Hiểm họa môi trường và tầm vóc Trung Quốc:

Bài học cho nhiều quốc gia

Chủ Nhật, 10/07/2011, 13:28
Bên cạnh những thành tựu kinh tế đạt được trong thời gian qua, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với những bất ổn, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường. Lựa chọn quay lưng lại với môi trường để chạy theo những chỉ số kinh tế liệu có mang lại sự ổn định nội tại để Trung Quốc có thể thực hiện những tham vọng của mình?
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đang ngày càng khẳng định sức mạnh kinh tế của mình trên diễn đàn kinh tế thế giới. Năm 2010, Trung Quốc vượt qua Nhật Bản vươn lên trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới sau Mỹ. Trong suốt 5 năm từ 2003 - 2008, Trung Quốc đã liên tục đạt mức tăng trưởng kinh ngạc 11% năm. Sự phục hồi nhanh của nền kinh tế sau khủng hoảng và việc vượt qua Đức trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới năm 2009 càng khẳng định sức mạnh kinh tế của Trung Quốc.

Những biến chuyển ấy kéo theo sự thay đổi cơ bản trong triết lý quốc gia. Từ một Trung Quốc giấu mình chờ thời theo phương châm của Đặng Tiểu Bình thì nay Trung Quốc đã không ngần ngại thể hiện tư tưởng trỗi dậy hòa bình với tham vọng trở thành cường quốc của khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên những điểm sáng trong thành tựu về kinh tế hiện nay Trung Quốc không thể che lấp được những hệ lụy gây ra bởi chính sách phát triển kinh tế bằng mọi giá trong thời gian qua.

Đối lập với hình ảnh một quốc gia hiện đại, giàu có và phát triển mà Trung Quốc đã cố trưng bày với thế giới qua việc tổ chức hai sự kiện quốc tế lớn là thế vận hội thể thao quốc tế Olympic Bắc Kinh 2008 và Triển Lãm quốc tế Thượng Hải 2010 là một hình ảnh về một Trung Quốc đã đối mặt với nguy cơ của các vấn đề xã hội và môi trường. Cái giá phải trả cho sự bất chấp ấy chính là sức khỏe, thậm chí là mạng sống của hàng triệu người dân Trung Quốc. Tương ứng với sự gia tăng của các chỉ số kinh tế là những thảm họa về chỉ số con người.

Hình ảnh trong một vụ sập mỏ than ở Trung Quốc.

Mỗi năm Trung Quốc có hơn 750.000 ca tử vong liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến ô nhiễm môi trường. Trong báo cáo đầu năm 2011, Bộ Y tế Trung Quốc cho biết tình trạng ô nhiễm đã làm tăng nguy cơ ung thư 19% tại các khu đô thị và 23% tại những vùng quê kể từ năm 2005.

Thêm vào đó, trong báo cáo năm 2010 về chỉ số phát triển con người dựa theo ba tiêu chí của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) gồm: chất lượng chăm sóc sức khỏe, tiếp cận giáo dục và chất lượng sống thì Trung Quốc xếp thứ 89 kém xa các nước phát triển khác như Úc (xếp thứ 2) Mỹ (xếp thứ 4), Đức (xếp thứ 10). Như vậy những thành tựu về kinh tế vẫn chưa đủ để Trung Quốc được xếp vào vị trí của một quốc gia phát triển dù Trung Quốc đang thể hiện vị thế của một cường quốc. Có vẻ như những dấu hiệu bất ổn nội tại trong lòng xã hội Trung Quốc có thể sẽ trở thành một nguy cơ đe dọa tham vọng của một quốc gia đang gồng mình để trở thành siêu cường.

Năng lượng luôn là vấn đề cốt yếu trong việc phát triển kinh tế của một quốc gia. Nhìn từ góc độ này có thể thấy cỗ máy kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào hai nguồn năng lượng chủ yếu từ than và dầu mỏ. Trong đó, than bảo đảm cung cấp 70%, và dầu mỏ cung cấp 21% nhu cầu tiêu thụ năng lượng hàng năm của Trung Quốc. Thực tế cho thấy rằng sự lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu than đã làm tan hoang môi trường nhiều vùng Trung Quốc.

Theo thống kê những vùng này chiếm tới 16 thành phố trong danh sách 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Tính riêng năm 2006, nước này dùng 2,7 tỉ tấn than - hơn số lượng tiêu thụ than của cả Mỹ, Nhật và Anh cộng lại. Hậu quả là nhiều thành phố ở Trung Quốc đang bị đe dọa bởi sự ô nhiễm của các mỏ khai thác năng lượng và than. Những khu vực như tỉnh Sơn Tây, Tân Cương, Nội Mông, Tây Tạng đang bị chính quyền Trung Quốc hủy hoại bằng các ngành công nghiệp khai thác than và quặng mỏ. Ô nhiễm môi trường, nguồn nước và không khí ở các thành phố có mỏ than là nguyên nhân gây các căn bệnh ung thư cũng như làm giảm sút sức khỏe của con người.

Theo thống kê năm 2007 của Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc, cứ 30 giây có một trẻ em khuyết tật được sinh ra ở nước này. Tỉ lệ trẻ khuyết tật trên toàn Trung Quốc đã tăng 40% kể từ năm 2001, trung bình 10.000 trẻ sơ sinh thì có 145,6 trẻ bị khuyết tật. Thiểm Tây - nơi bị ô nhiễm nặng nề nhất bởi những mỏ khai thác than - có tỉ lệ cao nhất, gấp đôi tỉ lệ trung bình của quốc gia này.

