Anh tăng tốc chiến lược xoay trục khỏi châu Âu hậu Brexit

Thứ Tư, 23/06/2021, 06:15
Vương quốc Anh ngày 21/6 (giờ địa phương) bắt đầu đàm phán để tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), như một phần trong chiến lược xoay trục khỏi châu Âu hậu Brexit và hướng tới các nền kinh tế xa hơn về mặt địa lý nhưng có tốc độ phát triển nhanh hơn. Bên cạnh đó, việc trở thành thành viên của CPTPP cũng là cơ hội giúp xứ sở sương mù tiếp cận sâu hơn với các thị trường tiêu dùng rộng lớn ở châu Á - Thái Bình Dương.


Trong một tuyên bố, Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh: “Tư cách thành viên CPTPP sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Anh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang phát triển mạnh mẽ”, đồng thời khẳng định đây là sẽ là cơ hội để mang lại lợi ích kinh tế trên toàn Vương quốc Anh.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss cũng nhận định: “Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là nơi mang lại cơ hội lớn nhất cho Anh. Chúng tôi rời Liên minh châu Âu (EU) với cam kết tăng cường liên kết với các đồng minh cũ và các thị trường tiêu dùng đang phát triển nhanh ngoài châu Âu...

Hiệp định CPTPP sắp đón Vương quốc Anh gia nhập.

Đó là một kết quả quan trọng hậu Brexit mà tôi muốn đạt được”. Với CPTPP, Anh hy vọng sẽ tạo ra địa vị tương xứng trong hoạt động thương mại thế giới với tư cách là nước xuất khẩu hàng tiêu dùng cao cấp và dịch vụ chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, hiệp định này sẽ giúp mở rộng các thỏa thuận thương mại mà London đang cố gắng đạt được hoặc đã ký kết với các nước thành viên trong CPTPP.

Theo Bộ Thương mại Anh, việc nước này tham gia CPTPP sẽ củng cố sự đồng thuận quốc tế nhằm chống lại hoạt động thương mại không công bằng như chủ nghĩa bảo hộ, phân biệt đối xử với các nhà đầu tư nước ngoài do hiệp định có quy định chặt chẽ nhằm chống lại các hành vi như vậy.

Ngoài ra, việc tham gia CPTPP cũng sẽ giúp một số mặt hàng xuất khẩu chính của Anh như ôtô và rượu whisky được hưởng các ưu đãi về thuế quan, cùng với đó là khả năng mở rộng thị trường mới cho một mặt hàng thực phẩm như thịt bò và thịt cừu. Nước này sẽ được mở rộng thêm các quyền tiếp cận vào các nước thành viên CPTPP trong nhiều lĩnh vực bao gồm pháp lý, tài chính và dịch vụ chuyên nghiệp.

Trong khi đó, giới chuyên gia nhận định gia nhập CPTPP sẽ giúp Anh vượt qua các thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra, đa dạng hoá mạng lưới thương mại, đảm bảo lợi ích và duy trì vị thế trong tương lai, Theo hãng tin Reuter của Anh, London đã nghiên cứu khả năng gia nhập CPTPP từ đầu năm 2018 nhằm kích thích xuất khẩu trong giai đoạn hậu Brexit.

Ngày 2/6 vừa qua, cơ quan ra quyết định hàng đầu của CPTPP đã đồng ý chính thức bắt đầu xem xét liệu Vương quốc Anh có đáp ứng các yêu cầu để gia nhập hiệp hiệp định thương mại tự do gồm 11 thành viên này hay không.

Tại phiên họp Hội đồng CPTPP lần thứ 4, Các Bộ trưởng hoan nghênh việc Vương quốc Anh chính thức gửi yêu cầu gia nhập vào ngày 1/2/2021, trở thành quốc gia đầu tiên tham gia Hiệp định này kể từ khi bắt đầu có hiệu lực vào cuối năm 2018; đồng thời, thông qua Quyết định của Hội đồng CPTPP về việc khởi động quá trình đàm phán để gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh cũng như Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng của 11 nước thành viên CPTPP về vấn đề này.

