"Thủ phủ" của phong lan rộn ràng đón Tết

Thứ Năm, 15/02/2018, 15:37
Có lẽ chẳng nơi đâu người nông dân nhàn lại có thu nhập cao như xã Đông La (huyện Hoài Đức, Hà Nội). Họ chẳng phải lội bùn, lội ruộng, quần áo sạch tinh tươm, mỗi ngày chỉ mất 2-3 tiếng đồng hồ vừa làm vừa nhâm nhi trà thuốc, vừa chăm sóc vườn lan.


Quả đúng như vậy, cứ nhìn con đường dẫn vào xã bao quanh là những con ngõ bê tông, những ngôi nhà cao tầng kiểu dáng tân thời đồ sộ đủ thấy sự sung túc. Chủ những vườn lan ở đây trung bình thu nhập khoảng 500 triệu đồng, thậm chí lên đến cả tỷ đồng/năm.

Đến Đông La vào những ngày giáp Tết mới thấy được vì sao người ta vẫn mệnh danh đây là "thủ phủ" của phong lan. Khắp trong thôn ngoài xóm, đâu cũng thấy phong lan, thấy người ra kẻ vào tấp nập. 

Anh Nguyễn Văn Sĩ hồ hởi nói: "Chúng tôi chăm lan chỉ chờ đến những ngày cuối năm. Để phục vụ nhu cầu của nhiều người, ở đây rất nhiều vườn lan lớn có cả vài ki-ốt ở các chợ hoa lớn, như chợ Vạn Phúc, chợ Hoàng Hoa Thám. Xã chúng tôi trồng rất nhiều lan để phục vụ Tết, nhưng đôi khi không đủ cung cấp ra thị trường. Nhiều người sang tận Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan nhập hàng về để bán".

Nghề trồng lan bén duyên và cho thành quả như ngày hôm nay trên đất Đông La cũng thật tình cờ và thú vị. Cách đây hơn 20 năm, làng vẫn chưa có nghề phụ ổn định, thanh niên phiêu bạt khắp nơi, đặc biệt là các vùng Tây Bắc. Mỗi dịp tết đến, họ thường mang theo những giò lan rừng về làm quà. Chẳng mấy chốc, có người sở hữu cả mấy chục giò lan khoe sắc. 

Chăm nhiều, hiểu về cây, họ bắt đầu mày mò tìm hiểu kỹ nghệ những giò lan trở lên đẹp hơn, cho hoa sai hơn. Thế rồi khi có khách đến chơi, họ trả cả vài triệu một giò, thậm chí vài chục triệu. Vốn nhanh nhạy với thị trường, nhiều người dân Đông La chuyển luôn sang nghề đi buôn lan rừng và trồng tại nhà.

Nhiều người dân ở Đông La đổi đời nhờ trồng phong lan.

Bắt đầu bén duyên và yêu nghề lan gần 10 năm, anh Tạ Công Soái (32 tuổi) trở thành tỷ phú trẻ nhất nhì xã. Hiện gia đình anh có tới gần chục nghìn giò lan các loại. Nhìn qua vườn của anh đủ thấy anh tìm hiểu kỹ thuật kỹ càng đến mức nào. 

Anh bảo: "Tôi chia vườn ra thành từng khu trồng các loại lan khác nhau, khu trồng lan công nghiệp, khu thì trồng lan rừng để khách hàng dễ dàng lựa chọn. Trước đây tôi làm nghề thợ mộc, sau khi nhiều hộ gia đình đã thành công với nghề trồng lan nên tôi quyết định làm theo. Trồng lan không cần diện tích quá rộng, nhưng phải có kỹ thuật, trường vốn".

Nói đến những người giàu nhanh bằng nghề trồng lan phải kể đến ông chủ vườn lan Trường Uyên. Anh Uyên không chỉ sở hữu vườn lan rừng rộng hàng nghìn mét vuông mà còn có cả hàng nhập ngoại, hàng lai quý hiếm. 

Anh Trường chia sẻ: "Trồng lan không khó như người ta tưởng. Nhiều người cho rằng không phải ai cũng trồng được lan và cho ra hoa, cần phải có cái duyên. Suy nghĩ đó sai hoàn toàn, người trồng lan chỉ cần chú ý đến 3 yếu tố: Độ ẩm, ánh sáng và độ thông thoáng". 

Năm 1989, anh Trường tình cờ được tiếp xúc với lan rừng của một gia đình giàu có trong làng, anh đã đam mê từ đó. Hai vợ chồng anh bắt đầu lặn lội lên các cánh rừng phía Bắc để khai thác, tìm kiếm, sau đó mang về nội thành Hà Nội bán. 

Tiền lãi thu được cao hơn nhiều so với những nghề khác, song anh Trường nhận thấy mô hình trồng lan rất phù hợp với điều kiện nông thôn, hai vợ chồng lại bàn nhau chuyển sang trồng lan. Tuy nhiên, hai năm đầu thực sự là vô cùng khó khăn, vất vả của họ. 

Với sự cần cù, chịu học hỏi, anh Trường đã thành công, đến nay tổng diện tích mô hình trồng lan của anh lên tới trên 2.000m², vườn có đến vài trăm loại lan khác nhau như: Đai trâu, quế lan hương, tam bảo sức, phi điệp… cho doanh thu hơn 4 tỷ đồng/năm.

Làng hoa phong lan Đông La đã biết thích nghi với điều kiện đổi mới, đã nỗ lực vươn lên, cùng viết lên kỳ tích. Một mùa xuân nữa lại đến, những giò lan đẹp từ Đông La lại tỏa đi khắp nơi, lại cùng khoe sắc. Thêm một cái Tết ấm no, một cái Tết rực rỡ sắc màu trên mảnh đất này. 
Phong Anh
.
.
.