Hơn ai hết Trung Quốc ý thức rõ rằng việc 90% sulfur dioxide và 50% khí thải độc hại khác đều bắt nguồn từ than, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Tuy nhiên những nhu cầu bức bách về năng lượng đã khiến Trung Quốc không hề giảm bớt lượng tiêu thụ và khai thác than mỗi năm. Nó đặt ra một câu hỏi lớn về sự hy sinh sức khỏe và tính mạng những công dân của một quốc gia cho chính những mục tiêu kinh tế của quốc gia đó.

Khí độc và bụi than là nguyên nhân chủ yếu gây nên những ngôi làng, hoặc những thành phố hoang hóa. Chính sự cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm bụi than đã trở thành một trong những nguyên nhân chính khiến cho những người dân không thể sinh sống trong những ngôi làng của họ, buộc họ phải di cư để tìm kiếm công việc ở những thành phố mới.

Theo số liệu của Cục Thống kê Trung Quốc thì năm 2008, đã có 220 triệu người rời bỏ quê hương để đi tìm việc ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, mâu thuẫn bắt nguồn từ việc hy sinh môi trường cho những mục tiêu kinh tế không dừng lại ở đó. Việc khai thác đến cạn kiệt nguồn tài nguyên, phá hủy môi trường sống ở những khu vực tự trị như Nội Mông, Tây Tạng hay Tân Cương cũng trở thành một trong những nguyên nhân khiến mâu thuẫn sắc tộc gia tăng.

Trước sự cạn kiệt và khan hiếm các nguồn tài nguyên, Trung Quốc phải gánh chịu một sức ép năng lượng khổng lồ và buộc phải tìm kiếm các hướng tiếp cận với các nguồn năng lượng trên thế giới. Điều này đang buộc thế giới phải đặt câu hỏi về tương lai của những vùng đất mà Trung Quốc sẽ định tiếp cận các nguồn năng lượng. Năm 2009, Trung Quốc đầu tư gần 10 tỉ đô la và giao thương với các quốc gia châu Phi tăng vọt khi Bắc Kinh mua nhiều dầu hỏa và các nguyên liệu thô khác để cung cấp cho nền kinh tế phát triển nhanh chóng của mình. Và tất nhiên người hưởng lợi từ các hợp đồng giao thương này chưa bao giờ là các quốc gia Châu Phi.

Thật vậy, thặng dư thương mại bao giờ cũng nghiêng về Trung Quốc trong khi Trung Quốc hàng năm nhập khoảng 30.000 tấn nguyên liệu thô phốt phát từ Senegal thì đổi lại quốc gia này lại nhập khẩu các mặt hàng như chè, sản phẩm dệt may và các sản phẩm công nghiệp nhẹ khác từ Trung Quốc. Bên cạnh đó số lượng công nhân Trung Quốc tại Senegal nói riêng hay tại các quốc gia châu Phi không ngừng tăng lên nhờ vào những hợp động chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực xây dựng được ký kết giữa hai bên.

Hiện tại có khoảng 130.000 người Trung Quốc đang sinh sống và làm ăn tại châu Phi và con số này vẫn tiếp tục tăng lên theo chính sách hợp tác kinh tế ngày càng chặt chẽ giữa các quốc gia châu Phi và Trung Quốc. Có lẽ ít có sự đầu tư nào lại mang lại nhiều lợi nhuận cho phía Trung Quốc hơn những khoản viện trợ mà quốc gia này đang dành cho các nước châu Phi.

Đối lập với hình ảnh Trung Quốc là Cộng hòa Liên bang Đức. Cả thế giới đã bất ngờ đến cảm phục khi chứng kiến sự đoàn kết của dân tộc và lãnh đạo nước Đức trong việc kiên quyết đoạn tuyệt với năng lượng hạt nhân, thể hiện bằng tuyên bố của thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 30 tháng 5 vừa qua. Thậm chí hơn 70% người dân Đức khi được phỏng vấn đã trả lời rằng họ muốn trả thêm tiền để được sử dụng năng lượng mới thay thế năng lượng hạt nhân. Những người dân ấy sẵn sàng hi sinh lợi ích cá nhân để tránh cho dân tộc mình, đất nước mình và rộng hơn là nhân loại khỏi những thảm họa hạt nhân trong tương lai.

Nước Đức, đất nước có nền công nghiệp phát triển hàng đầu châu Âu đã sẵn sàng hi sinh những lợi ích kinh tế trước mắt để lựa chọn con đường bảo vệ môi trường. Đó không chỉ là quyết định của sự dũng cảm và quyết tâm tìm ra nguồn năng lượng tái tạo mới mà còn là quyết định của niềm tin vào những công dân Đức, niềm tin vào trí tuệ trên hành trình phát triển khoa học kỹ thuật và niềm tin vào giá trị nhân văn của phát triển bền vững.

Hơn 70 năm về trước, nước Đức đã sử dụng tính dân tộc như một chiêu bài để tiến ra thế giới với tham vọng kiến tạo lại thế giới. Sau những bài học của quá khứ, giờ đây dân tộc và nhân văn là mục tiêu cuối kết của quốc gia dân chủ ấy. Trung Quốc cũng có những điểm tương đồng khi đang cố gắng tìm kiếm một vị trí mạnh mẽ hơn trong cấu trúc thế giới đương đại. Tuy nhiên, dù vượt qua Đức ở một số chỉ số kinh tế nhưng chỉ nhìn dưới lĩnh vực năng lượng Trung Quốc vẫn đang chập chững những bước đi ban đầu để hiểu ý nghĩa nhân văn trong sự phát triển bền vững

Hải Vân
.
.
.