Các cường quốc lại “khẩu chiến” về Ukraine

Thứ Bảy, 26/04/2014, 09:06
Cho đến chiều 25/4, tình hình ở miền Đông Nam Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt mà còn đang có nguy cơ trở thành nội chiến khi chính phủ tạm quyền Kiev thực hiện các biện pháp mạnh tay hơn với lực lượng biểu tình. Trong khi đó, trên chính trường quốc tế, Nga và Mỹ lại tiếp tục một cuộc “khẩu chiến” với mục đích chính là cáo buộc và đổ lỗi cho nhau.

Cảnh báo của Tổng thống Nga

Trong một phát biểu trên kênh truyền hình Rossiya – 1, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) Vitaly Churkin đã tuyên bố rằng, nếu tình trạng bạo lực tại miền Đông Nam Ukraine vẫn tiếp diễn, Nga sẽ triệu tập một cuộc họp bất thường của Hội đồng Bảo an LHQ. Đồng thời, ông Churkin cũng kêu gọi Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon công khai chỉ trích chiến dịch quân sự của chính quyền Kiev tại khu vực Đông Nam Ukraine. Đáp lại, ông Ban Ki-moon mới chỉ kêu gọi các bên kiềm chế, tránh các hành động bạo lực và trả đũa lẫn nhau.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa lại xuất hiện trước công chúng và đưa ra những tuyên bố khá mạnh mẽ liên quan đến chính quyền tạm thời ở Kiev. Theo đó, ông Vladimir Putin đã cảnh báo rằng, Kiev sẽ “lãnh hậu quả” khi mở cuộc tấn công quân sự vào các thành phố do lực lượng biểu tình ly khai nắm giữ ở miền Đông Nam Ukraine. Gọi chiến dịch quân sự này là "hành động tội ác nghiêm trọng chống lại chính đồng bào mình”, Tổng thống Nga khuyến cáo rằng, các quốc gia phương Tây đang hậu thuẫn cho chính quyền Kiev thực hiện chế độ “độc tài quân sự”.

Quan điểm của người đứng đầu điện Kremlin là chính phủ tạm quyền Ukraine phải mở rộng khả năng đối thoại dân tộc, lắng nghe và tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của người dân. Đặc biệt, ông Vladimir Putin cũng nhấn mạnh việc thực thi một loạt thỏa thuận đã ký tại Hội nghị Geneva của Thụy Sĩ và khẳng định, đây mới là cách thức tối ưu nhất cho vấn đề Ukraine hiện nay. Riêng về vấn đề Nga bị bao vây, cô lập, cấm vận, Tổng thống Putin khẳng định, lệnh trừng phạt mà phương Tây nhằm vào nước này là không có hiệu lực…

Những người biểu tình ở miền Đông Nam Ukraine.

Theo tin từ hãng AFP, với lập luận rằng Mỹ đang giật dây cho những gì diễn ra ở Ukraine và chính quyền tạm thời Kiev vi phạm thỏa thuận 4 bên đạt được hồi tuần trước ở Geneva, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cáo buộc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang cố gắng thúc đẩy việc tạo ra một "cuộc cách mạng màu" mới ở Ukraine. Đồng thời, ông Sergei Lavrov tiết lộ về việc Nga đã triển khai 40.000 quân sát biên giới Ukraine để đề phòng bất trắc có thể xảy ra.

Thách thức từ phía Mỹ

Không chịu kém cạnh Nga, Mỹ cũng đã điều 600 quân đến Ba Lan và một số quốc gia vùng Baltic để trấn an các đồng minh NATO trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại Ukraine. Dự kiến, thêm một đơn vị lục quân của Mỹ gồm 150 lính đã đến Ba Lan trong ngày 25/4 và khoảng 450 quân sẽ có mặt tại Estonia, Lithuania, Latvia. Đây là một phần trong kế hoạch triển khai quân sự của Mỹ tại khu vực Đông Âu kéo dài đến hết năm nay.

Về mặt ngoại giao, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vẫn hối thúc Nga thay đổi cách ứng xử trước những diễn biến tại miền Đông Ukraine, cho rằng Nga đang phạm sai lầm nghiêm trọng, đồng thời cảnh báo Moskva sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt gia tăng. Trong khi đó, Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) cho biết, sẽ thúc đẩy đối thoại giữa các bên, đồng thời tăng cường phái đoàn giám sát tại Ukraine từ 150 người hiện nay lên 500 người trong vòng vài tháng tới, nhằm tìm cách xoa dịu cuộc khủng hoảng hiện nay. Đức thì trung dung hơn với đề xuất Mỹ, EU và Nga nên thực hiện chung một chuyến thăm cấp cao đến các điểm nóng tại Ukraine cùng các quan chức địa phương nhằm thể hiện sự ủng hộ chính trị đối với thỏa thuận Geneva vừa đạt được.

Trong bức thư gửi OSCE, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng, thỏa thuận quốc tế này cần "sự ủng hộ chính trị rõ ràng”. Và sự ủng hộ này có thể được thể hiện bằng một "chuyến thăm chung của các đại diện cấp cao của cả 4 bên đến Kiev cũng như các khu vực miền Đông và Nam của Ukraine”.

Và hành động của Ukraine

Như vậy, có thể thấy, tình hình ở Ukraine đang có nguy cơ ngày càng xấu đi khi mà đụng độ giữa quân đội chính phủ và lực lượng biểu tình gia tăng. Hãng AFP cho biết, hôm 24/4, tại Donetsk và Slaviansk, quân đội Ukraine đã tái triển khai trên các đường phố, tiến hành lập hàng rào quân sự quanh các trụ sở công quyền nơi lực lượng biểu tình đang chiếm giữ, nhằm đẩy lui chiến dịch trấn áp bằng vũ lực của lực lượng chính phủ làm ít nhất 5 người biểu tình thiệt mạng. Đã thế, Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatsenyuk còn lên tiếng cáo buộc Nga "đang muốn bắt đầu cuộc chiến tranh thế giới thứ ba", đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế chống lại Nga. Ngoại trưởng tạm quyền Ukraine Andriy Deshchytisa thì chỉ trích quyết định bắt đầu cuộc diễn tập quân sự dọc biên giới với Ukraine của Nga, đồng thời tuyên bố Kiev sẽ chiến đấu với bất cứ quân xâm lược nào. Trong khi đó, Tổng thống tạm quyền Oleksander Turchynov thì mềm mỏng hơn bằng việc kêu gọi Nga rút quân khỏi biên giới hai nước, ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraine và chấm dứt “mối đe dọa thường trực”

Sông Thương
.
.
.