Bảo tồn di sản bị IS phá hủy bằng công nghệ 3D

Thứ Bảy, 05/09/2015, 08:10
Trước hành động gia tăng phá hủy các di sản thế giới ở Iraq và Syria của thành viên tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), một nhóm nhà khảo cổ học thuộc Trường Đại học Oxford và Harvard đã xúc tiến dự án trao 5.000 camera cho người dân ở các vùng xung đột để chụp 1 triệu hình ảnh các di sản đang gặp rủi ro.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và văn hóa Liên Hợp Quốc (LHQ) cũng đang tiến hành việc sử dụng vệ tinh theo dõi và phương cách bảo tồn di sản bằng tia bức xạ.

Phục hồi trong không gian ảo

Báo cáo của UNESCO được công bố hồi cuối tháng 8 vừa qua cho hay, ít nhất 300 di sản văn hóa của Syria đã bị phá hủy, trong đó có 24 địa điểm bị biến mất hoàn toàn, 190 di sản bị phá nghiêm trọng và gần 80 di sản khác đang có nguy cơ bị tấn công bất cứ lúc nào...

Hàng chục ngàn hiện vật lịch sử trải dài 10.000 năm ở các bảo tàng ở Syria cũng đã bị loại bỏ. Nhà thờ Hồi giáo Umayyad ở thành phố Aleppo với di tích cổ kính nhất là tòa tháp có chiều cao 45m được xây dựng vào thế kỷ XI cùng khu phố cổ ở phía Tây Nam thành phố đã bị phá hủy. Đây là một tổn thất không thể bù đắp đối với nền văn hóa của nhân loại vì các di sản của Syria là những minh chứng vĩ đại cho đế chế Trung Đông.

Một ngôi đền ở Iraq bị IS phá hủy. Để tái tạo lại di sản này, các nhà khoa học của UNESCO đang kêu gọi người dân cung cấp các bức ảnh 2D về ngôi đền này rồi từ đó xử lý thành hình ảnh 3D. Ảnh: AP.

Trong khi đó, Viện Nghiên cứu và đào tạo LHQ (UNITAR) cho hay, mức độ hư hại của 6 di sản được công nhận là Di sản thế giới ở Syria là vô cùng nghiêm trọng, trong đó có thành cổ Damascus, vốn có người ở từ cách đây 4.000 năm; pháo đài Qal'at al-Hosn, nhà hát Bosra… Nhưng kinh hoàng nhất vẫn là sự tàn phá của IS đối với cổ vật ở Iraq, nhất là thành phố cổ Nimrud ở phía Bắc nước này; những bức tường thành Nineveh của người Assyria ở tỉnh Mosul có niên đại khoảng năm 700 trước Công nguyên, được xây dựng vào lúc nền văn minh cổ đại của người Assyria phát triển hưng thịnh ở Iraq;…

Vì vậy, các nhà khảo cổ học đang vận động những người tình nguyện ứng dụng công nghệ 3D để phục hồi những di sản văn hóa đã mất hay bị phá hoại bởi IS ở Syria và Iraq. Đứng đầu dự án này là Chance Coughenour và Matthew Vincent, là hai nghiên cứu sinh tiến sĩ đang làm việc cho Mạng Huấn luyện ban đầu về Di sản Văn hóa kỹ thuật số (ITN-DCH) - một dự án được Liên minh châu Âu (EU) tài trợ nhằm mục đích ứng dụng công nghệ mới vào các vấn đề liên quan đến di sản văn hóa của nhân loại.

Cụ thể, các di sản văn hóa sẽ được phục hồi bằng phương pháp quang trắc - kỹ thuật phổ biến trong các dự án di sản văn hóa hiện đại, sử dụng phần mềm để xử lý nhiều hình ảnh 2D của một vật thể đơn lẻ thành hình ảnh 3D. Matthew Vincent cho biết, bước đầu tiên của dự án là khôi phục lại các đồ cổ ở Nhà Bảo tàng Mosul. Hỗ trợ cho chương trình này còn có nhóm các nhà khảo cổ học đến từ Đại học Oxford và Harvard. Những người này đã trao 5.000 camera cho người dân ở các vùng xung đột với IS tại Iraq và Syria để họ chụp lại hình ảnh các di sản đang gặp rủi ro. Roger Michel, Giám đốc điều hành Viện Khảo cổ kỹ thuật số, đơn vị tham gia chương trình này nói: “Khắp Trung Đông, người dân đều thể hiện tinh thần bảo vệ lịch sử của mình một cách mạnh mẽ, vì vậy họ luôn sẵn sàng hỗ trợ dự án của chúng tôi”.

Công nghệ bảo tồn bằng tia bức xạ

Song song với chương trình bảo tồn di sản văn hóa bằng công nghệ 3D của các nhà khảo cổ học, UNESCO cũng đang tiến hành một loạt biện pháp khác nhằm ngăn chặn hành động tàn phá của IS, trong đó có việc sử dụng vệ tinh theo dõi các di tích cổ ở Syria, Iraq, Yemen và Libya.

Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova khẳng định, các hình ảnh chụp từ vệ tinh với độ phân giải cao sẽ cho thấy các hành vi phá hoại của IS tại các di tích cổ rồi từ đó giúp tạo lập dữ liệu để Interpol vào cuộc điều tra, truy lùng, thậm chí bắt giữ những kẻ phá hoại di tích cổ. Chưa hết, cơ sở dữ liệu thu được qua vệ tinh cũng có thể được coi là bằng chứng cụ thể về mức độ tàn phá và cướp bóc của IS để đưa những thủ phạm này ra trước Tòa án Hình sự quốc tế. Đơn vị mà UNESCO lựa chọn để ký kết hợp đồng thực hiện là Cơ quan vũ trụ Ấn Độ.

Ngoài ra, UNESCO cũng sẽ cử các đoàn chuyên gia đến khảo sát các di tích cổ đã bị IS phá hủy và xem xét việc sử dụng công nghệ bức xạ ion của Viện  Nghiên cứu vật lý ứng dụng và tự động hóa (NITFA) thuộc Công ty Rosatom của Nga trong quá trình khôi phục lại các di tích.

Được biết, hồi tháng 7 vừa qua, UNESCO đã thử nghiệm thành công khi kết hợp việc sử dụng công nghệ bức xạ ion và công nghệ trình chiếu chùm ánh sáng laser 3D để tái dụng lại bức tượng Phật đứng Bamiyan 1.500 tuổi tại miền Trung Afghanistan từng bị Taliban phá hủy hồi tháng 3/2001. Trước đó, UNESCO cũng đã cử đoàn chuyên gia đến học tập kinh nghiệm của các nhà khoa học ở Đại học Hong Kong khi họ sử dụng công nghệ 3D dựng lại một phần khu hang động Phật giáo Mạc Cao, Đôn Hoàng, Trung Quốc.

Ngọc Khuê
.
.
.