Bầu cử quốc hội giữa kỳ ở Mỹ: Cuộc đua giữa Đảng Dân chủ và Cộng hòa

Thứ Tư, 03/11/2010, 09:15
Dư luận Mỹ đặc biệt quan tâm tới cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ hôm 2/11 (theo giờ địa phương) bởi liên quan tới nhiều vấn đề của người dân cũng như chính trường nước này. Kết quả cuộc bầu cử này có ảnh hưởng nhất định tới Tổng thống Barack Obama bởi chiến thắng của đảng Cộng hoà có thể khiến những chương trình cải cách mà ông theo đuổi bị đảo ngược.

Theo kết quả thăm dò trước thềm cuộc bỏ phiếu, đảng Dân chủ sẽ thua đậm và đảng Cộng hoà có thể kiểm soát Hạ viện và điều này gây khó khăn lớn đối với những quyết sách của Tổng thống Barack Obama thời gian tới.

Theo kết quả thăm dò dư luận do tờ New York Times thực hiện, 60% người Mỹ cho rằng kinh tế hay việc làm là vấn đề quan trọng nhất đối với đất nước. Theo kết quả thăm dò do kênh truyền hình NBC News và tờ Wall Street Journal thực hiện và công bố hôm 31/10, 84% số cử tri được hỏi không hài lòng với tình hình kinh tế. Cuộc bầu cử cũng được coi là phép thử đối với uy tín chính trị của Tổng thống Barack Obama.

Giới chuyên môn cho rằng, kinh tế là đề tài được cử tri quan tâm hơn cả tại cuộc bầu cử hôm 2/11 và điều này đang được đảng Cộng hòa khai thác triệt để. Một trong những thế mạnh của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ là chỉ trích những bất cập trong công tác điều hành chính phủ của Tổng thống Barack Obama, nhất là trong cuộc cải cách y tế lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Tỷ lệ tín nhiệm của ông Barack Obama đang giảm đáng kể sau khi theo đuổi cuộc cải cách này. Tiếp đến là tỷ lệ thất nghiệp cao (9,6%), tình trạng di dân bất hợp pháp cũng như "thảm họa dầu tràn" ở vịnh Mexico là những chủ đề chính tác động tiêu cực tới Tổng thống Barack Obama và đảng Dân chủ.

Tại Hạ viện, hiện đảng Dân chủ đang chiếm 255 ghế so với 178 ghế của đảng Cộng hòa. Nếu đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện, còn đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện thì đây là lần đầu tiên kể từ năm 1930 Quốc hội Mỹ chia đều cho 2 đảng. Việc phải rời ghế Chủ tịch Hạ viện của bà Nancy Pelosi, người của đảng Dân chủ cũng là một tín hiệu không tốt lành.

Hạ nghị sĩ John Boehner, lãnh đạo của đảng Cộng hòa tại Hạ viện có thể sẽ thay bà Nancy Pelosi làm Chủ tịch Hạ viện. Đảng Cộng hòa dự kiến cũng sẽ giành đa số trong cuộc đua quan trọng vào 37 ghế Thống đốc bang, tạo lợi thế cho họ trong việc quy hoạch lại các khu vực bầu cử (được thực hiện 10 năm một lần) vào năm tới.

Tổng thống Barack Obama và cựu Tổng thống Bill Clinton vận động tranh cử cho đảng Dân chủ.

Theo tờ Los Angles Times, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ lần này là một trong những chiến dịch tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ với chi phí cho chiến dịch vận động của cả hai đảng vào khoảng 4 tỷ USD. Theo ước tính, đảng Dân chủ đã chi gần gấp đôi ngân quỹ dành cho các ứng cử viên so với mức năm 2008 - tăng từ 76 triệu USD lên 145 triệu USD trong cuộc bầu cử hiện nay. Còn đảng Cộng hòa cũng đã chi 121 triệu USD, gần gấp năm lần so với hai năm trước.

Dư luận khá quan tâm tới tuyên bố trên truyền hình của cựu ứng cử viên Phó Tổng thống của đảng Cộng hòa năm 2008, nữ cựu Thống đốc bang Alaska, bà Sarah Palin: cuộc bầu cử diễn ra ngày 2/11 là một cơn địa chấn về chính trị. Giới truyền thông đưa tin, cử tri Mỹ đang trong tâm trạng chán nản, tức giận và sẵn sàng quay lưng với đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ.

Cuộc bỏ phiếu hôm 2/11 sẽ tác động mạnh tới tỷ lệ ghế tại Hạ viện (bầu 435 ghế) cũng như hơn 1/3 số Thượng nghị sỹ (37/100) ghế và Thống đốc của 37/50 bang của Mỹ. Đảng Cộng hòa phải giành thêm 39 ghế mới kiểm soát Hạ viện và đây là điều họ có thể làm được trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ.

Giới kinh tế cho rằng, chiến thắng vượt trội dù của đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa đều có thể khiến thị trường chứng khoán biến động mạnh. Có người đặt giả thiết, nếu đảng Dân chủ bất ngờ chiến thắng và giành quyền kiểm soát tại Hạ và Thượng viện, nhà đầu tư sẽ xả mạnh cổ phiếu do lo lắng về khung điều tiết thắt chặt. Nếu đảng Cộng hòa kiểm soát tại Thượng và Hạ viện, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ tăng điểm trong ngắn hạn bởi dự báo về khả năng nhiều chính sách chưa vội thông qua.

Ngoài việc cùng Đệ nhất phu nhân Michelle Obama tiến hành các chuyến đi vận động tại nhiều bang, Tổng thống Barack Obama còn trả lời phỏng vấn với Ryan Seacrest, dẫn chương trình American Idol. Tổng thống Barack Obama đã ghi âm các bài phỏng vấn cho các đài phát thanh ở những thành phố Milwaukee, Cincinnati, Philadelphia, HonoluluMiami.

Trong các bài phát biểu khi vận động, Tổng thống Barack Obama thường nhắc lại khẩu hiệu "Chúng ta có thể", "Tin vào thay đổi" từng đem lại chiến thắng cho ông trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2008.

Ngày 1/11, cựu Tổng thống Bill Clinton cũng có chuyến đi vận động cho đảng Dân chủ ở New York, PennsylvaniaWest Virginia.

Cũng không thể xem nhẹ phản ứng của Phong trào phản kháng từ quần chúng (Tea Party) cho dù nó được hình thành từ các cuộc biểu tình của người Mỹ cách đây khoảng 1,5 năm (tháng 4/2009). Mặc dù Tea Party không chính thức thuộc đảng Cộng hoà nhưng những người ủng hộ phong trào này là những đảng viên bảo thủ của đảng Cộng hoà. Tính đến nay Tea Party đang ủng hộ 138 ứng cử viên trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Có tới 55% người Mỹ cho rằng, Tea Party có thể làm thay đổi cách thức của chính phủ

Lê Chí Thiện
.
.
.