Bất đồng đàm phán, đối thoại Lima nguy cơ bế tắc

Thứ Hai, 15/12/2014, 09:26
Hội nghị khí hậu Liên hợp quốc (LHQ) (COP-20) tại Lima, Peru đã phải kéo dài sang ngày 13/12, giờ địa phương (tức sáng 14/12 theo giờ Việt Nam) do các nhà đàm phán vẫn không thu hẹp được những bất đồng xung quanh thỏa thuận cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính giữa nước giàu và nước nghèo. Theo Thư ký hội nghị, việc này nhằm kéo dài thời gian thương lượng giữa các bên, tạo điều kiện để nhóm làm việc hoàn tất văn bản cuối cùng trước khi đưa ra thông qua tại vòng thảo luận ở Paris (Pháp) năm 2015.

Tối 13/12, Bộ trưởng Môi trường Peru, chủ tọa hội nghị, đã gặp gỡ các trưởng đoàn trong nỗ lực đưa ra một dự thảo mới mà các bên có thể chấp nhận. Đại diện nước chủ nhà cũng đã yêu cầu các nhà đàm phán soạn thảo một văn bản trình bày quan điểm về bốn vấn đề “gai góc”, gồm: phạm vi các cam kết về chống biến đổi khí hậu (hạn chế khí thải C02 hay cam kết về tài chính, chuyển giao công nghệ sạch và hỗ trợ các nước nghèo; sự minh bạch thông tin trong các bản báo cáo về quá trình thực hiện cam kết; công tác giám sát việc thực hiện các cam kết và cách thức duy trì những thành quả đạt được. Tuy nhiên, những nỗ lực này dường như khó có kết quả.

Trưởng đoàn đàm phán Bolivia cho biết, hầu hết các đại diện châu Phi đã rời hội nghị. Trong khi đó, đại diện của Mỹ Told Stern cảnh báo thất bại của hội nghị Lima có thể đẩy Công ước khung về biến đổi khí hậu, diễn đàn toàn cầu có 22 năm hoạt động, bị sụp đổ và hội nghị Paris trong năm tới đứng trước nguy cơ thất bại. Ông Todd Stern kêu gọi tất cả các bên chấp nhận các văn bản thỏa hiệp.

Ông Stern nói: “Chúng ta không có thời gian cho các cuộc đàm phán mới kéo dài, và tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều biết điều này. Chúng ta cũng cần chú ý rằng, văn bản này đã thể hiện được sự cân bằng và thời gian cho chúng ta cũng không còn nhiều”. Các quốc gia ven biển kêu gọi sự nỗ lực chung cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, một trong những nguyên nhân khiến Trái Đất ấm lên khiến nhiều nguy cơ khiến các quốc đảo biến mất.

Ông James Flesher, đại diện của quốc đảo Saint Lucia nhấn mạnh: “Đối với chúng tôi, để đạt được một thỏa thuận thì phải thực hiện rất nhiều điều. Điều đó rất tốn kém nhưng bạn không thể đặt một cái giá đối với sinh mạng con người, bạn cũng không thể đặt giá đối với việc nhiều quốc gia ven biển đang dần biến mất. Tôi nghĩ rằng, điều mà chúng ta cần phải nhận ra rằng, để đạt được thỏa thuận sẽ rất tốn kém nhưng chúng ta cần thực hiện”.
Các đại biểu đàm phán tại Hội nghị COP-20. Ảnh: Actualidad Ambiental/SPDA

Mục tiêu của hai tuần hội nghị tại Lima là đạt được một thỏa thuận, được coi là xương sống cho hiệp ước khí hậu toàn cầu dự kiến được thông qua tại hội nghị tổ chức ở Paris năm 2015. Mặc dù đây không phải là mục tiêu tham vọng vì chỉ dừng lại ở mức thỏa thuận về việc các vấn đề được nêu ra, song bất đồng giữa các bên về hạn ngạch giảm khí phát thải tiếp tục đẩy hội nghị Lima vào bế tắc.

