Tái diễn đấu vòi rồng ở vùng biển tranh chấp giữa Nhật Bản – Đài Loan:

Biển Hoa Đông lại dậy sóng

Thứ Sáu, 25/01/2013, 09:04
Tranh chấp chủ quyền biển đảo đang thực sự trở thành mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế, nhất là khi khu vực châu Á liên tiếp xảy ra các cuộc đụng độ, thách thức lẫn nhau giữa các quốc gia có cùng tranh chấp. Theo tin từ hãng Reuters, biển Hoa Đông lại tiếp tục dậy sóng với vụ đấu vòi rồng giữa lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) và một tàu của Đài Loan.

Vụ việc xảy ra vào ngày 24/1 sau khi các tàu tuần duyên của Nhật Bản phát hiện một thuyền chở các nhà hoạt động Đài Loan đang tiến vào vùng biển thuộc quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư do Tokyo kiểm soát trên biển Hoa Đông. Phát ngôn viên của lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan Shih Yi-che cho hay, chiếc thuyền nói trên chở 7 người trong đó có 4 nhà hoạt động Đài Loan, một phóng viên truyền hình và một công nhân Indonesia. Những người này đã rời một cảng cá ở phía Bắc Đài Loan lúc 1h30 sáng 24/1 và dự định đưa tượng nữ thần biển cả Matsu tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư để người dân có thể tới đó thờ cúng...

Sau khi bị các tàu tuần duyên của Nhật đuổi và phun vòi rồng, chiếc thuyền đã quay về lúc 11h30 cùng ngày. Trong khi đó, theo tuyên bố của JCG, sau khi tiến vào vùng biển tiếp giáp lãnh hải của Nhật Bản, chiếc thuyền này vẫn tiếp tục chạy về phía Đông. Vì thế, JCG đã buộc phải sử dụng biện pháp hạn chế như ngăn chặn bằng vòi rồng. Đài truyền hình NHK còn cho hay, có ít nhất 6 tàu hải giám của Đài Loan đi theo để “kiểm soát và bảo vệ hoạt động của chiếc thuyền nói trên”. Tuy nhiên, Đài Loan đã bác bỏ cáo buộc này

Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã dùng vòi rồng để tấn công thuyền của Đài Loan khi con thuyền này đi vào vùng biển thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Đây không phải lần đầu Nhật Bản - Đài Loan đấu vòi rồng trên vùng biển tranh chấp ở biển Hoa Đông. Hồi tháng 9 năm ngoái, hơn chục chiếc thuyền Đài Loan với sự hộ tống của tàu hải giám đã tới vùng biển thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và gây ra cuộc đấu vòi rồng với lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản. Lần này, hành động gây hấn của Đài Loan tiếp diễn đúng vào thời điểm căng thẳng đang leo thang trong quan hệ giữa Nhật Bản - Trung Quốc về vấn đề Senkaku/Điếu Ngư, có thể khiến tình hình càng trở nên xấu đi.

Gần một tuần qua, nhắc về vấn đề này, báo chí Trung Quốc đã dùng  nhiều lời lẽ hiếu chiến, đặc biệt là sau khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton có tuyên bố tại cuộc họp báo cùng người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida rằng, khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm dưới thẩm quyền quản lý của Nhật Bản và được bảo hộ theo một hiệp ước an ninh của Mỹ với nước đồng minh. Và mặc dù tiếp tục gia tăng các hoạt động như cho tàu đánh cá, tàu hải giám và cả máy bay tới vùng biển nói trên, mặt khác, Bắc Kinh vẫn sử dụng quân bài ngoại giao để biện hộ cho các hoạt động của mình.

Mới đây, hôm 21/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi vẫn khẳng định Bắc Kinh đang duy trì liên lạc với Tokyo về vấn đề quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư và rằng Trung Quốc hối thúc Nhật Bản xử lý vấn đề quần đảo này một cách bình tĩnh và thể hiện sự chân thành trong việc cộng tác với Bắc Kinh để giải quyết, kiểm soát tình hình một cách thỏa đáng.

Theo ông Hồng Lỗi, Trung Quốc kiên định chủ trương giải quyết tranh chấp lãnh thổ thông qua đối thoại và tham vấn nhưng cũng kiên quyết bảo vệ, thậm chí là cả phòng vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước

Gia Nam
.
.
.