Sự giả dối và áp lực trường chuẩn

Thứ Sáu, 07/10/2016, 09:08
Nếu để tìm một câu chuyện khôi hài nhất, khó tin nhất trong mấy ngày qua, chắc nhiều người sẽ đồng ý chọn câu chuyện về một học sinh ở thành phố Sóc Trăng học đến lớp 6 nhưng chưa đọc thông, viết thạo nên bị trả về vạch xuất phát - lớp 1 để các thầy cô giáo dạy lại từ đầu.


Em học sinh này có tên LSV, vào đầu năm học này là học sinh lớp 6 của Trường THSC Lê Vĩnh Hòa. Câu chuyện xì xào trong trường từ những ngày đầu năm học khi một số giáo viên, phụ huynh có con em học tại Trường Tiểu học Lý Đạo Thành (ở phường 8, thành phố Sóc Trăng), là một trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia đã phản ánh: có học sinh ở trường đạt chuẩn quốc gia nhưng chưa thể đọc được, viết được, đó là chưa kể đến việc không thể làm các phép tính đơn giản. Tất nhiên, học sinh được nhắc tới là em LSV.

Minh họa của Lê Tâm.

Mẹ của em V nói trong nước mắt: Năm học 2016 - 2017, V. được lên lớp 6 Trường THCS Lê Vĩnh Hòa sau khi học xong lớp 5 Trường Tiểu học Lý Đạo Thành. Thế nhưng, chỉ vào học được vài ngày, giáo viên mời tôi lên thông báo là V học lực rất yếu, em chưa thể đọc chữ được, viết cũng không rành nên không thể học lớp 6 mà phải xuống học lại từ lớp 1.

Chính người mẹ này cũng nêu thắc mắc: Tôi không ngờ con mình mỗi năm lên một lớp, có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tiểu học rồi mà vẫn chưa biết đọc.

Thông thường, các học sinh học hết lớp 1 là đã đọc thông, viết thạo, biết làm các phép tính đơn giản với 2 con số. Thậm chí nhiều em 5 tuổi (lớp mẫu giáo lớn) nhưng được cha mẹ cho học trước cũng đã đọc sách vanh vách.

Thế cho nên, khi câu chuyện về học sinh lớp 6 mà không bằng học sinh lớp 1 lan truyền trên mạng, nhiều người chỉ biết há miệng, trợn mắt ngạc nhiên.

Vậy đâu là nguyên nhân của sự việc trên? Rất đơn giản, đó là áp lực của trường tiểu học chuẩn quốc gia. Cô giáo hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Đạo Thành thừa nhận: trường đã đạt chuẩn quốc gia cách đây 4 năm.

Hằng năm, để xét lên lớp, nhà trường cũng tổ chức thi, kiểm tra chéo, nhận xét đánh giá đầy đủ theo đúng quy định. Để xảy ra tình trạng học sinh lên lớp đều nhưng không biết đọc như vậy lỗi một phần do nhà trường tin tưởng giáo viên quá.

Hơn nữa, việc giao chỉ tiêu, áp lực của trường chuẩn quốc gia nên thường cuối năm, mỗi lớp, học sinh lưu ban gần như không được quá 1 em.

Vì học sinh lưu ban không được quá 1 em trong mỗi lớp nên dù em V học lực rất kém, nhưng em không được phép lưu ban mà vẫn "phải" lên lớp. Điều đáng buồn là câu chuyện đó đã diễn ra 5 năm liền.

Theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo, Trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia được chia làm 2 mức độ: mức độ 1 và mức độ 2. Mức độ 1 quy định các tiêu chuẩn cần thiết của trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia để đảm bảo tổ chức các hoạt động giáo dục có chất lượng toàn diện.

Mức độ 2 quy định các tiêu chuẩn cần thiết của trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia để đảm bảo tổ chức các hoạt động giáo dục có chất lượng toàn diện mức độ cao hơn, tạo tiền đề nhằm tiếp cận với trình độ phát triển của trường tiểu học ở các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Như vậy, để một trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia phải có rất nhiều điều kiện khắt khe về cơ sở vật chất, thiết bị trường học, tiêu chuẩn về ban giám hiệu, giáo viên, học sinh, chất lượng hóa giáo dục, thực hiện xã hội hóa giáo dục…

Một trường được công nhận là trường chuẩn quốc gia sẽ là thương hiệu tốt để các phụ huynh yên tâm gửi gắm con vào trường.

Dù đạt chuẩn hay không thì mục đích cao nhất của giáo dục vẫn là đào tạo những công dân tương lai của đất nước vừa có đạo đức, vừa có kiến thức để sau này xây dựng đất nước giàu đẹp. Song, điều chúng ta cần là sự trung thực, là những thế hệ học sinh thật sự có kiến thức, đáp ứng với nhu cầu ngày càng cao của đời sống.

Từ câu chuyện khôi hài trên, rất mong các trường đừng vì chạy theo thành tích, danh hiệu hão mà quên đi những mục đích cao cả của mình, bởi điều chúng ta cần là những con người phát triển toàn diện chứ không phải những con số trong báo cáo.

Tuấn Nguyễn
.
.
.