10 năm sau sự kiện 11/9/2001: Mỹ vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn

Thứ Hai, 12/09/2011, 11:33
Cả nước Mỹ đã và đang kỷ niệm 10 năm vụ khủng bố 11/9/2001 với những hoạt động khác nhau, nhưng lệnh sơ tán khẩn cấp tại sân bay Dulles của Washington đã phủ bóng mây đen lên lễ kỷ niệm. Lực lượng an ninh phát hiện vật khả nghi vào khoảng 3h30' sáng 11/9 (theo giờ Việt Nam) và báo động an ninh được dỡ bỏ khoảng 4 giờ sau đó khi người ta không tìm thấy vật nguy hiểm trong container.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra tuyên bố tưởng niệm 10 năm vụ đánh bom khủng bố 11/9/2001. Theo đó, chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa tới hòa bình và an ninh thế giới và chúng không thể biện minh, bào chữa cho hành động giết hại người dân vô tội.

Vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn

Động thái trên diễn ra sau khi cơ quan chức năng Mỹ bắt được 3 nghi can khủng bố vì gài bom trên xe hơi, trong đó có 2 người Mỹ. Giới chức Mỹ cho biết, Al Qaeda có thể đã đào tạo những kẻ khủng bố người Mỹ hoặc núp dưới danh nghĩa khách du lịch đến Mỹ để thực hiện các vụ tấn công tại New York hoặc Washington nhân dịp tưởng niệm 10 năm sự kiện 11/9.

CIA cho rằng, tân lãnh đạo Al Qaeda Ayman al Zawahri đã lên kế hoạch khiến Mỹ bàng hoàng một lần nữa nhân dịp tưởng niệm này. Tổng thống Barack Obama tuyên bố, Mỹ sẽ không bao giờ do dự trong cuộc chiến chống khủng bố.

Ông Barack Obama đã ra lệnh tăng gấp đôi nỗ lực chống khủng bố sau tuyên bố của Thị trưởng New York Michael Bloomberg: nguy cơ chưa được xác nhận, song an ninh sẽ được tăng cường tại các cây cầu, đường hầm và hệ thống giao thông công cộng.

Bộ trưởng An ninh Nội địa Janet Napolitano vừa tuyên bố, Mỹ đang xem xét tất cả các cuộc "chat" một cách nghiêm túc, cho dù không có dấu hiệu gì chứng tỏ nước này đang phải đối mặt với một đe dọa cụ thể nào. Giám đốc Chi nhánh FBI ở New York, ông Janet Fedarcyk cho biết, Al Qaeda rất quan tâm tới lễ tưởng niệm 11/9 và đang lên kế hoạch cho một vụ tấn công.

Hình ảnh khó quên của sự kiện 11/9/2001.

Để đảm bảo an ninh, cảnh sát New York đã tăng cường lực lượng để tuần tra, kiểm soát hành lý hay túi xách tại các nút giao thông xe tải ra vào thành phố, các tuyến tàu điện ngầm và đường sắt, cũng như tăng cường giám sát các cây cầu, đường hầm, các công trình và tòa nhà lớn. An ninh cũng được tăng cường cao độ tại Washington, Lầu Năm Góc ở Bắc Virginia và Shanksville, Pennsylvania.

Được biết, nếu không bị đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt hôm 1/5, một vụ tấn công vào nước Mỹ tương tự như vụ 11/9/2001 có thể sẽ tái diễn bởi những tài liệu cùng nhật ký thu được tại nơi ẩn náu của Osama bin Laden ở Pakistan chứng minh điều này. Nhiều người nói rằng, Mỹ đã tiêu diệt được Osama bin Laden và có thể sát hại người thay thế Ayman al-Zawahiri, nhưng vô cùng khó để xóa sổ được Al Qaeda và chân rết của tổ chức này. Ngay sau khi tiêu diệt Osamar bin Laden, Tổng thống Barack Obama đã thận trọng tuyên bố, Al-Qaeda chưa bị tiêu diệt hoàn toàn và sẽ tiếp tục thực hiện các vụ tấn công trong thời gian tới.

Trợ lý Giám đốc CIA James McJunkin tuy bác bỏ khả năng xảy ra khủng bố trong ngày 11/9 bởi không có dấu hiệu từ Al Qaeda, nhưng an ninh vẫn được thắt chặt.

Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố, mối đe dọa khủng bố hiện không làm cho bất cứ người Mỹ nào ngạc nhiên, chỉ giúp nhắc nhở họ phải tiếp tục đấu tranh chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực. Do đó, cùng với ngoại giao, Mỹ có quyền sử dụng vũ lực để chống khủng bố, tuyên bố của bà Hillary Clinton. Bà Hillary Clinton cũng cho biết, Trung tâm thông tin chống khủng bố chiến lược nhằm triệt phá các kế hoạch tuyên truyền thánh chiến và ngăn chặn việc các nhóm khủng bố tuyển mộ thành viên mới là yếu tố cốt lõi của sắc lệnh đã được chính phủ thông qua. Mỹ cũng sẽ thành lập Diễn đàn chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu bên lề các hội nghị của Đại Hội đồng Liên hợp quốc cuối tháng này.

Mặt trái của cuộc chiến chống khủng bố

Giới phân tích nhận định, cựu Tổng thống George W Bush tấn công Afghanistan và Iraq với cái cớ chống khủng bố, còn Tổng thống Barack Obama đang nỗ lực rút quân ra khỏi hai chiến trường này; trong khi ông Bush muốn tìm diệt các phần tử Hồi giáo cực đoan, thì ông Obama tới thế giới Arab ngay sau khi nhậm chức để đưa ra thông điệp - Mỹ muốn làm bạn với thế giới Hồi giáo. Thực tế là 10 năm sau sự kiện 11/9, việc hàn gắn mối quan hệ giữa Mỹ với thế giới Hồi giáo vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãi.

Giới bình luận cho rằng, vụ khủng bố 11/9 đã mở đầu thời kỳ lung lay sức mạnh của cường quốc số một thế giới và cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ không giải quyết được nguyên nhân chính dẫn tới chủ nghĩa khủng bố. Bằng chính sách chống khủng bố không bắt đầu từ gốc, không tôn trọng luật pháp và cộng đồng quốc tế, Mỹ đã có những bước đi sai lầm và Mỹ hiện vẫn là một trong những đối tượng tấn công của nhiều tổ chức quốc tế.

Điều đáng nói là Mỹ đã và đang khiến cho nhiều đồng minh xa lánh bởi sự bất nhất của họ. Mỹ đã thay đổi thái độ với Pakistan sau vụ khủng bố 11/9/2001, nhưng đồng minh chủ chốt trong cuộc chiến chống khủng bố lại "trở mặt thành thù" sau khi bị Mỹ qua mặt trong việc tiêu diệt Osama bin Laden. Có 59% người Pakistan coi Mỹ là kẻ thù cho dù đang nhận viện trợ của họ.

Giới chuyên môn nhận định, Al Qaeda vẫn là mối đe dọa lớn cho dù thủ lĩnh và người sáng lập Osama bin Laden bị tiêu diệt. Al Qaeda hiện khác với 10 năm trước bởi chúng có khả năng thích nghi cao hơn, thay đổi địa bàn hoạt động và chiến thuật thường xuyên, lực lượng đa dạng hơn, chiêu mộ tân binh từ nhiều quốc gia và số người đến từ châu Âu và Mỹ đông hơn, các vệ tinh và chi nhánh nhỏ đang lớn mạnh hơn bao giờ hết...

Những con số biết nói

Sáng 11/9/2001, 19 tên không tặc đã bắt cóc 4 máy bay và tấn công khủng bố nước Mỹ, gây ra vụ "Trân Châu Cảng của thế kỷ 21". Gần 3.000 người thiệt mạng, 18.000 doanh nghiệp ở thành phố New York bị phá sản hoặc mất trụ sở, cổ phiếu chứng khoán mất 1.400 tỷ USD trong tuần đầu tiên và hơn 40 tỷ USD chi riêng cho bồi thường bảo hiểm. Đến nay có 1.020 trong tổng số 40.000 người tình nguyện dọn dẹp đống đổ nát tại tòa tháp đôi ngày ấy bị chết do nhiều căn bệnh, chủ yếu là ung thư phổi. 26 ngày sau vụ khủng bố, Mỹ bắt đầu không kích Afghanistan.

Theo điều tra mới đây của Mỹ, có tới 92% người Afghanistan không biết gì về vụ 11/9, càng không biết các phần tử khủng bố gây ra vụ 11/9 đến từ chính đất nước mình. Số còn lại tuy biết đến sự kiện 11/9/2001, nhưng đa số đều coi đó là âm mưu của chính phủ Mỹ nhằm mượn cớ xâm lược Afghanistan.

