LHQ thông qua lệnh trừng phạt mới nhằm vào CHDCND Triều Tiên:

Bình Nhưỡng tuyên bố hủy bỏ Hiệp định đình chiến với Hàn Quốc

Thứ Bảy, 09/03/2013, 11:30
Hôm 7/3, chỉ vài giờ sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào CHDCND Triều Tiên do nước này tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 3 hồi trung tuần tháng 2, Bình Nhưỡng đã tuyên bố, “hủy bỏ toàn bộ các hiệp ước về việc không xâm lược lẫn nhau giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc. Theo thông báo của Ủy ban tái thống nhất hòa bình CHDCND Triều Tiên, hiệp ước hòa bình sẽ không còn tác dụng từ ngày 11/3.

Cùng với đó, đường dây nóng liên lạc giữa hai miền được thiết lập từ năm 1971 cũng đã bị cắt đứt. Đây là lần thứ 5 CHDCND Triều Tiên ngưng tuyến liên lạc này, lần gần đây nhất là vào năm 2010. Chưa hết, CHDCND Triều Tiên còn đe dọa sẽ tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu nhằm vào Hàn Quốc và Mỹ để tự vệ. Đồng thời, quân đội nước này cũng được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

Tin từ hãng KCNA cho hay, hôm 7/3, nhà lãnh đạo Kim Jong-un của CHDCND Triều Tiên cũng đã đi thị sát 2 hòn đảo Jangjae và Mu, giáp đường ranh giới trên biển với Hàn Quốc. Tại đây, ông Kim Jong-un cảnh báo, “sẽ phát lệnh khởi động bước tiến vĩ đại chính đáng đối với việc tái thống nhất dân tộc nếu kẻ thù tiến hành bất cứ hành động khiêu khích liều lĩnh nào đối với CHDCND Triều Tiên”.

Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đã đi thị sát 2 hòn đảo Jangjae và Mu, giáp đường ranh giới trên biển với Hàn Quốc hôm 7/3.

Trước đó, nguồn tin quân sự Hàn Quốc cho biết, để đáp trả các cuộc tập trận thường niên của liên quân Mỹ-Hàn, CHDCND Triều Tiên cũng đã tiến hành tập trận tàu ngầm ở ngoài khơi Hoàng Hải và diễn tập quân sự bắn đạn thật quy mô lớn… Đáp lại những tuyên bố mạnh mẽ của Bình Nhưỡng, quân đội Hàn Quốc cũng khẳng định sẽ “hủy hoại” CHDCND Triều Tiên nếu nước này dám đánh vào Seoul.

Như vậy, với nghị quyết trừng phạt mới của LHQ, tình hình ở bán đảo Triều Tiên đang nóng lên từng giờ, nhất là khi các bên liên quan đưa ra những lời đe dọa cứng rắn. Hãng tin Reuters cho hay, bản nghị quyết mới số 2094 của LHQ do Mỹ đệ trình và được 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ thông qua với đề xuất buộc các quốc gia và cá nhân phải ngừng toàn bộ các giao dịch tài chính liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa cũng như xuất khẩu vũ khí của CHDCND Triều Tiên; tăng cường giám sát các nhà ngoại giao CHDCND Triều Tiên.

Nghị quyết cũng yêu cầu quốc tế kiểm soát tàu thuyền và máy bay của CHDCND Triều Tiên nếu nghi ngờ chuyên chở hàng hóa bị cấm và các nước thành viên LHQ phải từ chối không cho đi qua không phận của mình các máy bay nghi ngờ chuyên chở vật liệu cấm cho CHDCND Triều Tiên. 3 cá nhân và 2 tổ chức của CHDCND Triều Tiên đã bị đưa vào danh sách bị phong tỏa tài sản và cấm đi lại.

Nhiều nhà phân tích nhận định, so với các nghị quyết trước đây của Hội đồng Bảo an LHQ, nghị quyết lần này có mức độ nặng hơn và phạm vi trừng phạt được mở rộng cả trong lĩnh vực thương mại, tài chính, vận chuyển và ngoại giao. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon coi đây là “thông điệp cứng rắn” đối với CHDCND Triều Tiên.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hoan nghênh nghị quyết mới trừng phạt CHDCND Triều Tiên của Hội đồng Bảo an LHQ, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng dừng các hành động khiêu khích. Trong khi đó, Hàn Quốc lại kêu gọi CHDCND Triều Tiên lưu ý quan ngại của cộng đồng quốc tế, chấp thuận các yêu cầu được nêu trong nghị quyết và từ bỏ vũ khí hạt nhân, chương trình tên lửa và ngừng các hành động khiêu khích khác. Mỹ cho rằng, nghị quyết mới nhất của Hội đồng Bảo an LHQ đã làm gia tăng “sự cô lập” của CHDCND Triều Tiên.

Phát biểu trước Ủy ban đối ngoại thuộc Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sỹ Bob Menendez đã cảnh báo Bình Nhưỡng, bất cứ cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu nào nhằm vào nước Mỹ sẽ là "hành động tự sát". Đặc phái viên Mỹ phụ trách chính sách về CHDCND Triều Tiên Glyn Davies khẳng định, Mỹ kiên quyết không công nhận CHDCND Triều Tiên là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và hối thúc nước này ngừng ngay “các hành động khiêu khích” cũng như cải thiện quan hệ với các nước láng giềng.

Còn Trung Quốc đánh giá đây là biện pháp “cân bằng”, là “phản ứng cần thiết và hợp lý” của LHQ và cộng đồng quốc tế đối với việc thử hạt nhân mới nhất của CHDCND Triều Tiên

Phan Hiển
.
.
.