Ở nơi nước sạch quý như vàng

Thứ Ba, 11/08/2015, 14:30
Họ đường đường là công dân có hộ khẩu TP. Hồ Chí Minh, nhưng cuộc sống của họ thì dâu bể, nghèo khó, mù mịt kém xa một số vùng nông thôn ở các tỉnh. Có những gia đình, ba đời chưa bao giờ được tắm nước sạch. Đối với họ, nước sạch là một thứ gì đó quá xa xỉ…
Tắm nước ao, uống nước mưa

Tổ 7, thuộc khu phố Tam Đa (phường Trường Thạnh, quận 9, TP Hồ Chí Minh) là một vùng thôn quê nghèo, nằm tách biệt với cuộc sống ồn ào náo nhiệt của phố thị. Gần 100 hộ dân tổ 7 bao năm nay sống trong cảnh tắm nước ao, uống nước mưa và nấu cơm bằng nước đi mua. Đường vào tổ 7 là những nhánh ruộng ngoằn ngoèo, hun hút rậm rịt bởi các vựa dừa nước và ao sen chằng chịt, nối với phố thị bằng một cây cầu khỉ chỉ vừa một chiều xe chạy. Người dân tổ 7 sống bằng nghề chăn nuôi và trồng sen. Hễ mùa mưa là nước ngập lên tận nhà, muốn đi ra ngoài phải chèo xuồng.

Nhưng tất cả những điều đó không khủng khiếp bằng việc thiếu nước sạch sinh hoạt. Địa hình hiểm trở, xe bồn chở nước không thể vào được. Muốn có nước nấu cơm phải mang can đi ra ngoài đường nhựa mua rồi chở về bằng xe máy. Một lần chở nhiều nhất là được hai can 30 lít với giá 1.500 đồng/can. Số tiền ấy tuy không lớn nhưng cái công lặn lội vượt bưng biền đi mua nước cũng mất nửa ngày công lao động. Số nước ấy, gia đình phải chắt chiu chỉ dám nấu cơm và rửa rau. Còn tắm và giặt quần áo thì vục đầu xuống ao là xong.

Vợ chồng anh Bùi Văn Bình sống "nguyên thủy" chừng 20 năm, nay mới sắm được cái máy bơm hút nước trực tiếp từ dưới ao lên, nên việc tắm giặt trở nên văn minh hơn. Anh Bình cho biết: "Ngày xưa nước trong xanh, tôm cá nhiều. Ăn uống bằng nước kênh rạch ít bệnh tật nhưng mấy năm nay nguồn nước ao nhiễm phèn nặng, chỉ cần lắng vài phút là những đụn phèn đóng vón lại vàng khè, tanh tưởi. Người lớn và trẻ con thi nhau ốm".

Những lu nước như thế này dùng để tắm giặt quanh năm.

Minh chứng cho sự thật vừa nói, anh Bình dẫn chúng tôi ra chiếc thùng tôn gỉ sét, thủng, rách lỗ chô,î nằm chỏng chơ ngoài gốc dừa. Có hộ kỳ công bỏ mười mấy triệu ra mua máy lọc phèn nhưng không có tác dụng. Nước chỉ trong hơn một chút, còn lại mùi tanh vẫn nồng nặc. Chẳng còn cách nào khác, người dân đành nhắm mắt dùng nước bẩn, phó mặc sự sống cho thần may rủi. Bây giờ thì máy lọc phèn bỏ hoang phế một xó, vì nước ao bị nhiễm mặn nặng. Quần áo giặt khô đóng váng trắng loang lổ, mặc vào khô ráp khó chịu.

Bà con tổ 7 chỉ còn cách mong chờ vài tháng mùa mưa, hứng được lộc trời, ai cũng phấn khởi vì được tắm nước mưa, uống nước "thánh". Kinh hoàng nhất là những tháng mùa nắng, cả xóm khô khát, mọi thứ héo úa. Những cái ao cũng trơ đáy, không một giọt nước. Nhà nào cũng phải cử một nhân lực chỉ ở nhà để đi mua nước với giá "cắt cổ". Còn việc tắm giặt đành "nhịn" dài dài. Nhiều ngôi nhà cửa đóng then cài, rêu rợ hoang phế chỉ vì không thể chịu đựng nổi cảnh thiếu nước triền miên.

Khu vực này ngoài nước nhiễm phèn, nhiễm mặn thì mấy năm nay còn ô nhiễm trầm trọng vì các trại nuôi heo xả thải trực tiếp ra kênh. Mùi xú uế nồng nặc từ các dòng kênh len lỏi về các hồ cá, ao sen, ruộng lúa của bà con. Nguồn nước sinh hoạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng, không khí bị ô nhiễm nặng nề. Cứ chiều về, có gió thổi thì mùi hôi thối trở nên kinh khủng nhất. Một số hộ dân ở gần trại nuôi heo đã không dám sử dụng nguồn nước dưới kênh vì mức độ ô nhiễm quá khủng khiếp. Họ chấp nhận đầu tư vài chục triệu để khoan giếng lấy mạch nước ngầm. Nhưng do vùng đất ở quá trũng, xung quanh là kênh rạch và ao hồ nên mạch nước cũng bị nhiễm phèn, nhiễm mặn.

Người dân đành phó mặc sự sống cho rủi may.

Nước giếng tuy không có mùi hôi thối nhưng bà con chỉ sử dụng cho việc tắm rửa. Nước uống và nấu cơm vẫn phải đi mua. Bà Tư Hiền, hộ đang dùng nước giếng khoan cho biết: "Nhiều khi bận quá không đi ra ngoài mua được thì đánh liều uống tạm nước giếng. Từ ngày trên tivi, báo đài nói thông tin nước giếng có chất gây ung thư thì gia đình tôi phát hoảng. Thà chết khát chứ không dám uống nước giếng nữa".