Lính Mỹ tại chiến trường Iraq và Afghanistan.

Được biết, trong 10 năm qua, dưới danh nghĩa cuộc chiến chống khủng bố, Mỹ đã chi từ 2.300 tỷ USD đến 4.000 tỷ USD. Số lính Mỹ và đồng minh bị thiệt mạng trong 2 cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan là hơn 6.000 người cộng với gần 70.000 binh lính bị thương, cùng ít nhất 137.000 thường dân thiệt mạng ở 2 nước này trong 10 năm qua.

Điều đáng nói là cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq đã làm xấu hình ảnh của Mỹ cũng như làm suy yếu sức mạnh của cường quốc này trên trường quốc tế. Chưa tính tới khoản ngân sách lên tới 600-900 tỷ USD phải trả để "bồi thường chiến tranh" cho những thương bệnh binh, những giá trị Mỹ được đưa ra khi phát động cuộc chiến chống khủng bố bị dư luận liên tiếp chỉ trích, nhất là trong thế giới Hồi giáo.

Kể từ sau vụ 11/9/2001, Mỹ đã có những thay đổi chưa từng có, trong đó nổi bật nhất là chính sách an ninh nội địa và cuộc chiến chống khủng bố được phát động trên toàn cầu...

Theo thống kê, tỷ lệ ủng hộ Mỹ đã sụt giảm nhanh chóng chỉ 3 năm sau khi nước này phát động cuộc chiến chống khủng bố ngay sau sự kiện 11/9/2001. Khi Mỹ tấn công tiêu diệt Taliban ở Afghanistan cuối năm 2001 dư luận đều ủng hộ, nhưng khi Iraq bị xâm chiếm thì thế giới bắt đầu thay đổi cách nhìn đối với cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ đứng đầu.

Có người tuyên bố, cuộc chiến chống khủng bố do cựu Tổng thống Bush phát động là cuộc chiến tranh đầu tiên trong lịch sử được thanh toán hoàn toàn bằng tín dụng và vay nợ. Có tới 59% người dân cho rằng, chính quyền đã đầu tư quá đà để "báo thù vụ khủng bố 11/9/2001" và đó là nguyên nhân gây ra những khó khăn kinh tế hiện nay của nước Mỹ; 66% người dân cảm thấy sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới đã giảm đi kể từ năm 2001 và 69% đồng ý rút các lực lượng Mỹ ra khỏi Afghanistan.

Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Rehman Malik cho biết, Taliban tại nước này đang lên kế hoạch bắt cóc các quan chức cấp cao để gây sức ép thả những người thân của Osama bin Laden, bị bắt giữ kể từ khi trùm khủng bố bị tiêu diệt. Bộ trưởng Rehman Malik khẳng định, an ninh đã được tăng cường sau mối đe dọa kể trên. Trong khi đó, Đài phát thanh France Info của Pháp cho biết, Osama bin Laden từng ra lệnh cho các thành viên thuộc chi nhánh Al-Qaeda Bắc Phi (AQIM) thủ tiêu con tin người Pháp để làm mất uy tín của Tổng thống Nicolas Sarkozy.

Sự kỳ diệu của con số 11: Thành phố New York có 11 chữ cái, Afghanistan có 11 chữ cái, Ramsin Yuseb, kẻ đe dọa phá hủy toà tháp đôi năm 1993 có 11 chữ cái, Tên của cựu Tổng thống George W Bush có 11 chữ cái, New York là bang thứ 11 của Mỹ, chiếc máy bay đầu tiên đâm vào tòa tháp đôi là chuyến bay số 11.

Ngày 9/9, nhóm tin tặc tự xưng là "The Script Kiddies" đã dùng tài khoản Twitter của hãng tin NBC để phát báo động giả về một cuộc tấn công khủng bố nhằm vào máy bay trước ngày 11/9. Đây không phải là lần đầu tiên "The Script Kiddies" tấn công một hãng truyền thông. Hồi tháng 7, nhóm này đã từng sử dụng tài khoản @foxnewspolitics để tung tin thất thiệt Tổng thống Mỹ Barack Obama bị ám sát.

Lê Tuấn Cường - Lê Quỳnh Trang (tổng hợp)
.
.
.