Bất chấp rủi ro, châu Âu không bỏ Hy Lạp

Thứ Hai, 03/08/2015, 09:05
Dù biết rõ những rủi ro của thỏa thuận cứu trợ tài chính mới này, nhưng đa số tại châu Âu đã sẵn sàng hoặc buộc phải chấp nhận một cái giá rất cao để giữ lại Hy Lạp, một quốc gia với GDP chưa đầy 2%, ở lại Eurozone.

Nỗ lực giữ Hy Lạp lại trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tìm được sự đồng thuận ở đại đa số các lãnh đạo châu Âu, bất chấp không biết bao nhiêu lần giả thiết Grexit (Hy Lạp giã từ Eurozone) được đặt lên bàn hội nghị, sau khi Athens và các chủ nợ quốc tế đã đạt được hiệp định hỗ trợ mới hôm 13/7 vừa qua, sau cuộc thương thuyết kéo dài hơn nửa năm về vấn đề nợ công của Hy Lạp.

Dù biết rõ những rủi ro của thỏa thuận cứu trợ tài chính mới này, nhưng đa số tại châu Âu đã sẵn sàng hoặc buộc phải chấp nhận một cái giá rất cao để giữ lại Hy Lạp, một quốc gia với GDP chưa đầy 2%, ở lại Eurozone.

Những rủi ro

Để giành được gói cứu trợ thứ ba này, Hy Lạp đã phải trả giá rất lớn, thậm chí là một phần chủ quyền và danh dự của đất nước mình. Nội dung chủ yếu dự thảo hiệp định mới này bao gồm các lĩnh vực như lương hưu, cơ chế thuế, tư nhân hóa tài sản nhà nước… Đây được xem là rủi ro đầu tiên, rủi ro khi điều chỉnh ý dân. Đối với những cải cách bao gồm lương hưu, cơ chế thu thuế, tư nhân hóa tài sản của nhà nước, cho dù là nhà kinh tế hay người dân bình thường thì cũng đều oán trách.

Chuyên gia kinh tế Haralambos của Hy Lạp cho rằng, hiệp định này đối với Hy Lạp đồng nghĩa với “đau khổ, nhục nhã và chế độ nô lệ”. Hiệp định hỗ trợ mới này đã gây ra làn sóng phản đối rất mạnh ở trong nước. Tiếp đó là rủi ro về cải cách. Rất nhiều bộ, ngành của Hy Lạp cơ bản ở vào trạng thái nửa trì trệ, nhân viên lười nhác, không ít người cho rằng, nhiều điều khoản của hiệp định không thể thực hiện được.

Trong một phát biểu gần đây, cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Veroufakis cho biết, hiệp định viện trợ mới là tai họa lớn nhất trong lịch sử quản lý kinh tế vĩ mô, cho dù là chính sách của các nhân ai, của chính đảng nào cũng không thể thành công, biện pháp cải cách kinh tế mà chủ nợ gây sức ép với Athens sẽ thất bại.

Cuối cùng là rủi ro chính trị. Vào thời điểm hiện tại, tiếng nói phản đối đương kim Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nhiều nhất không phải là đảng đối lập, mà từ trong nội bộ đảng cầm quyền. Ông Tsipras không những có thể cải tổ nội các mà thậm chí còn cho tiến hành bầu cử trước thời hạn. Do đã ký hiệp định này (hiệp định cứu trợ mới - PV), nên Thủ tướng Tsipras bị chỉ trích và phản đối trong nội bộ “liên minh cánh tả cấp tiến” cầm quyền do ông lãnh đạo.

Trong lần bỏ phiếu này, phe đối lập cơ bản bỏ phiếu ủng hộ, đảng Người Hy Lạp độc lập trong liên minh cầm quyền cũng bỏ phiếu ủng hộ, nhưng có 32 nghị sĩ trong liên minh cầm quyền lại bỏ phiếu phản đối, 6 nghị sĩ bỏ phiếu trắng. Mặc dù Thủ tướng Hy Lạp nhanh chóng cải tổ nội các, nhưng nước này vẫn còn khả năng xảy ra rối ren chính trị trong tương lai.

