Căng thẳng ngoại giao giữa Đức - Mỹ vì bê bối gián điệp
Yếu tố NSA
Thông tin về bê bối gián điệp này đã được các trang mạng của Đức đăng tải từ chiều tối 4/7 và đến sáng 5/7 thì tràn ngập trên báo giấy. Theo đó, truyền thông Đức khẳng định, gián điệp hai mang này là người Đức, đang làm việc cho cơ quan tình báo Đức nhưng lại bị Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) mua chuộc. Không loại trừ khả năng nhân vật này cũng có liên quan đến các hoạt động mà NSA từng triển khai ở Đức như thu thập dữ liệu trong thư điện tử và nghe lén điện thoại quan chức cấp cao trong chính phủ, kể cả đương kim Thủ tướng Angela Merkel.
Tờ Der Spiegel của Đức thì khẳng định, đây là một thanh niên 31 tuổi, làm công việc văn thư trong Cơ quan tình báo đối ngoại Đức (BND). Nhân vật này đã bị bắt giữ từ hôm 2/7 và qua khai thác đã thu nhận có chuyển cho phía Mỹ thông tin về một ủy ban đặc biệt của Quốc hội Đức được thành lập để điều tra về những tiết lộ của cựu nhân viên CIA Edward Snowden về chương trình nghe lén của NSA. Đổi lại, phía Mỹ đã chuyển một số tiền không nhỏ cho nhân vật này, coi như khoản tiền bồi dưỡng vì đã cung cấp thông tin quan trọng.
Còn theo tờ Suddeutsche Zeitung, nhân vật này đã làm việc cho NSA nhiều lần và đã cung cấp tài liệu cho cơ quan tình báo Mỹ từ năm 2012 đến nay. Các tài liệu mà nhân vật này copy được đều lưu giữ vào USB và gửi cho cơ quan tình báo Mỹ. Tính đến nay số tài liệu được chuyển lên tới 300 loại tài liệu mật.
Nhân vật bị bắt giữ vừa làm việc cho BND, vừa cung cấp thông tin cho NSA. Ảnh: Reuters. |
Hiện cơ quan điều tra Đức vẫn đang tiếp tục tìm hiểu xem ai là người trung gian giúp nhân vật này liên hệ với NSA và giúp chuyển tài liệu giữa hai bên. Một nguồn tin giấu tên từ Bộ Ngoại giao Đức tiết lộ rằng, người trung gian là một nhân viên ngoại giao của Mỹ. Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng hay những xác minh cụ thể về thông tin này. Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Berlin của Đức, Bộ Ngoại giao Mỹ và Nhà Trắng đã từ chối bình luận vụ việc này. Trong khi đó, một nguồn tin khác từ Bộ Quốc phòng Đức thì khẳng định, vụ bắt giữ được công bố một ngày sau khi Ủy ban điều tra của Quốc hội Đức về hoạt động do thám của NSA lần đầu tiên tiến hành thẩm vấn William Binney, một nhân viên đã làm việc trên 30 năm cho NSA. Chưa rõ liệu có phải ông William Binney đã khai ra nhân vật này hay không.
Chỉ biết rằng, trong lời khai của mình, ông William Binney đã cáo buộc rằng, NSA mở rộng hoạt động do thám quy mô lớn vì muốn có thông tin về tất cả mọi thứ nhằm mục đích kiểm soát con người. Từ sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 ở Mỹ, NSA đã đẩy mạnh hơn hoạt động thu thập thông tin một cách bất hợp pháp và ép buộc nhiều công ty dịch vụ internet, dịch vụ viễn thông và các trang mạng xã hội phục vụ mục đích của mình. Hãng AP cho biết, ông William Binney từng là Giám đốc kỹ thuật của NSA, đã nghỉ việc cuối năm 2001 để phản đối việc thu thập dữ liệu bất hợp pháp, vi phạm quyền riêng tư của công dân.
Lung lay quan hệ đồng minh
Các nhà quan sát nhận định, vụ bắt giữ gián điệp hai mang lần này có thể là “giọt nước tràn ly” khiến quan hệ đồng minh giữa Đức-Mỹ dậy sóng. Bởi lẽ, từ năm ngoái, khi các thông tin mà “người thổi còi” Edward Snowden cung cấp cho báo giới đã khiến chính giới và người dân Đức nổi giận. Hồi tháng 11 năm ngoái, Quốc hội Đức đã mở cuộc điều trần về bê bối do thám của NSA và quyết định mở cuộc điều tra riêng rẽ về vấn đề này. Sau đó, câu chuyện về những cuộc điện thoại nghe lén còn tiếp tục là chủ đề nóng được báo chí Đức và châu Âu khai thác triệt để trong một thời gian dài, nhất là khi ngày càng có thêm nhiều thông tin xung quanh các hoạt động của NSA, FBI và CIA bị Edward Snowden phanh phui.
Hôm 4/7, Bộ Ngoại giao Đức đã triệu Đại sứ Mỹ John B.Emerson tại Berlin tới để phản đối và yêu cầu làm rõ vụ việc trong quá trình công tố liên bang tiến hành điều tra. Vụ việc cũng đã được trình lên Thủ tướng Đức Angela Merkel. Phát ngôn viên của bà Angela Merkel, ông Steffen Seibert cho hay, toàn thể nghị viện liên bang Đức cũng đã được thông báo về vụ bắt giữ.
Bà Angela Merkel đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama trong tối 4/7 để thảo luận các vấn đề đối ngoại giữa hai bên. Có một điều đáng chú ý là ông Steffen Seibert lại bác bỏ thông tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng của Đức rằng người bị bắt giữ là nhân viên BND. Nhiều nhà phân tích cho rằng, vụ việc không những ảnh hưởng xấu đến quan hệ ngoại giao song phương mà còn có thể khiến Đức và Mỹ gặp khó khăn hơn trong việc hợp tác giải quyết vấn đề Ukraine, cũng như kiểm soát chương trình hạt nhân của Iran