Nhóm các nước đang phát triển tiếp tục phản đối dự thảo mà họ đánh giá là không cân đối được việc giải quyết lượng khí thải carbon với việc hỗ trợ các nền kinh tế dễ bị tổn thương và cho phép các nước giàu lẩn tránh trách nhiệm trong cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu. Các nền kinh tế phát triển muốn các cam kết về cắt giảm khí thải, trong khi các nền kinh tế đang phát triển muốn các cam kết hỗ trợ tài chính.

Các nước đang phát triển cho rằng, phương Tây phải gánh trách nhiệm lớn trong cuộc chiến khí hậu vì tình trạng biến đổi khí hậu là hậu quả của hàng thập kỷ phát triển kinh tế của những nước này.

Các nước công nghiệp giữ quan điểm cho rằng, một số nước đang phát triển mạnh như Trung Quốc và Ấn Độ đang sử dụng lượng than đá quá lớn để cung cấp năng lượng cho sự tăng trưởng chính là nguyên nhân sản sinh ra lượng khí thải lớn trên toàn cầu, do vậy lượng khí thải cần cắt giảm cũng phải nhiều hơn. Tuy vậy, Trung Quốc cho rằng, dự thảo thỏa thuận biến đổi khí hậu đã đặt quá nhiều gánh nặng đối với người nghèo để hạn chế khí thải nhà kính so với những nước giàu.

Ông Lưu Chấn Dân, đại diện của Trung Quốc nói: "...Quan điểm của chúng tôi là dự thảo hiện nay cần phải được sửa đổi thêm để có thể phản ánh sự khác biệt giữa các nước phát triển và đang phát triển. Chúng tôi muốn đạt được sự đồng thuận tại Lima, nhưng hiện tại đang bế tắc”.

Cũng tại COP-20, Mỹ và Canada là hai nước bị kịch liệt phản đối. Các nhà hoạt động về môi trường Bắc Mỹ đã yêu cầu lãnh đạo hai nước này có câu trả lời rõ ràng về mối quan hệ giữa chính quyền với các công ty năng lượng hóa thạch, cũng như tương lai của một số dự án dầu khí lớn tại châu Mỹ.

Về phía Mỹ, các nhà hoạt động xã hội dân sự bày tỏ lo ngại về sự thiếu kết nối giữa thông điệp mà Washington dùng trong hội nghị ở Lima với tình hình khai thác nhiên liệu hóa thạch của nước này. Bài diễn văn của Ngoại trưởng John Kerry tại Hội nghị mâu thuẫn với sự lưỡng lự của chính quyền Mỹ trong việc bãi bỏ dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL, được đề xuất xây dựng với mục đích vận chuyển hơn 800.000 thùng nhựa đường một ngày từ tỉnh Alberta của Canada sang các nhà máy lọc dầu tại bang Texas, Mỹ.

Dyanna Jaye, đại biểu thanh niên Mỹ tham dự Hội nghị nói: “Cách tốt nhất mà Mỹ có thể hỗ trợ sự tiến bộ trong các cuộc đàm phán về khí hậu của LHQ là bắt đầu ngay ở trong nước bằng cách từ chối xây dựng các đường ống dẫn dầu Keystone XL bây giờ”.

Dự án xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL vẫn bị đình trệ kể từ năm 2011. Sau khi dự án được thỏa thuận, các nhà hoạt động môi trường đã kịch liệt phản đối, đồng thời liên tục gây áp lực nhằm thúc ép Tổng thống Barack Obama từ chối. Chính phủ Canada cũng bị chỉ trích vì thiếu quyết tâm hành động vì môi trường trong thực tế, cũng như có mối quan hệ chặt chẽ với các công ty nhiên liệu hóa thạch.

Hà Khổng (tổng hợp)
.
.
.