Giới chính trị Hy Lạp bày tỏ, tuy chính quyền Thủ tướng Tsipras giành được đa số phiếu tại quốc hội, nhưng sự phản đối quyết liệt ngay trong nội bộ đảng cầm quyền có nghĩa là ông sẽ đối mặt với rủi ro lớn gây chia sẽ nội bộ đảng. Nếu các thành viên cực tả thuộc liên minh cầm quyền tiếp tục chống đối, liên minh cầm quyền sẽ bị ép phải bầu cử trước thời hạn.

Hy Lạp – miếng ghép không thể thiếu của EU?

Giới chuyên gia phân tích cho rằng, phần lớn nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền “trở giáo” chống lại Thủ tướng Tsipras sẽ làm cho liên minh cầm quyền sau này càng khó thúc đẩy dự luật có liên quan. Trong tình hình ngành ngân hàng vẫn còn trì trệ, tiền trợ giúp còn chưa nhận được đầy đủ, bất kỳ rối ren chính trị nào cũng có thể làm cho Hy Lạp lại đối mặt với rủi ro.

Miếng ghép không thể thiếu của EU

Theo quan điểm của cựu Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jacques Delors, cựu Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Pascal Lamy và cựu Ủy viên công lý châu Âu Antonio Vitorino, sẽ là một sai lầm nếu chỉ xem xét cuộc khủng hoảng Hy Lạp dưới góc độ hệ quả tài chính và kinh tế của viễn cảnh Grexit, “cần phải nhìn nhận vấn đề Hy Lạp theo một quan điểm địa chính trị, như một vấn đề của châu Âu”.

Trong khi đó, theo nhà bình luận chính trị Bernard Guetta, dù có chán ngán người Hy Lạp thế nào chăng nữa, thì ngay cả những người châu Âu khắc nghiệt nhất cũng không muốn Hy Lạp phải ra đi, bởi việc này sẽ làm rung chuyển tận nền móng Eurozone và toàn bộ EU. Nhà nghiên cứu Janis Emmanoulidis tới từ Viện Tư vấn European Policy Center chỉ ra rằng, ý nghĩa của việc này là, người châu Âu “coi trọng trước hết sự thống nhất, bất kể họ có trách cứ gì nhau, và sự chia rẽ giữa các định chế châu Âu với các công dân của mình sâu đến mức nào”.

Tinh thần thống nhất của châu Âu ở đây có thể được hiểu trước hết như là cái cơ sở để đối mặt với những đe dọa địa chính trị chung. Ông Emmanoulidis nhấn mạnh, trong bối cảnh này, “việc chúng ta không có khả năng giải quyết được các vấn đề nội bộ sẽ phát đi một thông điệp xấu”.

Bên cạnh đó, có rất nhiều hệ lụy địa chính trị và kinh tế, khiến cho giả thiết Grexit tốn kém hơn nhiều so với việc nỗ lực tìm ra một giải pháp. Thiệt hại về kinh tế của kịch bản Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro, được một số chuyên gia ước tính là hàng trăm tỷ euro. Tuy nhiên, liệu có thể quy được thành tiền các thiệt hại về “địa chính trị”?

Với vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, và cũng là vị trí tiền tiêu của của NATO, Hy Lạp có tỷ lệ chi phí quốc phòng cao nhất, Hải quân Hy Lạp kiểm soát 15.000 cây số đường bờ biển. Nếu vắng Hy Lạp, khả năng phòng thủ của châu Âu sẽ bị yếu đi, bởi đảo Crète của Hy Lạp chính là nơi trú đóng của Hạm đội 6 Mỹ. Tại Bruxelles, nhiều người lo ngại sự ra đi của Hy Lạp sẽ làm thay đổi thế cân bằng chiến lược trong khu vực.

Khổng Hà
.
.
.