Án chung thân cho cựu lãnh đạo Khmer Đỏ: Công lý phải được thực thi

Thứ Tư, 08/02/2012, 15:31
Giới chuyên môn cho rằng, hơn 300.000 trang tài liệu tịch thu được từ chế độ Khmer Đỏ là bằng chứng để xét xử Kaing Guek Eav và các thủ lĩnh Khmer Đỏ như nguyên Phó chủ tịch đảng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nuon Chea, nguyên Chủ tịch nước Khieu Samphan, nguyên Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Ieng Sary và Ieng Thirith, nguyên Bộ trưởng Các vấn đề Xã hội.
>> Nhân dân Campuchia đồng tình với án chung thân cho cựu lãnh đạo Khmer Đỏ

Cách đây 1 tháng (7/1/2012), Campuchia đã kỷ niệm 33 năm “ngày tái sinh” bởi nếu không có chiến thắng 7/1/1979 không thể có đất nước Campuchia ngày nay. Nhân dịp này người ta đã công bố bức thư của Sok Sunday, nạn nhân thoát khỏi nạn diệt chủng của Khmer Đỏ với yêu cầu “hãy trừng phạt tương xứng với những gì chúng đã gây ra”. Tuy nhiên cách đây không lâu, cả 4 thủ lĩnh Khmer Đỏ là Nuon Chea, Khieu Samphan, Ieng Thirith và Ieng Sary đều phủ nhận những tội ác mà chúng đã gây ra đối với người dân Campuchia.

Gần 2 tháng trước (13/12/2011), ECCC phải từ chối phóng thích Ieng Thirith cho dù “nữ ma đầu” này từng được tự do (17/11/2011) vì “mắc bệnh Alzheimer và mất trí nhớ”. Ngày 15/11/2011, bà Theary Seng, người Mỹ gốc Campuchia (người sống sót sau chế độ Khmer Đỏ) tuyên bố, mất niềm tin đối với ECCC nên sẽ không ra tòa làm chứng.

Bà Theary Seng là Chủ tịch Trung tâm Công lý và Hòa giải từng cho rằng, việc xét xử 4 cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ hôm 27/6/2011 là dấu hiệu cho công chúng biết ECCC vẫn tồn tại và hoạt động. Ngày 21/11/2011, ECCC khai đình xét xử Nuon Chea, Khieu Samphan và Ieng Sary với các cáo buộc phạm tội ác chống lại nhân loại và diệt chủng trong thời gian cầm quyền. Theo thống kê, có tới 1/5 dân số Campuchia (khoảng 2 triệu người) bị chết do hậu quả của những chính sách vô nhân đạo mà Khmer Đỏ đã thực thi.

Nuon Chea, Khieu Samphan, Ieng Thirith và Ieng Sary tại tòa.

Nuon Chea, người được biết tới dưới cái tên Long Bunruot hay Lau Ben Kon sinh ra (7/7/1926) trong một gia đình người Campuchia gốc Trung Quốc ở làng Voat Kor, tỉnh Battambang. Mặc dù học tại trường Đại học Thammasat ở Bangkok, Thái Lan, nhưng Nuon Chea lại là nhà tư tưởng chính của chế độ Khmer Đỏ. Vì là người đứng sau Pol Pot nên Nuon Chea được mọi người gọi là “anh hai”.

Hơn 19 năm sau khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ, ngày 29/12/1998, Nuon Chea đã đầu hàng chính phủ Campuchia và sống khá tự do tại tư dinh ở Pailin. Ngày 19/9/2007, Nuon Chea bị bắt với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và chống lại loài người. Ngày 18/2/2011, Kar Savuth, luật sư của Kaing Guek Eav đã biện hộ cho thân chủ của mình với tuyên bố: ngày 3/1/1979, Nuon Chea đã ra lệnh giết toàn bộ tù nhân trong nhà tù Tuol Sleng, kể cả trẻ em. Tuy nhiên, ông Kar Savuth lại không cho biết đã có bao nhiêu người bị sát hại trong ngày hôm đó theo lệnh của “anh hai” Nuon Chea.

Khieu Samphan là nhân vật thứ 5 trong Ban lãnh đạo Khmer Đỏ, đứng sau Pol Pot, Nuon Chea, Ieng Sary và Ta Mok, từng du học tại Pháp, lấy bằng Tiến sỹ Kinh tế và làm Bộ trưởng trong chính phủ của Quốc vương Sihanouk, nhưng vẫn theo Pol Pot. Tuy nhiên phải 19 năm sau khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ, Khieu Samphan mới đầu hàng chính phủ Campuchia (1979-1998) và sống tại tư dinh ở Pailin. Mãi tới ngày 19/11/2007, Khieu Samphan mới bị bắt và hầu toà. Nhưng cho đến nay, Khieu Samphan vẫn phủ nhận mọi cáo buộc, thậm chí còn coi mình là “tù nhân của chế độ diệt chủng Pol Pot”.

Ieng Sary từng bị Toà án Nhân dân Campuchia kết án tử hình vắng mặt năm 1979, nhưng vẫn được tự do sau khi đầu hàng chính phủ Campuchia năm 1996. Ngày 12/11/2007, Ieng Sary bị bắt với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh. Ieng Thirith là vợ của Ieng Sary từng được mệnh danh là “Người đàn bà quyền lực nhất Khmer Đỏ” cũng phải hầu tòa vì bị cáo buộc phạm tội ác chống lại nhân loại.

Để luôn ghi nhớ những tội ác mà Khmer Đỏ đã gây ra cho dân tộc và đất nước, cách đây gần 2 năm (20/5/2010), chính phủ Campuchia chính thức công bố cuốn sách giáo khoa đầu tiên viết về chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Thứ trưởng Giáo dục Campuchia Tun Sa Im cho biết, cuốn sách sẽ giúp mọi người hiểu rõ về nỗi đau và sự tàn bạo đã xảy ra dưới chế độ Khmer Đỏ.

Thủ tướng Hunsen từng tuyên bố “Nếu không có sự giúp đỡ của Việt Nam, chúng tôi sẽ chết”.

Đại sứ Campuchia tại Việt Nam Van Phon từng phát biểu nhân kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Campuchia khỏi ách thống trị của chế độ diệt chủng Pol Pot (7/1/2009): “Tôi xin bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến quân tình nguyện Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh cao cả tại Campuchia, sẵn sàng chiến đấu anh dũng, hy sinh xương máu của mình để giải phóng nhân dân và đất nước Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng và giúp đỡ bảo vệ sự hồi sinh của nhân dân Campuchia”.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam (1997-2001) Pete Peterson từng trả lời phỏng vấn BBC hồi tháng 6/2006: Thế giới phải cảm ơn Việt Nam vì họ đã lật đổ chế độ Pol Pot ở Campuchia và lịch sử cần phải có sự nhìn nhận đúng đắn về vai trò của Việt Nam

Quốc Tuấn - Khắc Dũng
.
.
.