Bê bối gián điệp Nga - Mỹ có sự liên quan của Anh?

Thứ Năm, 01/07/2010, 09:20
Anna Chapman, người phụ nữ đóng vai trò trung tâm trong bê bối gián điệp giữa Nga-Mỹ từng làm việc tại Anh và đã kết hôn với một người Anh. Thông tin này đã được đăng tải trên báo chí phương Tây ngày 30/6.
>> Nga - Mỹ tranh cãi về bê bối gián điệp

Theo đó, Anna Chapman là một trong số 10 người bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bắt giữ và bị cáo buộc là nhân viên của cơ quan tình báo Nga. Người thứ 11 đã bị bắt ở Cyprus sau đó và hiện đang bị cáo buộc chuyển tiền cho các nghi phạm khác trong nhiều năm liền.

Hồ sơ của Anna Chapman ghi rõ, từ năm 2003-2007, cô sống ở Anh và làm việc cho một hãng hàng không tư nhân tên là NetJets Europe tại thủ đô London. Tờ Daily Express cho biết, Anna Chapman tên thật là Kuschenko, sinh ra tại Ukraine và lớn lên tại Volgograd (tên gọi trước đây của Stalingrad).

Phát ngôn viên NetJets Europe cũng xác nhận rằng, Anna Chapman được nhận vào làm việc tại hãng từ tháng 5 đến tháng 7/2004. Trước đó, Anna Chapman làm việc cho một chi nhánh của ngân hàng Barclay và quỹ Navigator. Từ tháng 10/2006, Anna Chapman thành lập một công ty bất động sản sau này có trụ sở tại New York (Mỹ). Có bằng thạc sĩ kinh tế tại một trường đại học của Nga, Anna Chapman nói thành thạo 4 thứ tiếng Nga, Anh, Pháp, Đức.

Cũng theo tờ Daily Express, trong số 11 người bị bắt giữ, có tới 10 người là công dân Nga và một người mang quốc tịch Peru và làm việc ở Mỹ với tư cách là một nhà báo. Theo một quan chức tình báo Mỹ thì mạng lưới gián điệp này không quan tâm đến những vấn đề như vũ khí hay chiến lược quốc gia của Mỹ mà mục đích của họ là rút tỉa thông tin về tài chính, kinh doanh và công nghệ. Và mặc dù thừa nhận rằng những người bị Mỹ bắt giữ đều là công dân Nga, song chính quyền Moskva vẫn lên tiếng bác bỏ cáo buộc rằng họ hoạt động tình báo phục vụ Nga, chống lại lợi ích Mỹ.

Các nhân viên FBI vẫn đang tiếp tục lục soát căn nhà của 11 nghi phạm gián điệp.

Bộ Ngoại giao Nga hôm 29/6 cũng ra tuyên bố bày tỏ hy vọng rằng phía Mỹ sẽ đối xử tốt với các công dân Nga trong quá trình xét xử và chính quyền Mỹ sẽ cho phép luật sư Nga được tiếp cận các công dân của mình trong quá trình điều tra xét hỏi.

Ngay trước cuộc gặp với cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã nói: "Cảnh sát Mỹ đã xử lý vụ việc, nhiều người đã bị bắt giam. Tôi hy vọng rằng những tiến bộ tích cực vừa gặt hái được trong quan hệ Nga - Mỹ thời gian gần đây sẽ không bị tổn hại bằng những sự kiện như thế này. Tôi hy vọng rằng những người cổ vũ cho mối quan hệ Nga - Mỹ sẽ hiểu điều đó".

Các nhà phân tích nhận định rằng, quyết định công khai bắt giữ và xét xử 11 người bị tình nghi là gián điệp của Nga nói trên của Mỹ là một gáo nước lạnh đối với quan hệ vừa được tạo dựng lại giữa Nga-Mỹ.

Điều đáng nói là bản thân Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã được thông báo về việc bắt giữ 11 công dân Nga ngay trước khi ông tiến hành cuộc gặp gỡ với người đồng cấp Dmitry Medvedev trong chuyến công du nước Mỹ cách đây vài ngày. Vì vậy, giới quan sát cho rằng, phải chăng, Mỹ đang chơi trò "cây gậy và củ cà rốt" trong quan hệ với Nga để thể hiện thái độ của mình.

Những mâu thuẫn và mối nghi ngờ về bê bối gián điệp này lại càng ngày càng trở nên rắc rối khi thông tin về hồ sơ của 11 nhân vật trong cái gọi là "đường dây gián điệp" được mở rộng ra phạm vi ngoài nước Nga và Mỹ

Sông Thương
.
.
.