Bốn nước châu Âu có nguy cơ phải rời Eurozone

Thứ Hai, 14/11/2011, 12:20
Ông Nouriel Roubini (chuyên gia kinh tế nổi tiếng thế giới) nhận định, trong 12 tháng tới, rất nhiều khả năng Rome phải tái cơ cấu nợ và Italia đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ, thậm chí phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nếu không hành động kiên quyết hơn. Ông Nouriel Roubini cho rằng Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cũng đang có nguy cơ bị buộc phải rời khỏi khu vực Eurozone.
>> Vấn nạn nợ công ở Hy Lạp và Italia: Vì đâu nên nỗi?

Hàng nghìn người dân Italia đã tụ tập bên ngoài tòa nhà Quốc hội để ăn mừng sau khi ông Silvio Berlusconi, 75 tuổi, Thủ tướng Italia tại vị lâu nhất với 3 lần đắc cử và 8 năm điều hành chính phủ kể từ khi bước vào chính trường năm 1994.

Rạng sáng 13/11 (theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi đã chính thức từ chức mở đường cho việc thành lập tân chính phủ. Ông Silvio Berlusconi đệ đơn từ chức lên Tổng thống Giorgio Napolitano ngay sau khi Hạ viện thông qua các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, giảm nợ công. Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde... hy vọng tân chính phủ sẽ sớm được thành lập sau khi Thủ tướng Silvio Berlusconi từ chức.

Giới truyền thông đưa tin, sau khi nộp đơn từ chức lên Tổng thống Giorgio Napolitano, ông Silvio Berlusconi đã về bằng cổng phụ để tránh đụng độ với người biểu tình. Tổng thống Giorgio Napolitano đã chấp nhận đơn từ chức của ông Silvio Berlusconi, đồng thời yêu cầu cựu Ủy viên châu Âu Mario Monti đứng ra thành lập tân chính phủ hôm 13/11. Giới truyền thông đưa tin, cuộc đàm phán để thành lập chính phủ liên minh diễn ra trong ngày 13/11, tại Rome (theo giờ địa phương).

Thủ tướng Silvio Berlusconi.

Được biết, ông Guido Tabellini, chuyên gia kinh tế được cử làm Bộ trưởng Tài chính, còn ông Giuliano Amato, cựu Thủ tướng được cử làm Ngoại trưởng.

Giới thạo tin cho biết, Italia sẽ không tổ chức bầu cử cho đến năm 2013 và một chính phủ quy mô nhỏ gồm các chuyên gia kỹ trị sẽ có 18 tháng để thực hiện các cải cách, bảo đảm thế đa số ở Quốc hội và thị trường tài chính đã bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ của ông Mario Monti. Mặc dù nhận được sự ủng hộ của đa số, nhưng ông Mario Monti đang phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ, hơn nữa nhiều người Italia cho rằng, những vấn đề của Italia quá lớn để một chính phủ ít thay đổi có thể tạo ra sự khác biệt nhanh chóng và đáng kể.

Ngoài ra, việc Thủ tướng Silvio Berlusconi từ chức không phải thần dược đối với căn bệnh nợ công đang hoành hành tại Italia. Giới truyền thông cho biết, cuối ngày 12/11, Hạ viện Italia đã thông qua chương trình cải cách với 380 phiếu thuận, 26 phiếu chống và 2 phiếu trắng sau khi Thượng viện thông qua dự luật này với tỷ lệ 156 phiếu thuận và 12 phiếu chống hôm 11/11.

Theo đó, một số biện pháp cải cách như bán tài sản nhà nước trị giá khoảng 21 tỉ Euro, nâng độ tuổi về hưu lên 67 tuổi vào năm 2026, tăng thuế VAT và giá nhiên liệu... nhằm cắt giảm khoản nợ trị giá 1.900 tỉ Euro, gấp 120% GDP.

