Biển Đông làm nóng Đối thoại Shangri-La

Thứ Sáu, 29/05/2015, 17:16
Vấn đề Biển Đông vẫn bao trùm Đối thoại an ninh Shangri-La lần thứ 14 với diễn biến nổi bật nhất từ đầu năm đến nay trong khu vực là những bước đi đầy toan tính của Trung Quốc…

Vấn đề Biển Đông vẫn bao trùm Đối thoại an ninh Shangri-La lần thứ 14 với diễn biến nổi bật nhất từ đầu năm đến nay trong khu vực là những bước đi đầy toan tính của Trung Quốc…

Hành động đơn phương bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông của Trung Quốc chắc chắn sẽ làm nóng chương trình nghị sĩ của Đối thoại an ninh Shangri-La. (Ảnh: Strait Times).

Theo tin từ tờ Strait Times, ngày 29/5, Bộ trưởng Quốc phòng của 26 quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã có mặt tại quốc đảo Singapore, tham dự Đối thoại an ninh Shangri-La lần thứ 14 kéo dài 3 ngày do Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tổ chức.

Trong bối cảnh tình hình ở Biển Đông đang ngày càng căng thẳng, đối thoại lần này còn thu hút sự chú ý của cả các nước châu Âu và Bộ trưởng Quốc phòng Đức, Pháp, Tây Ban Nha đã xác nhận tham dự.

Bộ trưởng Quốc phòng 26 quốc gia khẳng định tham dự Đối thoại an ninh Shangri-La. (ảnh: Strait Times).

Tối 29/5, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long có bài phát biểu dẫn đề khai mạc và đưa ra những trọng tâm thảo luận tại đối thoại năm nay. Đó là mối đe dọa chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, động lực giữa các nước lớn, tình hình bất ổn định chính trị ở châu Á, và thách thức xuyên quốc gia nổi lên từ thảm họa cũng như mối đe dọa trên không gian mạng.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, Biển Đông sẽ vẫn bao trùm hội nghị với diễn biến nổi bật nhất từ đầu năm đến nay trong khu vực là những bước đi đầy toan tính của Trung Quốc thể hiện qua các sáng kiến kinh tế, cũng như hoạt động cải tạo, bồi lấp các bãi đá, rạn san hô. Nhiều quốc gia trong khu vực được cho là sẽ đưa ra các quan điểm mạnh mẽ của mình trong vấn đề này.

Chẳng hạn như Mỹ, ngoài việc kêu gọi các đối tác và các nước trong khu vực quyết đoán hơn trong vấn đề Biển Đông, Mỹ còn cho công bố đoạn video quay lại cảnh Trung Quốc xây đảo nhân tạo. Philippines cũng lớn tiếng chỉ trích hành động của Trung Quốc.

Trong khi đó, Nhật Bản cho biết sẽ sử dụng Luật an ninh để đối phó với những tình huống cụ thể, nhất là trong tình hình Biển Đông. Điều đó có nghĩa là Nhật Bản có thể hỗ trợ quân đội Mỹ hoặc thậm chí đưa quân tới Biển Đông để thực hiện nhiệm vụ đối với tình huống khẩn cấp gây ảnh hưởng đến hòa bình của khu vực.

Ngọc Khuê
.
.
.