh báo nguy cơ bất ổn mới của thị trường tài chính toàn cầu

Thứ Năm, 11/10/2012, 09:52
Hơn 20.000 đại biểu đến từ các quốc gia thành viên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) đã tụ hội về Thủ đô Tokyo của Nhật Bản để tham dự hội nghị thường niên IMF và WB khai mạc từ hôm 9/10.

Ngoài việc bàn thảo về cách thức đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công đang leo thang ở châu Âu và tác động xấu tới tốc độ phát triển của nhiều khu vực khác trong đó có châu Á-Thái Bình Dương, hội nghị cũng là nơi để các tổ chức quốc tế bày tỏ lo ngại cũng như đưa ra những cảnh báo mới về nguy cơ bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu.

Những mối lo về nguy cơ bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu đã được các chuyên gia của IMF cụ thể bằng báo cáo mang tên “Sự ổn định của nền tài chính toàn cầu” công bố sáng 10/10. Theo đó, lòng tin của các nhà đầu tư liên tục giảm sút khi nguy cơ bất ổn thị trường tài chính ngày càng gia tăng từ châu Âu đến châu Á.

Báo cáo của IMF được đưa ra trong hai ngày liền là hồi chuông cảnh báo về khả năng xảy ra nguy cơ bất ổn mới cho kinh tế-tài chính thế giới. 

Giám đốc kiêm Cố vấn tài chính của IMF Jose Vinals cho rằng, cần có những chính sách kịp thời và chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo ổn định tài chính toàn cầu. Dẫn chứng về những sự kiện đã xảy ra ở thị trường tài chính Mỹ, Nhật Bản và châu Âu, IMF cho rằng, các quốc gia đang phát triển ở những châu lục khác phải có những bước đi cụ thể để bảo vệ nền tài chính của mình nếu không sẽ bị rơi vào vòng xoáy của cơn lốc suy thoái.

Đây cũng là cách tốt nhất để những quốc gia này giành được niềm tin từ các nhà đầu tư trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang tụt dốc.  Theo hãng AP, báo cáo này của IMF được đưa ra chỉ một ngày sau khi tổ chức này cho công bố báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới” với nhận định khá ảm đạm. Báo cáo đã chỉ rõ những chính sách đối phó không hiệu quả của các nước phát triển, đồng thời kêu gọi Mỹ và châu Âu đẩy mạnh nỗ lực đối phó với các thách thức.

Dự trù của IMF là tăng trưởng kinh tế thế giới giảm từ 3,5% xuống 3,3% trong năm 2012 và từ 3,9% xuống 3,6% năm 2013. Trong khi đó, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của châu Á sẽ chỉ ở mức 6,7% trong năm 2012 và tăng lên mức 7,2% trong năm 2013, thấp hơn nhiều so với dự báo công bố hồi tháng 7. Nguyên do được đưa ra là vì suy thoái kinh tế ở châu Âu và tăng trưởng ảm đạm ở Mỹ khiến sức tiêu dùng giảm.

Nhu cầu bên ngoài giảm làm hạ thấp tăng trưởng của một số nền kinh tế đang phát triển lớn ở châu Á, đặc biệt là những quốc gia xuất khẩu lớn sang châu Âu và Mỹ. Chưa hết, định chế tài chính quốc tế này đồng thời cảnh báo, nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế của Trung Quốc chưa mang lại kết quả như mong muốn. Trung Quốc, đầu tàu của khu vực châu Á, sẽ chỉ tăng trưởng 7,8% trong năm nay, và 8,2% năm 2013.

Hai báo cáo được IMF đưa ra trong hai ngày liên tiếp của hội nghị thường niên IMF và WB đã phản ánh phần nào thực trạng nền kinh tế hiện nay của thế giới. Hôm 8/10, các chuyên gia của WB cũng nhận định rằng, tăng trưởng kinh tế ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (khu vực được cho là năng động nhất hiện nay) có thể giảm một điểm phần trăm, từ 8,2% năm 2011 xuống 7,2% trong năm nay, trước khi phục hồi lên mức 7,6% năm 2013.

Tăng trưởng ở những nước phát triển sẽ vẫn ở mức khiêm tốn, và sự phục hồi của khu vực được thúc đẩy chủ yếu nhờ nhu cầu nội địa mạnh mẽ ở các nước đang phát triển. Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương còn phân tích rằng, xuất khẩu yếu kém và tăng trưởng đầu tư thấp sẽ làm suy giảm tăng trưởng GDP của Trung Quốc từ 9,3% trong năm 2011 xuống 7,7% năm nay. Tuy nhiên, đến năm 2013, tăng trưởng của Trung Quốc được dự đoán sẽ phục hồi trở lại lên mức 8,1% nhờ đóng góp của các biện pháp kích cầu, được hỗ trợ thêm do sự gia tăng thương mại toàn cầu...

Một điểm đáng chú ý là tại hội nghị thường niên lần này, khi kinh tế Trung Quốc được nhắc đến nhiều với những lo ngại mới do tác động của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu thì chính quyền Bắc Kinh lại có vẻ “thờ ơ”. Cụ thể là Bộ trưởng Tài chính Tạ Húc Nhân và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên đều không tham dự cuộc họp. Một số ngân hàng lớn của Trung Quốc như Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Kiến thiết Trung Quốc và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc cũng không tham dự.

Một số nguồn tin từ báo chí Trung Quốc cho rằng, sự vắng mặt của giới chức cấp cao Trung Quốc tại hội nghị của IMF và WB là do căng thẳng ngoại giao giữa Bắc Kinh - Tokyo trong thời gian qua, liên quan đến tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Một số nhà phân tích nhận định, hành động này của phía Trung Quốc cũng sẽ ít nhiều tác động đến tình hình kinh tế thế giới hiện nay. Trước đó, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde đã cảnh báo, kinh tế thế giới sẽ không chịu nổi nếu như tình trạng căng thẳng giữa hai cường quốc này tiếp tục kéo dài

Khánh Chi
.
.
.