Được biết, ngày 11/11, Chủ tịch EU Herman Van Rompuy đã gặp Tổng thống Giorgio Napolitano tại Rome để đề nghị không bầu cử sớm bởi điều này sẽ làm phân tán sự tập trung của chính phủ vào việc khôi phục lòng tin của thị trường đối với Italia. Có người nói rằng, tuy là quốc gia nổi tiếng với những thương hiệu như Ferrari, Gucci và Armani nhưng nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực Eurozone đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Giới chuyên môn quan tâm tới cảnh báo của chuyên gia kinh tế nổi tiếng thế giới Nouriel Roubini về gói cải cách tài chính khẩn cấp của Italia theo yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) nhiều khả năng sẽ không giúp Rome duy trì được tỷ lệ lãi suất trái phiếu chính phủ ở mức mà các thị trường tài chính có thể chấp nhận được. Ông Nouriel Roubini nhận định, trong 12 tháng tới, rất nhiều khả năng Rome phải tái cơ cấu nợ và Italia đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ, thậm chí phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nếu không hành động kiên quyết hơn.

Ông Nouriel Roubini cho rằng Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cũng đang có nguy cơ bị buộc phải rời khỏi khu vực Eurozone. Nếu Italia hoặc Tây Ban Nha phải rời khỏi khu vực Eurozone thì đồng nghĩa với sự tan rã của đồng Euro. Tạp chí Tấm gương đưa tin, chính phủ Đức đang nỗ lực đưa ra các kế hoạch khẩn cấp trong trường hợp Hy Lạp phải rời khỏi khu vực Eurozone. Thủ tướng Đức Angela Merkel từng tuyên bố, nếu đồng Euro thất bại thì châu Âu sẽ thất bại.

Giới truyền thông cho biết, ngày 12/11, nước Đức rúng động trước cuộc biểu tình của hàng chục nghìn người ở Thủ đô Berlin và trung tâm tài chính Frankfurt phản đối sự thống trị của các ngân hàng. Giới truyền thông đưa tin, người biểu tình bao vây bên ngoài tòa nhà Quốc hội Đức Reichstag, ga tàu hỏa trung tâm và một số tòa nhà chính phủ khác ở Thủ đô Berlin và trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu tại Frankfurt.

Người biểu tình kêu gọi chấm dứt tình trạng đầu cơ tài chính thái quá và đổ lỗi cho các ngân hàng đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính và cuộc khủng hoảng đồng Euro; đồng thời cho rằng, chính phủ đã đổ hàng tỷ Euro để cứu trợ các ngân hàng trong khi người dân không hề có tiếng nói trong vấn đề này; do đó cần chia tách các ngân hàng lớn và đánh thuế các giao dịch tài chính.

Giới chuyên môn cho biết, từ đầu năm 2011 đến nay, các ngân hàng châu Âu đã tìm mọi cách để bán đổ bán tháo trái phiếu chính phủ các nước sử dụng đồng Euro đang rơi vào khủng hoảng. Cụ thể, Ngân hàng Pháp Societe Generale sở hữu 2,4 tỉ Euro (3,3 tỉ USD) trái phiếu Hy Lạp đầu năm 2011, nhưng đến trung tuần tháng 11 chỉ để lại khoảng 333 triệu Euro (457 triệu USD). Từ tháng 7 đến nay, Ngân hàng Pháp BNP Paribas đã bán 40% trong tổng số trái phiếu Italia trị giá 12,2 tỉ Euro (16,7 tỉ USD) đã mua trước đó.

Cũng trong ngày 12/11, khi tới Nhật Bản, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã kêu gọi Tokyo cần ưu tiên giảm số nợ công khổng lồ hiện nay. Được biết, nợ công của Nhật Bản đang nằm trong số những quốc gia có khoản nợ công lớn nhất thế giới, chiếm tới hơn 200% GDP. Mức nợ này được cho là kết quả của nhiều năm áp dụng "biện pháp bơm tiền kích thích tăng trưởng" nhưng không giúp ngăn được sự suy yếu kéo dài của nền kinh tế.

Trong khi đó, chính phủ của tân Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos đang chạy đua với thời gian nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công nghiêm trọng có nguy cơ dẫn đến vỡ nợ của nước này. Ngày 12/11, Thủ tướng Lucas Papademos đã có các cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel xung quanh gói cứu trợ mới của châu Âu dành cho Hy Lạp.

Nếu không nhận được khoản vay này trong tháng 11 để thanh toán các khoản nợ đáo hạn, Athens sẽ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, thậm chí phá sản hoặc phải rời khỏi khu vực Eurozone

Lê Trịnh
.
.
.