Cùng với đó, các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc khởi động tiến trình đàm phán gia nhập Hiệp định CPTPP đối với Vương quốc Anh gửi đi thông điệp quan trọng về cam kết của các nước CPTPP trong việc ủng hộ xây dựng hệ thống thương mại quốc tế công bằng, bình đẳng, hiệu quả, toàn diện và dựa trên luật lệ.

Điều này sẽ tạo ra cơ hội thúc đẩy các quy tắc tiêu chuẩn cao của Hiệp định CPTPP cho thế kỷ XXI; đồng thời, giúp khôi phục và phát triển hoạt động thương mại tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới trong bối cảnh tình hình kinh tế địa chính trị và dịch COVID-19 còn đang diễn biến phức tạp.

Ngoài ra, các Bộ trưởng cũng khẳng định Quyết định khởi động quá trình đàm phán gia nhập CPTPP đối với Vương quốc Anh chỉ là bước đi đầu tiên. Các nước CPTPP sẽ phối hợp với Vương quốc Anh để đảm bảo duy trì tiêu chuẩn cao của Hiệp định và vị thế đi đầu của Hiệp định CPTPP trong các mối liên kết khu vực và toàn cầu trong thời gian tới.

Có thể thấy, Chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson đã không lãng phí thời gian để công khai những lợi thế của CPTPP. Bộ trưởng Liz Truss nói: “Chúng ta sẽ có tất cả các lợi ích khi tham gia một khu vực thương mại tự do tiêu chuẩn cao, nhưng không phải từ bỏ quyền kiểm soát biên giới, tiền bạc hay luật pháp”.

Sự di chuyển tự do của những người nhập cư vào Vương quốc Anh và quy tắc do các quan chức trong Ủy ban châu Âu (EC) đặt ra là hai vấn đề nổi bật đã kích hoạt cuộc bỏ phiếu về việc Anh rời EU. Các số liệu thống kê chính thức cho thấy trong quý 1/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Anh đã giảm 11% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 73,4 tỷ bảng Anh (khoảng 103,9 tỷ USD). Đáng chú ý, xuất khẩu sang EU giảm tới 16%.

So với quý đầu tiên của năm 2019, thời điểm dịch COVID-19 chưa bùng phát, xuất khẩu của Anh sang EU đã giảm gần 30%. Chính phủ Anh khẳng định chưa có đủ dữ liệu để xác định các tác động lâu dài. Tuy nhiên, từ các số liệu thống kê, có thể thấy tác động tức thời rất lớn của các hàng rào phi thuế quan đã xuất hiện sau giai đoạn chuyển tiếp của Brexit.

Mặc dù Vương quốc Anh vẫn có thể xuất khẩu hàng hóa sang EU với mức thuế 0%, nhưng các lô hàng phải trải qua các thủ tục kiểm tra hoàn toàn mới, chẳng hạn như kiểm tra chất lượng đối với thực phẩm và hàng hóa sản xuất. Các thủ tục rườm rà đã làm tăng chi phí và làm giảm kim ngạch xuất khẩu đối với nhiều ngành công nghiệp Anh.

Trong khi đó, hoạt động thương mại với các quốc gia trong CPTPP đang có triển vọng tốt hơn. Vương quốc Anh đã duy trì xuất khẩu sang các quốc gia CPTPP với kim ngạch xuất khẩu gần như không thay đổi so với một năm trước. Trong quý đầu tiên của năm 2021, xuất khẩu sang Ấn Độ đã tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.

Vương quốc Anh mong muốn ký kết hiệp định thương mại tự do với Ấn Độ như một phần của mối quan hệ song phương đang tăng cường. Vào cuối tháng trước, Chính phủ Anh đã bắt đầu tiếp nhận ý kiến đóng góp từ công chúng về thỏa thuận thương mại với Ấn Độ trong khoảng thời gian 14 tuần.

Khổng Hà
.
.
.