Mỹ viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine:

“Bom tấn” trong quan hệ với Nga

Chủ Nhật, 14/12/2014, 11:44
Mặc dù Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ thận trọng trước khả năng nước này áp đặt thêm biện pháp trừng phạt đối với Nga, song động thái này cũng không làm giảm căng thẳng trong quan hệ hai nước. Ngược lại, Moskva và Washington lại bước vào một “cuộc chiến” mới khi mà lưỡng viện Mỹ thông qua dự thảo “Đạo luật hỗ trợ tự do cho Ukraine” và viện trợ 350 triệu USD cho quân đội nước này.

Trong một tuyên bố được đưa ra ngày 12/12, tức một ngày sau khi lưỡng viện Mỹ thông qua dự thảo “Đạo luật hỗ trợ tự do cho Ukraine”, Bộ Ngoại giao Nga đã chỉ trích mạnh mẽ động thái của Mỹ và khẳng định rằng “Washington đã làm hết sức để phá hủy sự hợp tác giữa Nga-Mỹ”. Chính quyền Moskva cho rằng, việc thông qua đạo luật này chứng tỏ Washington muốn công khai đối đầu với Moskva và đây là một “quả bom tấn” đối với quan hệ song phương.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Luakashevich nói: “Đạo luật về hỗ trợ tự do cho Ukraine với bản chất đối đầu công khai được cả lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua mà không cần tranh luận hay bỏ phiếu hợp thức là điều hết sức đáng tiếc. Chúng tôi sẽ không đầu hàng trước hành động hăm dọa, sẽ không từ bỏ lợi ích quốc gia và không cho phép ai can thiệp vào công việc nội bộ của mình”.

Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cũng đã cáo buộc Mỹ tìm cách hạ bệ Tổng thống Nga Vladimir Putin bằng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moskva liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có cuộc gặp bên lề hội nghị Ngoại trưởng các nước thành viên tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) ở Basel hồi đầu tháng 12. Ảnh: Reuters

Phát biểu trước Quốc hội Nga, ông Sergei Ryabkov nói: "Mục đích của các biện pháp trừng phạt rõ ràng là nhằm tạo ra các điều kiện kinh tế và xã hội dẫn tới sự thay đổi quyền lực ở Nga. Đó là chưa kể đến việc Washington vẫn đang tìm cách chia rẽ Nga với những nước thuộc Liên Xô trước đây”. Theo quan điểm của Thứ trưởng Ngoại giao Nga, nỗ lực này đã được thực hiện đặc biệt quyết liệt tại Ukraine trong năm nay.

Hãng tin AP cho hay, “Đạo luật hỗ trợ tự do Ukraine 2014” được lưỡng viện Mỹ thông qua hôm 11/12 là cơ sở để áp đặt thêm lệnh trừng phạt với các lĩnh vực quốc phòng và dầu mỏ của Nga. Đạo luật mới này cũng sẽ mở đường cho Washington viện trợ số vũ khí sát thương cho Ukraine với tổng trị giá 350 triệu USD.

Trong dự thảo “Đạo luật ủng hộ tự do Ukraine”, chính quyền Kiev được coi là đồng minh chủ chốt không thuộc tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Mỹ - một vị thế mà Washinton cũng dành cho Gruzia và Moldova.

Theo đúng quy trình, sau khi được Quốc hội nhất trí, dự thảo đạo luật sẽ được chuyển về cho Tổng thống Mỹ Barack Obama xem xét. Tuy nhiên, cho đến nay, ông Barack Obama vẫn tỏ ra thận trọng trong việc này nên cũng có nhiều khả năng ông không phê chuẩn dự luật này để tránh làm căng thẳng thêm trong quan hệ Mỹ-Nga. Trong khi đó, chính phủ Ukraine đã nhanh chóng hoan nghênh dự luật, gọi đây là “quyết định mang tính lịch sử”.

Được biết, hiện Ukraine đang thực hiện một lệnh ngừng bắn với lực lượng chống đối ở miền Đông và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đang hy vọng rằng, với việc không có tiếng súng trong vòng 24h đồng hồ đầu tiên, lệnh ngừng bắn này sẽ có hiệu lực tốt trong thời gian tới.

Trở lại sự căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Nga, hai cường quốc này đang đối đầu kịch liệt nhất là khi Washington cáo buộc Moskva hỗ trợ cho lực lượng chống đối ở miền Đông Ukraine và chỉ trích việc Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ nước này. Cả Mỹ và phương Tây đều áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga trong nhiều tháng qua.

Gần đây, Washington còn đang cân nhắc tái triển khai tên lửa hành trình hạt nhân tại châu Âu để đáp lại một loại tên lửa hành trình mới của Nga có tầm bắn từ 500km– 5.000km.

Phan Hiển
.
.
.