Anh: Nhiều quan chức liên quan đến vụ điều tra cuộc chiến ở Iraq

Thứ Ba, 04/08/2009, 08:21
Bắt đầu từ ngày 1/8, quân đội Anh chính thức không còn tham gia bảo vệ an ninh cùng liên quân do Mỹ đứng đầu ở Iraq. Mặc dù quá trình rút quân đã hoàn tất đúng như lời cam kết của chính phủ, song Quốc hội Anh vẫn quyết định mở cuộc điều tra riêng về vấn đề Iraq và yêu cầu cựu Thủ tướng Tony Blair cùng một số quan chức cấp cao và cả đương kim Thủ tướng Gordon Brown ra làm nhân chứng.

Theo tuyên bố của ông John Chilcot, Chủ tịch Ủy ban Điều tra độc lập về cuộc chiến tại Iraq, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair sẽ trở thành vị quan chức đầu tiên phải điều trần về những gì đã xảy ra trước, trong và sau cuộc chiến tranh ở Iraq.

Tiếp đó, Ủy ban Điều tra sẽ cho gọi cả Thủ tướng Gordon Brown, cựu Ngoại trưởng Jack Straw và cựu Bộ trưởng Giao thông Geoff Hoon (người mới từ chức hồi tháng 5 sau loạt bê bối lạm dụng quỹ công trong nội các chính phủ). Năm 2003, thời điểm Mỹ phát động cuộc chiến tranh ở Iraq, ông Geoff Hoon đang giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng và giữ một vai trò quan trọng trong việc tham mưu, giúp cựu Thủ tướng Tony Blair đưa ra quyết sách về sự tham gia của quân đội Anh trên chiến trường này.

Đương kim Thủ tướng Gordon Brown và cựu Thủ tướng Tony Blair sẽ được mời làm nhân chứng phục vụ cuộc điều tra về chiến tranh ở Iraq.

Chủ tịch Ủy ban Điều tra, ông John Chilcot cũng cho biết, cuộc điều tra do ông tiến hành đã được thực hiện hơn 1 năm nay và sẽ đưa ra kết luận cuối cùng sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 6/2010. Tuy sẽ không có một phiên tòa nào được mở cũng như không có ai bị xét xử, song ông John Chilcot khẳng định, cuộc điều tra là cái nhìn toàn thể, sâu sắc về sự thật của cuộc chiến tranh Iraq. Các thành viên trong ủy ban sẽ tiến hành thu thập mọi chứng cứ trong khoảng thời gian từ sau ngày xảy ra cuộc tấn công khủng bố 11/9/2001 tới hết tháng 7/2009 (thời điểm mà Anh rút hết quân ở Iraq).

Bốn nhân vật trong ủy ban gồm Usha Prashar, Lawrence Freedman, Martin Gilbert và Roderic Lyne sẽ có trách nhiệm phỏng vấn các công dân Anh và lấy ý kiến thăm dò dư luận về cuộc chiến ở Iraq cũng như gặp gỡ gia đình các binh sĩ bị thiệt mạng tại Iraq.

Một số nguồn tin từ chính phủ cho hay, rất có thể, Ủy ban điều tra sẽ xoáy sâu vào tìm hiểu việc Nhà Trắng đã "ém" thông tin tình báo Anh về vũ khí hủy diệt ở Iraq và những cuộc trò chuyện riêng giữa cựu Thủ tướng Tony Blair và cựu Tổng thống Mỹ George W.Bush.

Trong cuốn sách mang tên "The way of the world", tác giả Ron Suskind đã cho biết, 3 tháng trước khi cuộc chiến Iraq được tiến hành, ông Tony Blair đã gửi mật vụ hàng đầu của Anh  tới  để thu thập thông tin tình báo nhằm tránh khỏi chiến tranh. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ George  W. Bush và Phó Tổng thống Dick Cheney đã gạt bỏ mọi tuyên bố hoặc bằng chứng có thể dẫn tới việc dừng quyết định tấn công quân sự đối với Iraq.

Ông Richard Dearlove, nguyên Giám đốc Cục Tình báo Anh cũng xác nhận có các cuộc gặp và thông tin của Michael Shipster. Song ông này vẫn chưa giải thích được lý do tại sao cựu  Thủ tướng Tony Blair lại không  dựa trên thông tin tình báo này. 

Anh là quốc gia đầu tiên trong liên minh tiến hành cuộc điều tra có quy mô rộng về cuộc chiến Iraq, với phạm vi lớn hơn nhiều công việc mà Nhóm nghiên cứu Iraq của Mỹ đã tiến hành hồi năm 2006. Mặc dù, một số người đã lên tiếng chỉ trích quyết định trên cho rằng tổ chức cuộc điều tra nội bộ là "vô lý và lừa dối" nhưng nhiều ý kiến khác lại cho rằng tiến trình điều tra khép kín chỉ nhằm giúp cuộc điều tra hiệu quả hơn và đi đến cùng sự thật.

Sau 6 năm tham chiến, Anh tiêu tốn khoảng 6,5 tỷ bảng và mất 179 quân nhân tại mặt trận Iraq. Quân số binh sỹ Anh tham gia cuộc chiến này đông thứ hai trong liên quân do Mỹ cầm đầu và từng triển khai 46.000 binh sĩ vào lúc cao điểm hồi tháng 3 và tháng 4 năm 2003. Sau đó, Anh chỉ duy trì khoảng 4.000 binh sĩ, tập trung ở thành phố Basra.

Theo một thỏa thuận ký năm 2008 giữa Baghdad và London, lực lượng cuối cùng của Anh đã rời khỏi Iraq vào cuối tháng 7. Sau khi mở cuộc điều tra về cuộc chiến ở Iraq, các nghị sĩ trong Hạ viện Anh cũng đang chỉ trích mạnh mẽ đường lối sai lầm của liên quân ở Afghanistan và kêu gọi xem xét lại việc triển khai quân ở quốc gia Nam Á này

Huyền Chi
.
.
.