Cần 2.000 tỷ cho "Quỹ rủi ro"

Thứ Bảy, 14/02/2009, 11:47
Phát biểu tại Viện Nghiên cứu kinh tế thế giới Peterson, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới (WB) ông Justin Lin khẳng định: "Quỹ rủi ro" sẽ vận hành trong 5 năm, mỗi năm thêm 400 tỷ USD và tính tổng mức là 2.000 tỷ USD. Với quan điểm cho rằng, 400 tỷ USD/năm chỉ chiếm 1% GDP của các nước phát triển, ông Justin Lin đang kêu gọi Mỹ đứng đầu quỹ này và đề nghị sự tài trợ từ một số quốc gia khác như Trung Quốc và Arab Saudi.

Tăng trưởng kinh tế chậm trong năm 2009 sẽ làm khoảng 46 triệu người không thoát được nghèo (ở mức 1,25 USD/ngày) và khoảng 53 triệu người khác vẫn nằm dưới mức thu nhập 2 USD/ngày. Đó là chưa kể tới khoảng 130 triệu tới 155 triệu người vừa tái nghèo do cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng vừa qua.

Những số liệu do Ngân hàng thế giới (WB) đưa ra là lời cảnh báo khẩn cấp đối với tình trạng gia tăng nghèo đói và mất ổn định trên toàn thế giới mà nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Người nghèo càng chịu nhiều rủi ro

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang đe dọa đến việc thực hiện các mục tiêu xóa đói giảm nghèo toàn cầu, đây là khuyến cáo được WB đưa ra trong một báo cáo mới nhất mang tên: "Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu: Đánh giá rủi ro từ con mắt nghèo đói".

Số liệu của 2009 cho thấy, tăng trưởng kinh tế chậm sẽ làm khoảng 46 triệu người không thoát được nghèo (ở mức 1,25 USD/ngày) và khoảng 53 triệu người khác vẫn nằm dưới mức thu nhập 2 USD/ngày.

Trong một báo cáo chính sách chuẩn bị cho hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 vào ngày 14/2, WB cho rằng, khoảng 40 trong số 107 nước đang phát triển có nguy cơ bị ảnh hưởng cao; các nước còn lại có khả năng bị ảnh hưởng trung bình và chỉ có 10% các nước bị ảnh hưởng nhẹ.

Báo cáo còn cho thấy nguy cơ không hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs) của Liên hợp quốc (LHQ), trong đó có mục tiêu giảm nghèo cụ thể cho năm 2015. Tăng trưởng chậm cũng làm tăng tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, với khoảng từ 1,4 triệu tới 2,8 triệu trẻ sơ sinh có thể tử vong trong khoảng từ nay đến năm 2015, nếu cuộc khủng hoảng này còn tiếp diễn.

Tương lai của cả một thế hệ trẻ em đang bị đe dọa do "cơn bão" tài chính toàn cầu. Ảnh: AFP.

"Cuộc khủng hoảng kinh tế có thể sẽ biến thành cuộc khủng hoảng nhân đạo tại nhiều nước nếu không có các biện pháp bảo vệ người nghèo", Chủ tịch WB Robert B.Zoellick nói.

"Trong khi toàn thế giới chỉ chú ý đến các gói kích thích tăng trưởng kinh tế, chúng ta không nên quên là người nghèo ở các nước đang phát triển còn rủi ro hơn nếu kinh tế ở các nước đó đi xuống. Cuộc khủng hoảng này đòi hỏi phải có những giải pháp toàn cầu. Cần phải thảo luận cả những nhu cầu của người nghèo ở các nước đang phát triển nữa".

Một điểm đáng chú ý là nếu như trước đây WB đánh giá rằng khu vực kinh tế Đông Á ít bị tác động bởi cuộc khủng hoảng và sẽ nhanh chóng hồi phục thì nay, trong báo cáo này, WB lại cảnh báo về tình trạng gia tăng số người bị mất việc.

Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương James Adams cho biết, hàng triệu công nhân ở các nước Đông và Đông Nam Á đang có nguy cơ bị thất nghiệp do nhu cầu nhập khẩu hàng từ Mỹ và châu Âu bị giảm.

Ngày 22/2 tới, Bộ trưởng Tài chính của 10 nước thành viên ASEAN cùng với đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ nhóm họp tại thị trấn Phuket của Thái Lan để bàn thảo về phương hướng đối phó và giải quyết khủng hoảng.

2.000 tỷ USD cho "Qũy rủi ro"

Trong báo cáo của mình, các chuyên gia WB cho rằng cần tập trung tài chính để tạo công ăn việc làm, cung cấp các dịch vụ cơ bản và cơ sở hạ tầng, và các chương trình an sinh xã hội cho người dễ thương tổn. Nhưng các nước đang phát triển không thể huy động nguồn tài chính trong và ngoài nước để giảm thiểu ảnh hưởng của giảm phát. Trong đó, các nước không có khả năng tiếp cận tới các nhóm dễ thương tổn. Báo cáo cũng đề xuất hỗ trợ tài chính cho các nước này dưới dạng viện trợ không hoàn lại, hoặc cho vay không lãi.

Được biết, Chủ tịch WB Robert B.Zoellick gần đây có kêu gọi thành lập "Quỹ rủi ro", trong đó mỗi nước phát triển dành 0,7% gói kích thích kinh tế cho quỹ này. Quỹ sẽ dành để hỗ trợ các chương trình an sinh xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các quỹ tài chính vi mô.

Theo chuyên gia kinh tế trưởng của WB Justin Lin thì phương pháp hoạt động cho quỹ này sẽ theo tinh thần của "Kế hoạch Marshall" từng được thực hiện sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần II, tức là hỗ trợ các nước phát triển những mặt hàng mà được coi là thế mạnh của họ.

Phát biểu tại Viện Nghiên cứu kinh tế thế giới Peterson, ông Justin Lin khẳng định: "Quỹ rủi ro" sẽ vận hành trong 5 năm, mỗi năm thêm 400 tỷ USD và tính tổng mức là 2.000 tỷ USD.

Với quan điểm cho rằng, 400 tỷ USD/năm chỉ chiếm 1% GDP của các nước phát triển, ông Justin Lin đang kêu gọi Mỹ đứng đầu quỹ này và đề nghị sự tài trợ từ một số quốc gia khác như Trung Quốc và Arab Saudi.

Chủ tịch WB Robert B.Zoellick thì đang cố thuyết phục tân Tổng thống Mỹ Barack Obama đóng góp hơn nữa cho cuộc chiến chống đói nghèo trên toàn thế giới bằng việc chi 6 tỷ USD trong gói kích thích kinh tế trị giá 790 tỷ USD mới được Quốc hội thông qua

Huyền Chi
.
.
.