Cần thêm nhiều biện pháp bảo vệ an toàn cho báo chí

Thứ Tư, 15/04/2015, 16:22
Đây là quan điểm được các nhà báo đến từ 60 quốc gia trên thế giới đưa ra trong hội thảo về tự do báo chí và an toàn của nghề báo, trong khuôn khổ Hội nghị các nhà báo thế giới 2015 tổ chức tại Hàn Quốc.
Nhận định về sự gia tăng các hoạt động chống phá, đe dọa và sát hại các nhà báo của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong năm 2014 và 3 tháng đầu năm 2015, các nhà báo đều cho rằng, đã đến lúc các tổ chức bảo vệ nhà báo quốc tế phải vào cuộc, bàn thảo cùng với chính quyền các khu vực, quốc gia về những quy định riêng trong việc hỗ trợ và bảo vệ các nhà báo đưa tin tại những khu vực nguy hiểm.

Các nhà báo điều tra, phóng viên chiến trường cần được pháp luật bảo vệ vì họ làm việc vì lợi ích công. Họ cần được sự hỗ trợ bài bản từ nhà nước, từ ban biên tập, được đầu tư nghiệp vụ tốt hơn để đảm bảo sự chính xác, khách quan trọng các bài báo, tránh những sai sót đáng tiếc.

Khách sạn Haeundae Grand tại Busan, nơi diễn ra hội thảo về tự do báo chí và đảm bảo an toàn cho các nhà báo.

Chuyên gia phân tích và quản lý báo chí trong nước thuộc Văn phòng thông tin chính phủ của Ethiopia Fikrte Gebreamlak Sisay bày tỏ: “Trước khi bàn về cách thức bảo vệ các nhà báo, chúng ta cần phải tìm hiểu xem điều gì đã khiến các nhà báo trở thành mục tiêu bị tấn công. Nhìn chung, họ thường bị các tổ chức tội phạm, những nhóm lợi ích, các tổ chức cực đoan… tấn công vì bị cho là đã “can thiệp và làm ảnh hưởng không tốt đến công việc kinh doanh hoặc hoạt động của các tổ chức này”.

Hơn 100 nhà báo đến từ 60 quốc gia đã tham dự hội nghị kéo dài 6 ngày ở Hàn Quốc.

Do đó, cách bảo vệ các nhà báo tốt nhất, theo bà Fikrte Gebreamlak Sisay trước tiên là trang bị cho họ một kiến thức nền về pháp luật; thứ nữa là những quy định chặt chẽ từ chính phủ, các tổ chức, hiệp hội báo chí về hoạt động tác nghiệp của các nhà báo.

Trong khi đó, nhà báo Harold Hyman đến từ đài BFMTV của Pháp cho biết: “Tự do báo chí và tự do bày tỏ quan điểm là hoàn toàn khác nhau. Trách nhiệm của nhà báo là đưa tin một cách khách quan, không phân biệt đối xử giới tính, tôn giáo, dân tộc và đặc biệt là không được đưa tin mang tính chất miệt thị hoặc châm biếm, xúc phạm bởi nó sẽ tạo nên những hậu quả khôn lường. Vụ thảm sát ở tạp chí Charlie Hebdo là một bài học lớn cho giới truyền thông quốc tế”.

Huyền Chi (từ Busan, Hàn Quốc)
.
.
.