Nước về, kẻ cười người khóc

Vật vã nhiều năm trời, cách đây một tháng, bà con tổ 7 đã có nguồn nước sạch về tới nhà. Niềm vui như vỡ òa trên từng khuôn mặt. Nhà nào dù khốn khó cũng cố sắm lấy cái đồng hồ nước và đường ống để kéo nước từ trạm bơm về. Tuy nhiên, còn ba hộ Bùi Văn Bình, Bùi Văn Lợi, Bùi Văn Thanh thì đang dở khóc dở mếu vì nguồn nước chưa về tới nhà. Nguyên nhân do nhà họ ở cuối cùng của tổ, cách trạm bơm hơn 1.000 mét. Nhà nước hỗ trợ đồng hồ, còn tiền ống thì phải tự bỏ ra mua nên họ đành nuốt nước mắt ngồi nhìn.

Bàn chân lở loét vì dùng nước bẩn.

Anh Bình mếu máo: "Bây giờ chúng tôi lấy đâu ra 30 triệu để mua đường ống dẫn nước. Tiền ăn hằng ngày còn phải chạy bở hơi tai mới đủ. Ba anh em tôi là hộ nghèo bao nhiêu năm nay, vì hoàn cảnh nên phải chui vào cái xó này để ở. Giờ nguồn nước về tới chân rồi mà cũng không được dùng".

Vị trí nhà ba hộ cuối cùng của tổ 7 nằm sâu trong trảng đất, tách biệt so với các hộ dân bên ngoài. Hơn 20 năm lấy vợ ra ở riêng là ngần ấy thời gian vợ chồng anh Bình phải sống trong cảnh "quý nước hơn vàng". Chị Tư ngày đầu về nơi khỉ ho cò gáy này cứ khóc suốt. Nhưng ở đây khóc cũng chẳng có ai nghe thấu để mà đồng cảm chia sẻ. Mãi thành chai đi, phó mặc cho số phận.

Ngày nghe tin có nguồn nước sạch về, vợ chồng anh Bình mừng rơi nước mắt. Nghĩ đời mình may hơn đời cha, sống cả đời không biết đến một giọt nước sạch nó tròn méo ra sao. Nhưng niềm vui đã bị treo lơ lửng trên ngọn dừa nước. Vợ chồng anh Bình có ba đứa con gái đang tuổi ăn tuổi lớn, nhưng cứ tình trạng tắm nước ao bẩn thỉu thế này không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Chân tay, người ngợm thì lở loét quanh năm, cũng quen rồi. Sợ nhất là bệnh đường tiêu hóa, sức khỏe sẽ ảnh hưởng khôn lường về sau.

Ao nước dùng sinh hoạt.

Chị Tư đưa bàn tay, bàn chân ra, nhàu nhĩ và ghẻ lở. Các ngón chân của chị trắng nhợt, lở loét quanh năm. Còn chân anh Bình thì đóng vảy dày cộm, luôn tóe máu, rỉ mủ. Ngày nào anh cũng phải dầm mình dưới ao hút nước lên thùng rửa mấy bao rau muống rồi lại chính nguồn nước ấy, cả gia đình đằm người xuống tắm giặt hết mùa này sang mùa khác. "Là cư dân thành phố, nhưng cuộc sống của chúng tôi không bằng một góc dân nông thôn ở một số tỉnh. Đói ăn, khát nước triền miên. Đi ra ngoài, nhiều khi xấu hổ không dám dẫn ai về nhà…", anh Bình trải lòng.

Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh vẫn còn hơn 358.000 hộ dân chưa được cấp nước sạch. Trong khi theo Nghị quyết của Thành ủy và HĐND TP. Hồ Chí Minh đến cuối năm 2015, 100% hộ dân đô thị phải được sử dụng nước sạch và 100% hộ dân nông thôn phải được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Chiều 29/7/2015, báo cáo trước HĐND TP. Hồ Chí Minh, bác sĩ Lê Minh Nhân - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết, chất lượng nước giếng trên địa bàn thành phố không đạt quy chuẩn của Bộ Y tế về chất lượng nước sinh hoạt. Theo đó, tiến hành kiểm tra 1.400 mẫu nước ở 7 quận, huyện ngoại thành đa phần không đạt về chất lượng lý hóa (độ PH thấp và hàm lượng sắt cao) và một số không đạt chất lượng vi sinh. Nước có chất lượng PH thấp sẽ gây bệnh ngoài da các vấn đề về tiêu hóa như trướng bụng, khó tiêu…

Còn nước có tỷ lệ sắt quá cao (có màu, mùi tanh) cũng ảnh hưởng đến vấn đề tiêu hóa. Theo ông Nhân, quá trình kiểm tra còn phát hiện một số mẫu nước bị nhiễm chất Amoni. Nếu sử dụng nước nhiễm Amoni cho việc ăn uống hằng ngày sẽ gây tác hại rất lớn.

Trước vấn đề nước sạch cấp bách hiện nay, Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm yêu cầu UBND TP phải chỉ đạo các đơn vị phát triển mạng lưới cấp nước, bảo đảm chất lượng nước và ổn định giá nước, đồng thời tuyên truyền vận động người dân tuân theo chủ trương, phối hợp với các cơ quan, ban ,ngành nhằm thực hiện tốt việc đưa nước sạch đến tất cả các hộ dân. Bà Tâm khẳng định: "Chỉ cần một hộ dân chưa có nước sạch thì việc cung cấp nước sạch coi như là không đạt".

Ngọc Thiện
.
.
.