ASEAN tìm hướng ra cho tranh chấp biển Đông

Thứ Ba, 10/07/2012, 09:12
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 tại PhnomPenh, Thủ tướng Hun Sen mong muốn nhìn thấy kết luận cuối cùng về COC giữa ASEAN và Trung Quốc và đây là một trong những ưu tiên hàng đầu của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề liên quan hợp tác an ninh - chính trị và các mối quan hệ bên ngoài khu vực.
>> Cộng đồng quốc tế kêu gọi giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông

Sáng 9/7, tại cung Hòa Bình ở thủ đô PhnomPenh, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 (AMM 45) đã khai mạc với sự tham dự của các đoàn đại biểu đến từ 10 nước thành viên dưới sự chủ trì của Campuchia, nước đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN luân phiên. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu tham dự hội nghị.

Sau lễ khai mạc, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN bắt đầu phiên họp toàn thể, trước khi có phiên họp hẹp chiều 9/7. Dự kiến, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN sẽ thảo luận một số vấn đề như thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, đối thoại ASEAN-Trung Quốc về xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC), hợp tác giữa ASEAN với các đối tác trong khuôn khổ hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân, phương hướng hợp tác phát triển ASEAN đến năm 2015: một ASEAN không ma túy.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nêu rõ, sau 45 năm thành lập, ASEAN đã trở thành một thực thể kinh tế và chính trị gắn kết chặt chẽ, có ảnh hưởng quan trọng ở khu vực châu Á và là đối tác chiến lược không thể thiếu của các nước lớn và các tổ chức quan trọng trên thế giới. Những thành tựu to lớn của ASEAN là kết quả của cam kết và ý chí chính trị mạnh mẽ của các nước thành viên trong việc hợp tác chặt chẽ theo tinh thần thống nhất và đoàn kết, hữu nghị và hợp tác.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen phát biểu khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45.

Tinh thần đó càng được khẳng định qua chủ đề được Campuchia lựa chọn cho năm chủ tịch 2012 là “ASEAN: Một cộng đồng, Một vận mệnh.” Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn, ASEAN vẫn tiếp tục phải đối mặt với những thách thức toàn cầu, khu vực và điều này tạo ra mối đe dọa không nhỏ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững mà ASEAN đang nỗ lực hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Do đó, Thủ tướng Hun Sen kêu gọi các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nỗ lực biến Hiến chương ASEAN thành hiện thực bởi họ có vai trò điều phối vô cùng quan trọng trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, đặc biệt là giải quyết những vấn đề liên quan đến hợp tác an ninh - chính trị và quan hệ giữa ASEAN với bên ngoài.

Thủ tướng Hun Sen cho rằng, duy trì hòa bình và an ninh khu vực là điều kiện không thể thiếu đối với sự thịnh vượng và phát triển của toàn thể ASEAN. ASEAN cần phát huy hiệu quả các công cụ và cơ chế hiện nay nhằm đảm bảo an ninh và hòa bình khu vực như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác, Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)…

Thủ tướng Hun Sen cũng nhấn mạnh tới việc cần ưu tiên thực hiện DOC và tiến tới hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Thủ tướng Hun Sen mong muốn nhìn thấy kết luận cuối cùng về COC giữa ASEAN và Trung Quốc và đây là một trong những ưu tiên hàng đầu của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề liên quan hợp tác an ninh - chính trị và các mối quan hệ bên ngoài khu vực.

Trước đó (8/7), hội nghị tham vấn không chính thức ASEAN-Trung Quốc về COC đã khai mạc với sự tham dự của đại diện 10 nước ASEAN và Trung Quốc. Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, bà Phó Oánh, đồng chủ trì hội nghị. Cả 2 đồng chủ tịch đều nhấn mạnh, hội nghị này là một trong những bước quan trọng tiến tới COC, tạo khuôn khổ pháp lý cho vấn đề tranh chấp biển Đông nhằm duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác trên biển Đông.

Hội nghị tham vấn không chính thức ASEAN-Trung Quốc về COC nằm trong khuôn khổ AMM 45, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đối tác đối thoại và ARF 19.

Giới truyền thông đưa tin, vấn đề biển Đông sẽ được thảo luận tại ARF 19 bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Trung Quốc mới nhắc lại lập trường đàm phán song phương về tranh chấp biển Đông vì cho rằng “không nên để hội nghị cấp cao ARF bị biến thành nơi mưu toan quốc tế hóa tranh chấp biển Đông”. Philippines cho biết, sẽ không đối thoại song phương với Trung Quốc tại AMM 45 và ARF 19 nhằm phản đối việc Bắc Kinh tiếp tục gây căng thẳng ở bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham.

Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho biết, sẽ tiếp tục nỗ lực để cho ra đời bản dự thảo COC bởi theo ông nếu không phải bây giờ thì khi nào mới làm việc này. Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Campuchia Soeung Rathchavy cho biết, các quan chức cấp cao ASEAN đã hoàn tất việc soạn thảo các yếu tố chủ chốt của COC.

Được biết, ngày 12/7, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và đại diện 16 nước, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tham dự ARF 19. Giới chức Mỹ cho biết, bà Hillary Clinton sẽ tìm cách giảm căng thẳng giữa ASEAN và Trung Quốc xung quanh vấn đề biển Đông tại ARF 19, sẽ không đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ như tại hội nghị năm 2010, sẽ đưa ra nhiều đề xuất nhằm nhấn mạnh: Washington có các mối quan tâm lớn ở Đông Nam Á chứ không chỉ tái cân bằng quân sự ở khu vực này.

Ngày 8/7, đội tàu Hải giám Trung Quốc về nước sau khi diễn tập trái phép tại các đảo trên biển Đông mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền. Trước đó, một vài phương tiện thông tin đại chúng của Trung Quốc nói rằng, 4 tàu Hải giám Trung Quốc tiến hành hoạt động tuần tra tại khu vực quần đảo Trường Sa và “chặn đuổi” tàu công vụ của Việt Nam.

Ngày 4/7/2012, Thông tấn xã Việt Nam khẳng định: Chúng tôi bác bỏ thông tin tàu Hải giám Trung Quốc “chặn đuổi” tàu công vụ của Việt Nam tại khu vực quần đảo Trường Sa. Khi phát hiện các tàu Hải giám của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, yêu cầu tàu Trung Quốc rời khỏi khu vực quần đảo Trường Sa. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc tàu Hải giám Trung Quốc tiến hành cái gọi là “hoạt động tuần tra” tại khu vực quần đảo Trường Sa là hành vi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không phù hợp với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình ở biển Đông, không có lợi cho hòa bình, ổn định ở khu vực. Chúng tôi kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động sai trái nói trên, tuân thủ DOC, không có các hành động làm phức tạp tình hình ở biển Đông.

Lê Trịnh - Trọng Hậu
.
.
.